Hội Cờ Đỏ – một hội đoàn “cánh tay nối dài của đảng”, được các cơ quan chính quyền “bảo kê” cho ra đời vào giữa năm 2017 mà chẳng trưng ra bất kỳ một giấy phép hoạt động nào – đang phát huy tác dụng côn đồ, hồng vệ binh, khủng bố và phát xít của nó vào đầu năm 2017.
Hành động khủng bố mới nhất của Hội Cờ Đỏ xảy ra vào tháng Hai năm 2018: nhiều thành viên của tổ chức này, không loại trừ trong đó có cả những nhân viên công an mà người dân đã phát hiện có tính bằng chứng không chỉ một lần, đã hành hung các phụ huynh khi những người này đến gặp ban giám hiệu tìm hiểu nguyên nhân vì sao con em của họ bị đuổi học. Một số phụ huynh là giáo dân Công giáo, thuộc giáo xứ Đăng Cao, ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã tố cáo thủ phạm huy động Hội Cờ Đỏ là chính quyền địa phương và trường Tiểu học Diễn Đoài.
Hành động khủng bố trên xảy ra chỉ ít ngày sau khi Linh mục Đặng Hữu Nam – người đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam về cách giải quyết thảm họa môi trường biển do tập đoạn Formosa gây ra, buộc phải thuyên chuyển sang phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên thành, tỉnh Nghệ An. Việc thuyên chuyển Linh mục Nam được giới dư luận viên tuyên giáo và công an khoe khoang rằng đó là một thành tích của công tác “chống phản động”.
Sau chiến dịch đàn áp phong trào phản kháng Formosa của ngư dân và giáo dân miền Trung trong hai năm 2016 và 2017, nhà cầm quyền đang có cơ hội nhân rộng thành tích của mình khi giới công giáo phản biện trong nước vừa phải đối mặt với một khó khăn mới về đối ngoại: trong danh sách 10 nước “cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” (CPC), Bộ Ngoại giao Mỹ đã không đưa tên Việt Nam vào, bất chấp Ủy hội của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) có trụ sở tại thủ đô Washington DC đã nhiều lần yêu cầu do tình trạng đàn áp tôn giáo nặng nề và không hề được cải thiện, Mỹ cần phải đưa Việt Nam vào lại CPC.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, dân biểu Ed Royce, ra thông cáo bày tỏ bất bình vì Việt Nam một lần nữa thoát khỏi danh sách CPC: “Tự do tôn giáo là nhân quyền cơ bản, nhưng vẫn còn rất nhiều người trên khắp thế giới bị đàn áp, tù đày và giết hại chỉ vì niềm tin tín ngưỡng của mình. Là người Mỹ, nhiệm vụ của chúng ta là phải lên tiếng cho những người không có tiếng nói. Chính quyền Mỹ đã làm đúng khi đưa việc này lên làm ưu tiên. Việc tái liệt kê Burma (Myanmar) là quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo là đặc biệt thỏa đáng vì nạn thanh trừng sắc tộc của quân đội nước này đối với người Hồi giáo Rohingya. Tuy nhiên, tôi bất bình khi thấy rằng một lần nữa Việt Nam lại không bị đưa trở lại danh sách này. Người dân Việt Nam tiếp tục bị vi phạm quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền khác. Hoa Kỳ chớ nên e dè chỉ ra các nước vi phạm như thế.”
Việt Nam từng bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC từ tháng 9/2004 đến tháng 11/2006. Tuy nhiên đến cuối năm 2006, Tổng thống Mỹ George Bush đã quyết định gỡ tên Việt Nam khỏi Danh sách CPC, đồng thời đến năm 2017 Việt Nam còn được gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chỉ ít lâu sau khi được toại nguyện vị thế chính trị và lợi ích kinh tế, Việt Nam gia tăng đàn áp trở lại đối với các tôn giáo ly khai. Nhiều tu sĩ của Công giáo, Tin Lành, Phật giáo Thống Nhất, Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy… đã bị công an tống giam.
Hơn một năm qua, thái độ không mấy quan tâm của Tổng thống Trump đến nhân quyền nói chung và tự do tôn giáo nói riêng ở Việt Nam đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam “như cởi tấm lòng”, tiến hành một chiến dịch đàn áp dữ dội giới nhân quyền và bất đồng chính kiến từ giữa năm 2016 đến gần cuối năm 2017, bắt giam đến gần 50 người và xử tù rất nặng hơn 20 người.
Cần nhắc lại, “Hội Cờ Đỏ” – một tập hợp của những người bị xem là “cuồng đảng,” những dư luận viên quen mặt và có thể cả những người đại diện cho các hội đoàn chính trị-xã hội của chính quyền như Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Hội Phụ Nữ, Hội Nông Dân, Hội Cựu Chiến Binh, cùng lòng căm thù nhắm thẳng vào giới Công Giáo với những khẩu hiệu sắt máu không thèm che đậy như “quạ đen” (chỉ các linh mục và giám mục), “diệt giặc đạo”… – đã và đang làm sống lại hình ảnh khối Hồng Vệ Binh thời cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc những năm 1960 của thế kỷ XX, hay hình ảnh Chủ Nghĩa Tân Phát Xít ra đời ở Châu Âu từ cuối thế kỷ đó và vẫn tồn tại cho tới nay./.
Leave a Comment