RFA |
Truyền thông trong nước hôm 5/3/2018 chính thức loan tin ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được chỉ định giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư nhiệm kỳ 2016-2021, thay thế cho ông Đinh Thế Huynh đương nhiệm vì ông Huynh đang điều trị bệnh. Ông Trần Quốc Vượng thực chất đã tạm nắm chức Thường trực Ban bí thư từ năm ngoái khi có tin ông Huynh bị bệnh.
Nhân vật được bổ nhiệm cùng với thông tin được cho là “mới mà cũ” này nói lên điều gì trong cơ cấu nhân sự nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam?
‘Chiến thuật chính trị’
Những diễn biến xảy ra trong chính trường Việt Nam hơn một năm nay cho thấy tính chất quyết liệt của cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm tổng tư lệnh. Hàng loạt các quan chức cấp cao giữ chức vụ quan trọng trong nội bộ Đảng Cộng sản lần lượt phải hầu toà vì những sai phạm ở tội danh tham nhũng, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Điển hình là một Đinh La Thăng, Uỷ viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố, bị tạm giam, bị truy tố và bị kết án 13 năm tù giam.
Yếu tố này cùng với việc Bộ Chính trị quyết định chọn ông Trần Quốc Vượng làm thường trực Ban Bí Thư, người vốn đã từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng có phải là một cách thể hiện quyết tâm chính trị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Để nói về điều này, trước hết Tiến sĩ Nguyễn Quang A đề cập đến người tiền nhiệm của ông Trần Quốc Vượng, đó là ông Đinh Thế Huynh.
“Thời đấy ông Huynh là 1 người Thường trực Ban Bí thư, cách đây mấy năm nghe đồn ông Nguyễn Phú Trọng chỉ định là người thay thế mình. Nhưng rồi vì sức khoẻ, bây giờ ông Vượng thay. Tôi nghĩ mình khó đánh giá. Về mặt nhân sự của Việt Nam thường đến phút 89 mới rõ.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết, “chức vụ trước đây của ông Trần Quốc Vượng có dính dáng đến gì đó gọi là cuộc chống tham nhũng” nhưng điều này không có nhiều tác động đến sự bổ nhiệm chức vụ mới của ông Vượng.
“Thường trực Ban Bí thư tức là cái người thay ông Huynh thực sự điều hành hàng ngày Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thì chắc chắn phải dính đến tất cả những chuyện ông Tổng bí thư muốn.”
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng có cách suy luận và phân tích để cho thấy quan điểm của ông trong vấn đề bổ nhiệm nhân sự này là ‘một chiến thuật chính trị’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo ông, từ 2015, cái tên Trần Quốc Vượng rất mờ nhạt giữa những ‘ngôi sao sáng’ như Phạm Quang Nghị, Đinh Thế Huynh, sau đại hội 12 là Trần Đại Quang là những nhân vật được cho là thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong tương lai.
“Theo tôi hiểu tính chất chuyên ngành về Viện Kiểm sát hay Chánh văn phòng Trung ương Đảng cũng không phải quá quan trọng. Mà vấn đề là đến lúc nào đó thì hoặc ông Nguyễn Phú Trọng không còn ai để chọn nữa hoặc là ông ta sẽ bố trí hàng loạt các con bài để có sự xem kẽ và cạnh tranh về mặt chính trị.
Cũng có thể đó là 1 chiến thuật về mặt chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng.”
Bài liên hệ:
– “Vương Kỳ Sơn Việt Nam” chính thức trở thành nhân vật quyền lực thứ hai
Vì sao là Trần Quốc Vượng?
Một số ý kiến từ các nhà bình luận trong nước cho rằng việc chính thức công bố cơ cấu nhân sự mới của Bộ Chính trị vào ngày thứ Hai, 5/3/2018 là có lý do đặc biệt. Nhà báo Nguyễn An Dân khi trả lời BBC Tiếng Việt nêu ý kiến rằng “Hôm nay, là ngày Hàng không Mẫu hạm Mỹ ghé thăm Việt Nam thì Đảng mới công bố. Tôi cho là Hà Nội muốn ngầm nói với Bắc Kinh rằng dù có liên kết quân sự với Mỹ thì đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ‘mềm mại về chính trị’ theo mong muốn của Trung Quốc.”
Phản biện nhận định này, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, từ Sài Gòn khẳng định quan điểm của ông là hai sự việc hoàn toàn không có sợi dây liên kết về thời gian xảy ra sự việc.
“Tôi hoàn toàn không thấy có mối liên quan gì tới việc bổ nhiệm Trần Quốc Vượng với việc tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam và cảng Đà Nẵng. Hoàn toàn không có mối liên quan nào hết.”
Lý do ông đưa ra là thứ nhất, việc này chưa có tiền lệ. Thứ hai là tính chất của hai sự việc hoàn toàn đối lập nhau, một bên là đối nội, một bên là đối ngoại.
“Đây là việc của nội bộ Đảng và không có liên quan đến vấn đề đối ngoại. Tàu sân bay Mỹ mang đậm tính chất đối ngoại.”
Cũng liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng, được cho là một bản sao của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, 1 chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng bắt đầu tại Trung Quốc sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 của Trung Quốc năm 2012 kết thúc, nằm dưới sự bảo vệ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Phạm Chí Dũng cho rằng đây mới chính là điểm nhấn cho thấy sự hiện diện của Trung Quốc trong việc bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng.
“Không phải là cá nhân Trần Quốc Vượng mà là tính chất của ban chuyên môn, đó là Uỷ ban Kiểm tra trung ương Đảng của Việt Nam và Uỷ ban kiểm tra kỷ luật trung ương của Trung Quốc. Ông Trọng có thể nói là người rất được khích lệ bởi chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ của ông Tập Cận Bình.
Ông đã chọn Uỷ ban Kiểm tra Trung ương của Việt Nam như 1 ban chuyên môn và 1 cánh tay phải đắc lực để giúp TBT như Vương Kỳ Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Trung Quốc là cánh tay mặt của Tập Cận Bình.
Vô tình ông Trần Quốc Vượng rơi vào điểm nhấn của lịch sử trong triều đại Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Nhân vật quyền lực thứ 2
Theo truyền thống về mặt cơ cấu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, chức vụ Thường trực Ban Bí thư được cho là nhân vật quyền lực thứ 5 sau ‘Tứ trụ triều đình’. Thế nhưng, trong diễn biến hiện tại, ông Phạm Chí Dũng cho rằng đây là “trường hợp ngoại lệ”. Lý do được ông giải thích như sau:
“Vì ông Trần Quốc Vượng vẫn nắm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hiện đang có vai trò rất lớn, có thể nói là số 1 bên cạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do đó Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang có 1 quyền hành rất lớn ở Việt Nam. Và sắp tới thậm chí cơ quan này sẽ triển khai hoạt động ở cấp quận, huyện.”
Từ những góc phân tích này, ông Phạm Chí Dũng cho rằng vị trí của ông Trần Quốc Vượng thậm chí còn lớn hơn cả Chủ tịch nước. Và không những thế, ông nhấn mạnh:
“Việc bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng mang hàm ý ông Trần Quốc Vượng chính thức trở thành ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư.”
Nhận định này khá tương đồng với ý kiến của một vị luật sư khi trả lời đài BBC Tiếng Việt về vấn đề này rằng: “Việc chính thức hóa chức vụ cho ông Vượng vào ngay thời điểm này chứng tỏ ông Nguyễn Phú Trọng đang kiểm soát tốt tình hình. Ông Vượng kém hơn ông Trọng 10 tuổi và trong bối cảnh khủng hoảng lãnh đạo cấp cao như hiện nay trong bộ chính trị thì liên minh Trọng-Vượng là thiết yếu để kềm chế các đối thủ khác.”
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng việc bổ nhiệm ông Vượng thay ông Huynh là nước cờ đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng trong năm 2018 về cách phân quyền. Ông kết luận đây là chiến dịch ‘Vượng diệt ruồi và hổ nhỏ, còn Trọng diệt hổ lớn.”
Leave a Comment