Ánh Liên (VNTB) – Một báo cáo phân tích sơ bộ về sự giả khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ do ông Nguyễn Tiến Dũng và các cộng sự tiến hành vào tháng 02.2018.
Ông Nguyễn Tiến Dũng là nhà toán học có uy tín, GS đại học Toulouse – người từng được huy chương vàng IMO năm 15 tuổi, từng có bài trong tạp chí chuyên ngành hàng đầu như Annals of Mathematics.
Ông Phùng Văn Nhạ, người được phong GS vào năm 2016, từng tự giới thiệu là học Cao học ở ĐH Manchester (Anh Quốc), có học bổng Fulbright tại Georgetown University,… Quan trọng, ông hiện là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam, và là người đứng đầu Hội đồng chức danh GS.
Báo cáo nêu trên chỉ ra các hành vi được cho là: đạo văn, trích dẫn khống, thiếu trình độ tiếng Anh, hời hợt, tạp chí giả khoa học,…
Một sự kiện được coi là chìa khóa của phân tích sơ bộ nêu trên là vào năm 2017, có sự gia tăng đột biến số lượng GS-PGS. Ngay lập tức, báo Infonet (thuộc cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin & Truyền thông) đã lập tức đăng tải bài viết ngày 03.02.2018 với tiêu đề: Hơn 1200 giáo sư, phó giáo sư mới: Vét “chuyển tàu” chót mang số hiệu 174.
Sở dĩ gọi là chuyến tàu ‘vét’ vì số GS/PGS tăng 75% so với năm 2016, trong khi xếp bảng top 100 ĐH khu vực châu Á thì Việt Nam hoàn toàn vắng tên. Quan trọng hơn, có 34% GS được xét duyệt 2017 nhưng không có bài báo khoa học nào đăng trên các tạp chí nổi tiếng quốc tế, tương tự là là 53% với PGS; riêng ngành Luật và Ngôn ngữ học thì hoàn toàn trắng bài báo khoa học trên tạp chí ISI/Scopus.
Người ta đang đặt câu hỏi, liệu ông đương kim Bộ trưởng Bộ giáo dục có thực sự đã ‘chạy’ danh hiệu cho những người không đạt chuẩn trong năm 2017? Điều này càng có thể xác chứng, khi ông Phùng Xuân Nhạ có những gian dối và hời hợt về mặt nghiên cứu khoa học như phân tích sơ bộ đã chỉ ra, nghĩa là chính bản thân ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã không đạt chuẩn với chức vị GS khi mà ông được xét phong trong tư thế Chủ tịch Hội đồng chức danh Nhà nước – tức ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’.
Nhiều phản hồi cố gắng ‘bào chữa’ cho chất lượng giáo dục đào tạo của ông Phùng Xuân Nhạ, trong đó, nhấn mạnh Asian Social Science là tập san có uy tín, nhưng lý luận khá yếu ớt. Facebooker Duong Tu đã phản biện lại là tập san trên là ‘dỏm’ dựa vào chỉ số Impact Factor mà chính tạp chí này tự công bố vào năm 2018, ở mức 19.63 – và đây được xem là mức cao ‘bất thưởng’, bởi ngay cả những tạp chí hàng đầu thuộc nhóm ngành khoa học xã hội này trong trong mục ISI cũng không có chỉ số Impact Factor cao như vậy. Bản thân năm 2017, trong số 233 bài của Asian Social Science thì có 28 bài được trích dẫn, tổng số 74 lần, 80% số bài còn lại chưa bao giờ được trích dẫn; tương tự năm 2016 là 293 bài được công bố, nhưng chỉ 78 bài được trích dẫn, 72% số bài còn lại chưa bao giờ được trích dẫn.
Điều đó đồng nghĩa, Asian Social Science – nơi đăng tải bài viết ‘khoa học’ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là tập san dỏm và ‘ngụy khoa học’.
Nếu đã không đạt chuẩn và có biểu hiện gian dối, thì tính chính danh của ông Nhạ làm sao có thể tiếp tục giữ cương vị như hiện tại. Và người dân có quyền đặt ra câu hỏi và nghi ngờ về chất lượng và sự khoa học của các chính sách và chủ trương của Bộ GD-ĐT thời ông Phùng Xuân Nhạ. Trong đó bao gồm cả Đề án cải cách giáo dục, trong đó thời gian thực hiện chương trình mới sẽ thực hiện bắt đầu từ năm học 2019 – 2020 ở lớp 1, 2020 – 2021 ở lớp 2 và 6, 2021 – 2022 ở lớp 3,7,10. Nghĩa là Đề án này sẽ tác động trực tiếp và sâu sắc nhất đến mọi cấp học, và nếu đề án không thực tế, thiếu khoa học trong triển khai và thực hiện, thì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực trong tương lai ở 10-20 năm tiếp theo.
Diễn biến theo tình hình hiện tại cho thấy, khả năng đi xuống của ông Bộ trưởng là rất lớn! Nhưng đằng sau những sự kiện hiện tại là ngẫu nhiên hay là sự tất nhiên từ trước?
Nhìn lại câu chuyện liên quan đến ông Phùng Xuân Nhạ, khi ông được điều về làm giám đốc ĐHQG Hà Nội, thì vào cuối năm 2017 đã có đợt tổng thanh tra và kết luận tham ô công quỹ lên đến 500 triệu đồng ở ĐH Công nghệ và ĐH Ngoại ngữ. Theo đó, ĐHQG Hà Nội phải ‘kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể cá nhân, liên quan’. Dù vậy, bản thân Thanh tra Chính phủ khi lên tiến hành tổng thanh tra cũng bị cho là bỏ lọt nhiều dự án của ĐHQG Hà Nội.
Diễn biến nêu trên cho thấy một ‘lịch trình chính trị’, đó là đẩy một người lên chức và sau đó tìm cách công khai sai phạm. Và nếu Đinh La Thăng bắt đầu từ biển otô xanh, thì ông Phùng Xuân Nhạ có thể bị bắt đầu từ chuyến tàu vét hoặc phân tích sự giả khoa học nêu trên.
Ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng khẳng định: Cương quyết không công nhận ứng viên thiếu chuẩn GS, PGS. Nhưng đây là bài toán khó giải, bởi nếu đã là chuyến tàu vét, thì nó là một cụm dây lợi ích móc nối với nhau – và chịu sự điều chỉnh của chính bản thân ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Nếu ông xử lý không khéo, nó sẽ trở thành một sự kiện ‘đấu tố’ chính ông Xuân Nhạ trong tương lai, ngay cả với hàm GS mà ông đã được công nhận cũng như các khai báo về quá trình học tập của ông trước đó. Và có lẽ vì lý do đó, mà Bộ GD-ĐT đã phải xin lùi thời hạn báo cáo rà soát công nhận chức danh GS, PGS – và nó sẽ mở đường cho việc ông Nhạ từ chức trong tự trọng trong thời gian ngắn sắp tới – ghi nhận Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiến hành từ chức sau scandal liên quan đến ‘giáo dục-đào tạo’?
Trong lúc đó, trang Facebook của GS Nguyễn Tiến Dũng – người thực hiện phân tích sơ bộ nêu trên đã không còn khả dụng!
Ông Phùng Xuân Nhạ – người mà khi tiếp quản ghế nóng ngành giáo dục đã tuyên bố: ‘Tôi quan niệm giáo dục không phải trận đánh, giáo dục là con người’. Tuy nhiên, sau đó không lâu ông đã gây sốc dư luận khi coi việc nữ giáo viên bị cán bộ ngành giáo dục ở tỉnh Hà Tĩnh điều động tiếp rượu là nằm ở lỗi các cô giáo. Ông Bộ trưởng cũng đồng thời là người đẩy mạnh đề xuất loại bỏ biên chế giáo viên – tuy nhiên, ông đã không tính đến cộng đồng giáo viên đã và đang cắm bản tại các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo – những người tồn tại nhờ vào biên chế. Dưới thời kỳ ông Phùng Xuân Nhạ làm Bộ trưởng, đời sống giáo viên tiếp tục rơi vào tình trạng cực nhọc, lương thấp và buộc làm thêm để đảm bảo sinh hoạt cơ bản hằng ngày. Điều đó cho thấy, ngoài tính ‘giả khoa học’, ông Phùng Xuân Nhạ còn là người ‘giả nhân tâm’.
Leave a Comment