Ánh Liên – Việt Nam Thời Báo |
Nhân ngày 17/2, thành phố Hà Nội tổ chức buổi khiêu vũ gồm các ‘công dân ưu tú’ của thủ đô!
Họ – với sắc phục xuân đã nhún nhảy trên nền nhạc rộn ràng.
Nhưng điệu nhạc tưởng chừng hợp lý, lại trở nên lạc điệu (có phần bệnh hoạn) vào ngày 17/2 – ngày bá quyền Bắc Kinh xua quân tấn công Biên giới Việt Nam.
Facebooker Lê Quang Thịnh trong một chia sẻ đã bày tỏ: Mình không muốn nói vì đây là quyền con người của những bậc cao niên nhưng họ đã phạm vào những đại kỵ.
Theo đó, Facebooker này liệt kê, thì trước hết, tượng đài Lý Thái Tổ là nơi linh thiêng về tâm linh, trước mặt vua có bát hương thờ tự, phía sau họ có đền Ngọc Sơn, có tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Họ lại nhảy múa vui mừng, khiến thần linh không biết phải nghĩ về họ thế nào? Thứ hai, những người đang nhún nhảy là những người lớn tuổi, đáng lẽ phải ở nhà giáo dục con cháu ngày tết, truyền thống dân tộc, có chăng hiểu biết nữa thì nói cho con cháu ngày 17/2 (tức mồng 2 tết) – ngày mà đồng bào biên cương phía Bắc đã anh dũng bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên. Ngoài ra, ngày lễ tết, cũng là ngày giỗ của bao gia đình trong ngày 17/2 đó, họ nhảy múa vui mừng sao đành? Thứ nữa, cả năm có 3 ngày tết, chẳng nhẽ họ không kiêng cữ được sao?
Những quan điểm của Facebooker Lê Quang Thịnh cũng chính là nỗi niềm của không ít người. Căm phẫn hay tức giận, chán chường hay phỉ nhổ hình ảnh nhảy múa đầy phản cảm (vô đạo đức) trong bối cảnh mà cả nước nên cần một sự trầm mặc về tư tưởng để nhận thức đầy đủ giá trị bảo vệ một tấc đất của tổ tiên, cũng như cách ứng xử hai mặt của giới cầm quyền Bắc Kinh.
Đây không phải là lần đầu tiên, trước đó, chính quyền Hà Nội từng huy động công nhân viên nhảy múa, xẻ đá để phá tan cuộc tưởng niệm do những nhà hoạt động dân chủ – nhân quyền tổ chức. Do vậy, nếu có hoạch bốn tội đại nghịch với lịch sử và cổ nhân nêu trên thì chính quyền Hà Nội phải là đối tượng đứng ra trước tòa án lương tri và trách nhiệm.
Thủ đô ngàn năm văn hiến, hòa bình và thân thiện – thứ mà những nhà lãnh đạo thủ đô ra sức tuyên truyền xây dựng sẽ bắt đầu như thế nào khi mà lịch sử bị xâm phạm và bôi bác một cách trắng trợn nêu trên? Khi mà một ngày linh thiêng của dân tộc trở thành ngày nhảy múa của một nhóm người? Ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, ông Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải sẽ trả lời với cử tri thủ đô như thế nào khi mà nơi tưởng niệm cho cuộc chiến biên giới phía Bắc lại trở thành một vũ trường nhảy đầm đầy phù phiếm và quái thai – một hình ảnh như mũi tên xóa bỏ sự oai hùng của cuộc chiến giữ đất của dân tộc vào năm 1979?
Nhưng trên hết, một nền chính trị xóa bỏ, đục khoét, bôi nhọ lịch sử; một xã hội biến con người trở nên vô cảm, nham nhở với những điệu múa lạc điệu. Vậy Hà Nội có tư cách gì là bộ mặt là niềm tự hào của quốc gia? Hay chính địa danh này, trong thời đại này, đã tạo nên vết ố của quốc gia trong cách ứng xử thô bỉ đối với tiền nhân, xử sự cộng đồng, xử sự với lịch sử nước nhà?
Leave a Comment