Trần Thế Kỷ – Việt Nam Thời Báo | (VNTB)
Hai mươi tám tháng Chạp Tết Mậu Tuất, trên đường về từ Dầu Tiếng, tôi bắt gặp nhiều băng rôn lớn đáng chú ý treo trước một căn nhà tuềnh toàng nằm trên đường Nguyễn Thị Rành (một trục đường chính ở Củ Chi). Căn nhà này thuộc địa phận xã An Nhơn Tây. Các băng rôn ấy như sau:
“Người dân Củ Chi bị ảnh hưởng bởi dự án Thảo cầm viên Sài Gòn suốt mười mấy năm nhưng lãnh đạo Tp.HCM không giải quyết”
“ Đề nghị Bí thư Nguyễn Thiện Nhân giải quyết khốn khổ của người dân”
“ Chính quyền không thực hiện dự án thì phải trả đất cho dân”
“Đả đảo Lê Minh Tấn không công bằng, lợi dụng quyền hạn chức vụ đẩy bà con vào con đường khốn khó – Đả đảo, đả đảo, đả đảo!”
“Yêu cầu Nguyễn Xuân Phúc giải quyết dứt điểm dự án Thảo cầm viên Sài Gòn”.
Tôi bèn dừng xe và vào hỏi thăm gia chủ. Tiếp tôi là anh Vinh. Tôi đặt câu hỏi với anh:
– Ông Lê Minh Tấn là ai?
– Ông ta lúc trước là Chủ tịch huyện Củ Chi, hiện đang làm Giám đốc sở Thương binh – Xã hội.
Được biết dự án Thảo cầm viên Sài Gòn, còn gọi là Dự án Công viên Sài gòn Safari, đến 2018 đã là 14 năm nhưng vẫn chưa được thực hiên. Theo dự án này, sẽ hình thành một công viên sinh thái tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Dự án có diện tích qui hoạch gần 500ha. Địa điểm triển khai thuộc hai xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Phân khu chính của Công viên Sài Gòn Safari có diện tích gần 400ha, gồm khu vui chơi giải trí, khách sạn, biệt thự,…
Thế nhưng suốt 14 năm qua, dự án vẫn cứ là dự án. Theo UBND TP.HCM, nguyên nhân chính là do chậm đền bù, giải phóng mặt bằng.
– Hiện có bao nhiêu hộ dân chưa chấp nhận việc đền bù của chính quyền?
Tôi hỏi tiếp anh Vinh. Anh đáp:
– Hơn 140 hộ.
– Vì sao?
– Vì cách đền bù của họ vừa bất công vừa vô lý. Cụ thể có hộ được đền bù 750 triệu đồng/ha, còn hộ cách đó cái hàng rào chỉ được 600 triệu đồng/ha. Trong khi đó hộ khác xa hơn một quãng lại được 1,5 tỷ đồng/ha. Nếu ngay từ đầu mỗi hộ đều được 1,5 tỷ đồng/ha thì việc đền bù đã xong từ lâu.
– Nếu bây giờ 140 hộ dân kia đều được đền bù 1,5 tỷ đồng/ha thì họ bằng lòng không?
– Không đời nào. Chúng tôi chỉ chấp nhận mức đó cách đây mười mấy năm. Còn bây giờ dù 6 tỷ đồng/ha chúng tôi cũng không chịu.
Anh Vinh chỉ tay về phía khu đất bên kia đường (không thuộc dự án) và bảo:
– Khu đất này hiện có người đã trả 6,5 tỷ đồng/ha nhưng chủ chưa chịu bán.
– Ông Võ Văn Dũng, phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho rằng việc đền bù chậm là do nhiều hộ dân đòi hỏi quá đáng.
– Ông ta nói thế là đỗ lỗi cho dân. Lỗi này hoàn toàn là ở chính quyền.
– Trong chuyến thăm Củ Chi ngày 15/10/2017 vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân có nói phải sớm giải quyết vụ Safari Sài gòn. Anh nghĩ thế nào?
– Tôi cho rằng người rù rì như ông Nguyễn Thiện Nhân chẳng làm được trò trống gì đâu.
– Năm nay gia đình anh ăn Tết thế nào?
– Chỉ thế thôi, anh ạ.
Anh Vinh chỉ vào mấy trái bưởi nằm buồn trên chiến bàn gỗ ọp ẹp.
Trong chuyến thăm Củ Chi vừa rồi của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, một người dân Củ Chi là Trần Văn Trai đã nói: “Các vị thử tính việc Dự án Safari Sài Gòn bị treo đã gây thiệt hại cho dân bao nhiêu tiền?”
Theo ông Trai, chỉ cần mỗi năm 1ha mang lại 30 triệu đồng lợi nhuận thì số tiền lẽ ra người dân hai xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây thu được từ 500ha đất nông nghiệp là rất lớn.
– Nếu chính quyền không thực hiện dự án thì hãy trả đất cho dân. Mười mấy năm qua chúng tôi tiếng là có đất nhưng chẳng được làm gì. Bán không bán được, muốn trồng củ mì chính quyền cũng không cho.
Anh Vinh tỏ vẻ bức xúc. Đang nằm trên võng, bà ngoại anh góp lời:
– Nhà nước nên nhớ rằng trên đất này có cả máu bà con chúng tôi. Ngày xưa khi khai khẩn, không ít người đã thương vong vì cuốc phải đạn mìn còn sót lại từ thời chiến tranh.
Trước khi chia tay, tôi hỏi anh:
– Nếu việc đền bù không thỏa đáng mà chính quyền ra tay cưỡng chế thì anh tính sao?
Anh Vinh chỉ tay vào cái rựa ở góc nhà:
– Nếu chính quyền mà làm thế thì họ sẽ biết thế nào là Củ Chi đất thép thành đồng!
Leave a Comment