Tân Phong – Việt Tân |
Hôm 26/2/2018, một người Sài Gòn, một cựu quân nhân VNCH, một nhạc sĩ tài hoa đã qua đời: Đại tá Nguyễn Văn Đông.
Những cựu thiếu sinh quân, những người lính VNCH lặng lẽ đứng xếp hàng, diễu qua linh cữu ông, bồng tay chào nghiêm trang, tiễn biệt người chỉ huy, người chiến sỹ đã rời “phiên gác đêm xuân” của đời mình để về cõi vĩnh hằng. Những khúc nhạc đẹp đẽ, những bản tình ca quê hương, lứa đôi da diết với “chiều mưa biên giới”, “sắc hoa màu nhớ”, “nhớ một chiều xuân”… bỗng được người Sài Gòn nghe nhiều hơn.
Một tài hoa đã đi qua đời nhưng dấu ấn của ông trong trái tim đồng đội, những thế hệ say mê những bản nhạc của ông thì còn mãi. Ông là người đã góp phần tạo ra những giá trị văn hóa vô giá của mộ thể chế, một xã hội Nhân Bản và Tự Do, một thời đại mà người Việt Nam từng có, từng sống và mãi mãi thương tiếc, tự hào xen lẫn niềm cay đắng, bi tráng: Thời đại Việt Nam Cộng Hòa.
Đại tá Nguyễn Văn Đông là cựu thiếu sinh quân và sỹ quan cao cấp của VNCH nhưng ông nổi tiếng là một nhạc sĩ tài danh, là người viết Hành khúc Thiếu sinh quân khi mới 16 tuổi, là tác giả của 68 bài hát cùng nhiều vở nhạc kịch, tuồng,… đồng thời là người góp công lớn cho nền nghệ thuật, ca nhạc của thời đại của ông dưới nhiều vai trò khác nhau.
Sau 30/4/1975, cũng như các sỹ quan, quân nhân của VNCH, ông trải qua 10 năm tù đày trong những trại tập trung lao động cưỡng bức của Cộng sản từ Suối Máu cho đến Chí Hòa cho đến 1985. Sau khi ra khỏi lao tù Cộng sản, ông từ chối sang định cư tại Hoa Kỳ mà ở lại cùng gia đình tại Phú Nhuận, Sài Gòn đến ngày cuối cùng rời cõi tạm.
Ông đã im lặng suốt 33 năm cho đến khi kết thúc cuộc hành trình dài đằng đẵng với thăng trầm, vinh, nhục, được mất của đời người, lặng lẽ chứng kiến thời đại đẹp đẽ của ông mất đi với tất cả nỗi u uẩn, xót xa. Con họa mi kiêu hãnh đã không còn cất tiếng hót tuyệt vời ngoài nỗi đau đớn câm lặng, đeo đẳng suốt phần đời còn lại.
Ông đã chịu đựng quá lâu, tới tận lúc trở về cát bụi. Giờ đây, ông có thể nghỉ ngơi. “Phiên gác đêm xuân” của ông, xin dành lại cho thế hệ tiếp nối. Ở nơi trần thế này, những khúc ca tráng lệ của ông vẫn ngân vang, nhắc nhở một thời đại tử tế, huy hoàng đã qua. Hồn cốt của một dân tộc được vun đắp bởi những người như ông, sẽ không bao giờ lụi tàn khi các thế hệ sau vẫn nhớ, vẫn yêu thích và vẫn hát giai điệu mà những Tài hoa như ông để lại cho đời.
Hình ảnh các cựu thiếu sinh quân, những người lính VNCH mặc chiến y mà họ còn giữ gìn suốt 43 năm qua, dù thân thể đã không còn nguyên vẹn, đã già nua theo năm tháng, nhưng cái Tôn nghiêm mà họ đã toát ra từ trong tư thế đầy trang trọng khi bồng tay chào người chỉ huy, người anh cả trong lễ tiễn biệt ông về nơi vĩnh hằng đã để lại những cảm xúc thật khó quên.
Họ là những nhân chứng của thời đại, nơi mà những giá trị của một xã hội với nền giáo dục, văn hóa, tư tưởng… đã lắng đọng trong cốt cách và làm nên bản sắc của những người “một ngày là quân nhân, mãi mãi là quân nhân”. Cho dù lịch sử hôm qua đã thật bất công và nghiệt ngã với họ nhưng sẽ có một ngày, lẽ công bằng và sự thực sẽ được trả lại.
Cũng như suốt 43 năm qua, những bài hát trữ tình, những ấn phẩm văn hóa, thi ca của VNCH bị cấm đoán, hủy bỏ, đốt phá bởi nhà cầm quyền thì thời gian cũng đã có câu trả lời. Người ta có thể thay đổi thể chế, luật pháp nhưng hồn cốt văn hóa thì luôn có một sức mạnh bền bỉ, trường tồn.
Những giá trị văn hóa sẽ quyết định tương lai của một dân tộc, một quốc gia. Những bản nhạc của đại tá Nguyễn Văn Đông sẽ còn lại mãi cùng thời gian là trở thành một phần trong vốn văn hóa Nhân bản, góp phần cứu giúp dân tộc này trong một thời đại mê muội, hoang dại, nơi những niềm tin xã hội đã kiệt cùng.
Xin cảm ơn ông, xin được nghiêng mình chào người nhạc sĩ tài hoa, người chiến sĩ kiêu dũng về nơi an nghĩ. Ông hãy nghỉ ngơi, thưa đại tá! “Phiên gác” sau sẽ có người nối tiếp bước chân ông.
Vĩnh Biệt Đại Tá Nguyễn Văn Đông! (Rest In Peace Colonel!)
Tân Phong
Ngày 3/3/2018
Leave a Comment