Quảng Cáo

Con trai Mục sư Tôn ‘nói thay cha’ tại Thượng đỉnh Nhân quyền ở Geneva

Nguyễn Trung Trọng Nghĩa

Quảng Cáo

RFA|

Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con trai của Mục sư đang bị giam cầm Nguyễn Trung Tôn, là một trong 22 đại diện được chọn để kể câu chuyện về nhân quyền trên thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh Nhân quyền và Dân Chủ ở Geneva vào ngày 20/2, ngay trước thềm phiên họp thường niên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Thông tin cho VOA từ Geneva, Trọng Nghĩa cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh này là để cho các cá nhân, tổ chức là những người đang bị bức hại tại nhiều nước khác nhau có cơ hội để giải trình trước các nhà ngoại giao ở các nước có dân chủ, tự do, để họ biết thêm thông tin và những câu chuyện nhỏ từ rất nhiều người để đem đến cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.

Trọng Nghĩa được biết tiếng gần đây qua các đoạn video blog ngắn, nói lên cái nhìn của một người trẻ về những vấn đề thời sự của đất nước. Nhưng câu chuyện cá nhân mà Vblogger 22 tuổi này đem đến hội nghị ở Geneva đã khiến nhiều cử tọa ngạc nhiên và bất ngờ vì tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

“Đó là một đêm định mệnh, 30/4/2003, khi làng xóm quê em hơn 100 người bị công an xúi giục vào nhà em cắt dây điện. Họ ném đá vào nhà, không cần biết có con nít người lớn gì cả. Họ cứ thế chọi đá vào. Sau đó, họ vào đánh em và ba em. Họ kéo ba em xuống ao và cố dìm ba em xuống. Sau đó, họ kéo ba em vào. Lúc này, thân thể ba em đã tan nát và đã bị chìm dưới nước một lúc nên chỉ còn nửa phần mạng thôi. Họ đem ba em vào phòng khách và tiếp tục đánh ba em, đánh đến nỗi em lúc đó mới 10 tuổi đi vô mà không nhìn ra ba mình nữa. Mặt ông toàn máu, nước mắt chảy đầm đìa. Họ bắt ba em quỳ xuống xin lỗi họ. Họ nói nếu ba em không quỳ xuống xin lỗi và chối bỏ Chúa, bỏ đạo, thì họ sẽ giết ba em trong đêm đó. Khoảnh khắc đó em cảm giác như mọi thứ trên đời này, trời đất, mọi chuyện dường như dừng lại trong lòng em. Rồi em nghe ba nói một câu rất thấm thía. Trong giờ phút khổ đau như vậy, ba em thẳng thắn nói rằng ‘Tôi sẽ không bao giờ quỳ lạy bất kỳ người nào trên đời này và tôi sẽ không bao giờ chối bỏ Chúa của tôi’. Và họ tiếp tục lao vào đánh ba em…”

Hội nghị thượng đỉnh về nhân quyền và dân chủ tại Geneva do liên minh gồm 25 tổ chức phi chính phủ về nhân quyền trên khắp thế giới tài trợ.

Hội nghị thượng đỉnh về nhân quyền năm nay quy tụ 22 nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có người bán sách Hồng Kông Lam Wing-kee từng bị Trung Quốc bắt cóc, cựu tù nhân sống sót sau thảm sát Thiên An Môn Trung Quốc Yang Jianli, cựu tù nhân Mỹ bị giam giữ lâu năm nhất ở Triều Tiên Kenneth Bae, ông bà Fred và Cindy Warmbier-bố mẹ của sinh viên Mỹ Otto Warmbier đã tử vong sau khi được trả về từ Triều Tiên…

Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự hội nghị lần này, Nguyễn Trung Trọng Nghĩa hy vọng câu chuyện của gia đình mình sẽ được đem ra chất vấn trong phiên họp thường niên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam sẽ tham dự và có trách nhiệm trả lời.

“Hy vọng những thông điệp của em gửi lên các chính sách quốc tế và các cá nhân sẽ dựa vào đó để giúp đòi tự do cho ba em. Còn nếu sự tự do cho ba em là một điều quá xa xỉ thì hy vọng họ sẽ có câu chuyện để làm áp lực Việt Nam dừng tra tấn, bắt bớ những tù nhân lương tâm mới”, Vblogger có tên “Effy Nguyen” nói.

Cha Nghĩa, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, là Chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam. Ông từng bị kết án 2 năm tù theo Điều 88 về Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam năm 2011. Trong thời gian bị quản chế sau khi ra tù, tháng 7/2017, Mục sư Tôn lại bị bắt với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79.

Trung Nghĩa cho biết hiện Mục sư Tôn đang bị giam giữ tại trại giam B14. Sức khỏe và tinh thần của ông đều ổn và sẵn sàng tham dự phiên tòa sắp tới (chưa được ấn định ngày).

Trong Phúc trình Toàn cầu 2018 công bố vào tháng trước, tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (HRW) nói Việt Nam trong năm 2017 đã “gia tăng đáng kể việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền”.

Phúc trình này cho biết có ít nhất 24 người bị kết án vì viết bài và vận động cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm), bà Trần Thị Nga, sinh viên Phan Kim Khánh, blogger Nguyễn Văn Hóa.. và ít nhất 28 người bị công an bắt với cáo buộc tội danh về “an ninh quốc gia” như các ông Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội…

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux