“Đảng là tổ chức chính trị, lẽ ra chỉ can thiệp ở mức định hướng. Triển khai và thực hiện hay không phải dựa trên tham mưu, ý kiến phải hồi từ Chính phủ. Nhưng ở Việt Nam thì định hướng của Đảng trở thành chỉ thị buộc Chính phủ làm theo, bất chấp hậu quả và chỉ cần đạt được mong muốn duy ý chí từ Đảng”.
Sau luồng dư luận phản ứng mạnh mẽ việc Bộ tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lên kịch trần. Bộ tài chính đã lên tiếng giải thích và cho biết, “đề xuất tăng thuế nói trên nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước đảm bảo an toàn nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững, trong đó có giải pháp là cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Cũng theo ông Thi, trong phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, ngoài một số ý kiến cho rằng cần thiết phải mở rộng đối tượng chịu thuế, đưa thêm một số hàng hóa vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để hướng tới phát triển kinh tế bền vững, có ý kiến nói phải làm rõ cơ sở khoa học để xem xét mở rộng khung. Cũng có ý kiến đề nghị trong lúc khung thuế bảo vệ môi trường của Quốc hội còn cho phép thì cần thiết Chính phủ điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường.” (Trích vietnamfinace.vn).
Giải thích và nội dung câu trả lời của đại diện Bộ tài chính cho thấy đây là một đề xuất được thực hiện theo chỉ đạo của Đảng và đã được Quốc hội thông qua trước khi được loan tải ra trước công luận. Nó chỉ ra sự thật là mọi quyết sách liên quan tới quốc kế dân sinh ở Việt Nam trong chế độ hiện nay luôn là qui trình trùm mền, được chỉ đạo từ Đảng chứ chưa bao giờ xuất phát vì lợi ích của người dân. Trái ngược hoàn toàn với việc những phát ngôn lẫn qui định được thể hiện trong luật pháp do chính bộ máy cầm quyền đưa ra. Mọi vai trò của nhà nước, quốc hội, chính phủ tới người dân đều chỉ là phương tiện để thực thi ý chí của nhóm lợi ích lớn nhất mang tên Đảng cộng sản.
Trong bài viết trước, tôi đã đưa ra ý kiến về việc đề xuất tăng thế BVMT đối với xăng dầu lên kịch trần là một đề xuất không mang ý nghĩa và hàm lượng giá trị về mặt quản lý vĩ mô của nhà nước. Qua thông tin mà BTC trả lời công luận, cho thấy nó là đề xuất theo sự chỉ đạo có nguồn gốc từ Đảng, đồng nghĩa khẳng định chỉ đạo của Đảng hoàn toàn sai về mặt quản lý kinh tế vĩ mô ở cấp nhà nước. Điều đó dễ hiểu vì vai trò của Đảng là tổ chức chính trị, lẽ ra chỉ can thiệp ở mức định hướng. Triển khai và thực hiện hay không phải dựa trên tham mưu, ý kiến phải hồi từ Chính phủ. Nhưng ở Việt Nam thì định hướng của Đảng trở thành chỉ thị buộc Chính phủ làm theo, bất chấp hậu quả và chỉ cần đạt được mong muốn duy ý chí từ Đảng. Đây cũng là nguyên nhân then chốt để lý giải tại sao kinh tế – xã hội Việt Nam “không chịu phát triển” bởi cơ chế quyền lực trùm mền mà Đảng đã tạo ra.
Quay lại vấn đề tăng thuế xăng dầu, rõ ràng đề xuất tăng thuế đã không có cơ sở nào khác với chỉ đạo của Đảng trong mục đích tăng thu ngân sách. Luật ngân sách đã qui định rõ thu ngân sách là nhiệm vụ của Chính phủ, Đảng hoạt động sử dụng ngân sách nhà nước đã là một việc sai luật – Vì đúng luật thì Đảng chỉ được sử dụng ngân sách là khoản thu phí sinh hoạt đảng của Đảng viên và một phần ngân sách sự nghiệp do Chính phủ cấp liên quan mục đích tham gia hành chính sự nghiệp trong cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước. Chỉ đạo của Đảng về ngân sách làm lu mơ và rõ ràng vô hiệu hóa vai trò quản lý, điều tiết kinh tế của Chính phủ khi chỉ đạo tăng thu thuế xăng dầu, dẫn đến ảnh hưởng xấu cho toàn bộ chiến lược phát triển lẫn cơ cấu kinh tế toàn diện mà Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.
Năm ngoái, đọc thông tin Thủ tướng đã thành lập và chọn một tổ tư vấn với đa số các nhân sự có học vị rất cao từ nước ngoài cùng một số chuyên gia trong nước. Tôi từng đặt câu hỏi: Liệu tổ tư vấn này có hoạt động hiệu quả không với đặc thù cơ chế và cách quản lý hiện nay? Qua việc Thủ tướng nhanh chóng đồng ý và chỉ đạo BTC lập đề xuất tăng thuế xăng dầu là một minh chứng cho thấy Tổ tư vấn đã không có bất cứ ảnh hưởng nào tới chính sách. Thật khó tin khi với những gương mặt và học vị, chuyên môn cao như các nhân sự của Tổ tư vấn cho Thủ tướng lại không nhận ra những bất cập và mâu thuẫn qua một việc cụ thể như vậy.
Chỉ dấu rối loạn khi “nhất thể hóa” theo hướng tập trung quyền lực vào tay Đảng bắt đầu hiện hữu và báo hiệu những bế tắc khi nhà nước được điều hành bởi tổ chức chính trị giáo điều, thiếu thực tế nhưng tham vọng quá lớn./.
Nguồn tham khảo: http://vietnamfinance.vn/bo-tai-chinh-len-tieng-ve-viec-tang-thue-moi-truong-xang-dau-len-kich-khung-20180227073614716.htm
Leave a Comment