Dương Hạnh – Người Đưa Tin
“Luật Giáo dục 2005 sửa đổi năm 2009 quy định: Nhà giáo có quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự. Hành vi xâm phạm danh dự nhà giáo sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật gia Nguyễn Văn Hậu cho biết.
***
Mới đây, tại trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có xảy ra trường hợp, cô giáo B.T.T.N. bắt học sinh quỳ khiến các em không muốn đến trường. Vì vậy, 4 phụ huynh của các em học sinh đó đã vào trường để làm rõ việc xử phạt và có những lời lẽ gay gắt. Sau đó, cô giáo này đã phải quỳ xuống xin lỗi. Sự việc khiến dư luận vô cùng bức xúc. Trước vấn đề này, PV đã có buổi trao đổi với luật gia Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) để được nghe ông phân tích về mặt pháp lý.
PV: Thưa ông, tại trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có xảy ra trường hợp một giáo viên bị phụ huynh ép phải quỳ gối vì đã có hành vi xử phạt con em họ. Vậy, dưới góc độ pháp lý, luật sư có suy nghĩ gì về trường hợp này?
Luật gia Nguyễn Văn Hậu: Mọi người đều có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, điều này cũng đã được quy định tại Hiến pháp 2013. Do đó, hành vi buộc học sinh quỳ gối của giáo viên đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của học sinh, điều này đã vi phạm nhân quyền, vi phạm Hiến pháp; đồng thời hành vi này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của học sinh cũng như sự phát triển bình thường của trẻ em.
Hành vi này của giáo viên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, luật Giáo dục, phụ huynh không được thực hiện hành vi tương tự để buộc giáo viên xin lỗi, bởi đây cũng là hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm.
Danh dự, nhân phẩm của con người luôn được pháp luật bảo hộ, đảm bảo không bị xâm phạm bởi bất kỳ hình thức đối xử nào; hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.
PV: Nếu giáo viên bị chính phụ huynh ép quỳ gối trước sự chứng kiến của phụ huynh, giáo viên và học sinh thì phụ huynh có bị khép vào tội Làm nhục người khác hay không, luật sư có thể phân tích?
Luật gia Nguyễn Văn Hậu: Trong vụ việc này, cần xem xét tính nghiêm trọng của hành vi xúc phạm người khác để kết luận hành vi này có phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 hay không. Bởi, đối với tội phạm này, mức độ nghiêm trọng của hành vi là yếu tố quan trọng để xác định trách nhiệm hình sự.
Hành vi của phụ huynh trong trường hợp này không chỉ làm ảnh hưởng đến cá nhân người giáo viên mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động của nhà trường, ngành Giáo dục. Tuy nhiên, hành vi này không nghiêm trọng đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi này nên bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Riêng đối với việc xâm phạm danh dự nhà giáo sẽ bị xử phạt theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Việc xử phạt này phải được thực hiện đối với cả người giáo viên. Bên cạnh đó cần có biện pháp xử phạt trong ngành để ngăn chặn hành vi tương tự được thực hiện làm ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh, cũng như ảnh hưởng đến ngành giáo dục.
PV: Liên quan đến vấn đề làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà giáo, Hiến pháp, pháp luật và luật Giáo dục có quy định cụ thể như thế nào?
Luật gia Nguyễn Văn Hậu: Liên quan đến vấn đề bảo vệ danh dự, nhân phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật quy định như sau:
Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Bộ luật dân sự 2015 quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Luật Giáo dục 2005 sửa đổi năm 2009 quy định: Nhà giáo có quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự. Hành vi xâm phạm danh dự nhà giáo sẽ bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của luật gia.
Leave a Comment