Vi Anh – Việt Báo
Nhiều dấu chỉ cho thấy Mỹ, Anh, Pháp, Nhựt, Ấn, Úc đang liên kết để quốc tế hoá Biển Đông trong chiến lược bảo vệ tự do hàng hải theo Luật Quốc Tế Về Biển. Chiến lược này biến TC trở thành chế độ cô đơn xâm chiếm biển đảo của các nước láng giềng và vi phạm luật quốc tế về biển.
Mỹ là nước chuyển trục quân sự về Á châu Thái bình dương, làm đầu tàu của chiến lược. Nhựt ủng hộ triệt để vì TC nhiều lần khuấy rối, toan xâm chiếm đảo Senkaku của Nhựt, Nhựt chống đối quyết liệt.
Hàn Quốc không bị TC giành giựt biển đảo nhưng TC là một đồng minh duy nhứt yểm trợ CS Bắc Hàn, kẻ thù của Hàn Quốc cả mấy chục năm vừa qua.
Mỹ nhiều lần tuần tra vùng Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải. Cuộc tuần tra sâu sát, tiêu biểu nhứt là khi chiếc USS McCain đã tiến gần Đá Vành Khăn (Mischief) thuộc quần đảo Hoàng Sa, chỉ cách có 6 hải lý. Đây là chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải thứ ba tại Biển Đông, kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống, người luôn cáo buộc Trung Quốc đã xâm chiếm các đảo này. Bắc Kinh tố giác đây là «hành động làm phương hại nặng nề chủ quyền của Trung Quốc», khẳng định đã «trục xuất» chiến hạm Mỹ. Nhưng Mỹ cứ thể hiện quyền cho tàu và máy bay Mỹ đi đến bất cứ nơi nào luật pháp cho phép.
VNCS dù là đồng chí CS với TC nhưng bị TC chiếm biển đảo nhiều nhứt, nên cố lách mình đi đu dây với Mỹ để phát triển hợp tác toàn diện với Mỹ. Tết Mậu Tuất năm nay, ngoài việc Ngoại Trưởng Tillerson chúc Tết VN, TT Trump còn đích thân gọi điện thoại bàn bạc một số vấn đề với Chủ tịch Nước VNCS Trần đại Quang. TT Trump khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ và vai trò tích cực của Việt Nam trong khu vực và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ Họp tác Toàn diện phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Có tin hôm 2/2/2018, Mỹ giao thêm tàu tuần duyên cho Việt Nam. Báo Naval Today nói chiếc USCGC Sherman “sẽ được chuyển giao cho Việt Nam”. Như vậy trong thời gian gần tàu Sherman sẽ tái hợp với chiếc tàu chị em cùng lớp USCGC Morgenthau đã giao cho VN, được đổi tên thành tàu cảnh sát biển CSB 8020 .
Lý Khiết (Li Jie), một chuyên gia hải quân của Bắc Kinh ngày 29/01/2018 phát biểu với Hoàn Cầu Thời Báo: «So với các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam là nước có khả năng quân sự tốt nhất. Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam trở thành lực lượng mạnh nhất mà Washington có thể tin cậy để chống lại Trung Quốc trên Biển Đông».
Thêm tin quan trọng hơn, Mỹ cho hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sẽ vào Cảng Đà Nẵng để thăm Việt Nam vào tháng 03/2018. Đây là lần đầu tiên trong quân sử Mỹ, hàng không mẫu hạm Mỹ vào cảng VN.
Đồng minh Tây phương của Mỹ cũng vào Á châu Thái bình dương để bảo vệ tự do hàng hải trên con đường hàng hải huyết mạch đi qua Biển Đông. Pháp hôm 20/10/ 2017, điều chiến hạm Auvergne, mới nhất của Hải quân Pháp, đi làm nhiệm vụ tại Biển Đông, hướng về quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm một phần lớn và quân sự hoá. Hải quân Pháp thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên đến tận phía bắc khu vực, với nhiệm vụ ưu tiên là chống tàu lặn.Hải quân TC theo sát nút và ngăn cản thô bạo nhưng Auvergne vẫn cứ thực hiện quyền tự do hải hành theo luật biển.
Còn Anh quốc, Hải quân Anh sẽ tuần tra Biển Đông, bất chấp Trung Quốc. Tin AP, Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Williamson cho biết, chiến hạm chống tàu lặn HMS Sutherland đang thăm Úc, trên đường về sẽ làm nhiệm vụ tuần tra Biển Đông, khẳng định quyền của Hải quân Anh. Ông còn tuyên bố Anh hoàn toàn ủng hộ việc các chiến hạm Mỹ đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo này.
Trước khí thế các siêu cường xuất hiện quốc tế hoá Biển Đông dựa trên quyền tự do hải hàng hải theo luật biển, nhứt là nước Anh từng là một hải lực đang gờm và đồng minh chí thiết với Mỹ trong chiến tranh thế giới, TC tìm cách đấu dịu thay vì làm hùm làm hổ như đối với các nước nhỏ trong vùng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 13/02/2018 tuyên bố: «Nhờ các nỗ lực phối hợp giữa Trung Quốc và các quốc gia ven biển, không hề có vấn đề gì về tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông».
Mỹ trong năm đầu nhiệm kỳ của TT Trump, đã tung ra chiến lược “Ấn độ – Thái bình dương Tự do Mở Rộng.” Chiến lược này bắt đầu đi vào thực hiện. Tin Financial Times hôm 24-1-2018, Ấn Độ cùng 10 quốc gia thành viên ASEAN họp thượng đỉnh tại thủ đô New Delhi trong hai ngày từ 24- 1- 2018: Báo đăng «Ấn Độ tranh thủ các nước Đông Nam Á để ngăn chặn Trung Quốc», «New Delhi không muốn có một châu Á nằm dưới sự thống trị của Bắc Kinh»; «Quyết tâm của Ấn Độ đã thu hút các nước ASEAN.
Và tin VOA ngày 6- 02, ‘Bộ tứ’ lên kế hoạch chống Trung Quốc ở Biển Đông. Rằng “Một nhóm bốn quốc gia [Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ] liên minh phương Tây có ý định duy trì mở cửa Biển Đông cho quốc tế sử dụng, bất chấp sự kiểm soát ngày càng tăng của Trung Quốc, và có thể sẽ đưa ra các tuyên bố cứng rắn, giúp cho các đối thủ hàng hải của Trung Quốc đồng thời tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung gần tuyến thủy lộ tranh chấp trong năm nay.”
Sau cùng, với chiến lược quốc tế hoá Biển Đông, TC thất thế nặng, tức thua các đại cường thế giới. Thua vì TC là một anh khổng lồ cô độc, cô đơn, vị kỷ. Mà trong xã hội Loài Người, con người sống là sống với người khác. Trong cộng đồng thế giới, các quốc gia không hoàn toàn độc lập mà liên lập, nhứt là trong thời đại kinh tế toàn cầu và tin hoc giúp thế giới trở thành xóm nhà và các nước những láng giềng. Do vậy trong tương quan chánh trị, ngoại giao, quân sự, quốc tế, một quốc gia được coi là một siêu cường là một quốc gia có ảnh hưởng với các quốc gia khác, có thể tác động đến quyết định của các quốc gia khác, chớ không phải là quốc gia to lớn mà ngồi một chỗ như một kẻ béo phì quá lớn mập không ra khỏi nhà được.
Còn TC rất thụ động trong vấn đề quốc tế, khiến nhiều người cho TC vô hay thiếu trách nhiệm với công đồng thế giới. TC chỉ có ý kiến, chỉ có hành động đối với những gì lợi hay hại cho quyền lợi riêng của TC mà thôi. TC lợi dụng, thụ hưởng lợi lộc từ các định chế ngoại giao quốc tế nhưng TC thường tránh né nhiệm, nghĩa vụ, không chủ động dấn thân giải quyết bất kỳ vấn đề toàn cầu nào, không thúc đẩy chính sách các nước khác theo hướng chung của quốc tế. TC bất chấp điều kiên nhân quyền trong bang giao, giao thương quốc tế. Vì vậy TC không phải là một siêu cường thế giới. TC rất cục bộ, cô đơn trên trường quốc tế./.
Leave a Comment