Trong vụ án Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM được cho là lừa đảo của khách hàng và chiếm đoạt số tiền 300 tỷ đồng rồi bỏ trốn, cần làm rõ quan hệ pháp lý giữa khách hàng và ngân hàng ở đây là gì.
Trong trường hợp này, có hai quan hệ song song cùng tồn tại.
Một là quan hệ gửi giữ tài sản – thông qua các tài khoản thẻ cá nhân. Và trách nhiệm của người giữ tài sản là phải quản lý và đảm bảo an toàn cho tài sản được gửi giữ. Người gửi giữ tài sản, vì thế, đã thanh toán các chi phí quản lý cho người nhận giữ tài sản của mình (là ngân hàng). Nếu xảy ra mất mát hay hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng, thì người nhận gửi giữ phải có trách nhiện bồi thường hiệt hại. Tham khảo chương về Hợp đồng gửi giữ tài sản trong Bộ luật Dân sự.
Hai là quan hệ gửi tiền tiết kiệm – thực chất là cho ngân hàng vay tiền theo một kỳ hạn (hoặc không kỳ hạn) với một mức lãi suất ấn định trước. Điều này tuân theo quy chế quy định tại Văn bản số 14/VBHN-NHNN năm 2014 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Theo Điều 27.6 Quy chế này thì Ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tài sản gửi tiết kiệm của khách hàng khi có thiệt hại, vi phạm hoặc bị lợi dụng do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm. Hơn nữa, do đây là quan hệ cho vay, nên quyền sở hữu tài sản (đối với số tiền) của người gửi đã được chuyển cho bên ngân hàng kể từ khi thực hiện xong thủ tục gửi tiền tại ngân hàng (động sản, chỉ cần chuyển giao tài sản là chuyển giao quyền sở hữu). Vì vậy, khi mất mát số tiền (ghi danh, ở tình trạng ảo) trong thẻ tiết kiệm (là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu, là một loại giấy tờ có giá, thực ra là một trái quyền của người gửi đối với tổ chức nhận tiền gửi), thì tài sản bị đánh cắp ở đây là tài sản ở dạng ảo, đang được quản lý bởi ngân hàng. Số tiền lãi, dù tài sản ở trạng thái nào và dẫu có bị mất thì nó vẫn được tính trên tổng số tiền đã gửi, kể cả có xảy ra sự kiện nào đi nữa. Vậy vấn đề ở đây là phải chứng minh được lỗi của ngân hàng nhận tiền gửi trong hành vi (rút tiền trái phép) của nhân viên của họ.
Trong Bộ luật Dân sự đã quy định về yếu tố lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khá rõ ràng. Dù là lỗi cố ý hay vô ý, đều dẫn đến trách nhiệm bồi thường của người quản lý tài sản, ở đây là ngân hàng (tổ chức, pháp nhân), nên với hành vi gây thiệt hại do nhân viên của mình gây ra, tổ chức sử dụng người làm công đó phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại cho khách hàng và sau đó, người (cá nhân) đã thực hiện hành vi gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho tổ chức mà họ tham gia với vai trò là người lao động (Điều 618, Điều 622 BLDS 2005, nay là Điều 978, Điều 600, (có thể tham khảo thêm Điều 87) BLDS 2015). Về trách nhiệm người lao động gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc được giao của mình, có thể tham khảo Bộ luật Lao động 2012 để yêu cầu người này phải thực hiện trách nhiệm bồi thường (hoàn toàn do lỗi của người lao động gây ra).
Trong những vụ án này, rõ ràng, ngân hàng không thể phủi bỏ trách nhiệm pháp lý của mình, mặc dù hành vi gây thiệt hại là do nhân viên (người làm công) của mình thực hiện, một cách cố ý./.
Leave a Comment