Đỗ Thành Nhân (VNTB)
Tục ngữ có câu “Uống nước nhớ nguồn” để giáo dục thế hệ sau phải nhớ đến công lao khi thụ hưởng một thành quả nào đó từ thế hệ người đi trước, chính vì vậy mới hình thành và phát triển văn hóa, lịch sử của dòng họ, dân tộc, quốc gia.
Câu tục ngữ gắn liền với truyền thống ngàn đời của ông cha để lại trở thành câu khẩu hiệu để tuyên truyền cho giai cấp cầm quyền.
Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, trước mộ phần và vong linh của người bác ruột xấu số, tôi suy ngẫm về “Uống nước nhớ nguồn”.
Theo gia phả dòng họ và lịch sử Đảng bộ xã Đức Hòa: ông Đỗ Văn Soại sinh năm 1910, sinh ra và lớn lên tại làng Vạn Phước Đông (thôn Phước Mỹ, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay), đi học ở Huế và tham gia tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ năm 1929 lấy tên Đỗ Ban; là người lãnh đạo phong trào cộng sản ở xã nhà. Đến tháng 7/1932 bị bắt và kết án khổ sai tại Trường An – Ba Tơ (Quảng Ngãi), chết trong lao tù của thực dân Pháp ngày 13 tháng 7 âm lịch năm 1935. Sau cách mạng tháng 8/1945, chi bộ đảng Cộng sản Việt Nam xã Đức Hòa đầu tiên được đặt tên chi bộ Đỗ Ban.
Những người như bác tôi – liệt sĩ Đỗ Ban – có cơ hội học hành, thăng tiến trong xã hội lúc bấy giờ, nhưng lại chấp nhận đấu tranh gian khổ, mất mát, hy sinh để chống lại sự cai trị của người Pháp. Khi chết đi, vẫn không trông mong có được ngôi mộ tử tế. Xương máu của bác hòa vào lòng đất mẹ, trở về với cát bụi vĩnh hằng.
***
Vừa chờ nén nhang lụi tàn trên mộ bác, vừa vào mạng đọc những bản tin “1400 tỷ xây nghĩa trang” (https://goo.gl/cDSEQt) dành cho cán bộ cao cấp.
Tổng bí thư, Ủy viên bộ chính trị đương nhiên là cán bộ cao cấp rồi.
Thử tìm hiểu các nguyên Tổng bí thư sẽ có tiêu chuẩn được vào nghĩa trang quốc gia. Gần nhất là ông Nông Đức Mạnh (https://goo.gl/TGFS5q), sinh năm 1940 đến năm 1958 (18 tuổi) học Trung cấp, thời bao cấp nên đi học được nhà nước nuôi và được gọi là “tham gia cách mạng” !. Làm Tổng bí thư giai đoạn 2006-2011.
Đi học thì có học bổng, quá trình đi làm hưởng lương không thiếu ngày nào, có công trạng thì được khen thưởng, có chế độ về nhà đất, về già có lương hưu. Chính vì vậy mà nhiều người mong muốn được làm cán bộ nhà nước. Tính cho cùng và sòng phẳng là xã hội cũng đã quá ưu ái rồi, còn hơn cả tổng thống Mỹ – nguyên thủ quốc gia giàu nhất thế giới.
Những lần ra Hà Nội bạn bè chở đi dạo, có chỉ cho xem nhà ông Nông Đức Mạnh, nghe nói nhiều tiền lắm, chẳng biết có phải không. Tuy nhiên, nhìn bộ ghế ông ấy đặt cái đít tiếp khách giá trị cũng hàng trăm lần chi phí xây dựng ngôi mộ ông Đỗ Ban.
Nếu lấy ngôi mộ ông Đỗ Ban làm đơn vị tính, chi phí xây dựng 300.000 đồng, diện tích đất 2m2. Nghĩa trang dành cho cán bộ cao cấp với quy mô 1.400 tỷ đồng, 120 ha cho 2.500 ngôi mộ, thì suất đầu tư mỗi ngôi mộ cán bộ cao cấp là 1.867 lần về chi phí và 240 lần diện tích đất so với mộ ông Đỗ Ban, chưa tính đến chênh lệch giá trị đất thủ đô Hà Nội và vùng quê Quảng Ngãi.
Nhắc lại: Liệt sĩ Đỗ Ban tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1929, không nhận đồng lương nào, chết năm 1935, lúc đó nhiều “cán bộ cao cấp” còn chưa ra đời !
***
Karl Marx – ông tổ của chủ nghĩa cộng sản từng nói: Chỉ có loài súc vật mới quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình. Chính vì vậy mà ông ta theo chủ nghĩa vô thần. Bởi vì; nếu duy tâm, ông ta hiển linh sẽ nhìn thấy mình sinh ra quá nhiều súc vật !. Nên dù là người phương Đông, nhưng ông Hồ Chí Minh cũng đã viết trong Di chúc yêu cầu hỏa táng thi hài và tro sau hỏa táng cho vào ba hộp sành cho ba miền Bắc, Trung, Nam sau khi qua đời.
Ngày Tết hàng năm tôi cố gắng đưa con cháu về quê thắp hương mồ mã ông bà, tổ tiên, muốn dạy cho chúng nó đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhưng tôi cũng nói thêm với chúng nó là có những kẻ đã “uống máu thì không thể nhớ nguồn”.
Leave a Comment