Xét duyệt giáo sư, phó giáo sư: Cái danh, cái thực và cái nhục

Phùng Xuân Nhạ
- Quảng Cáo -

Trọng Hà – Tác giả gửi tới Dân Luận

Trong một xã hội trọng danh, không trọng thực như ở Việt Nam hiện nay tất sẽ đẻ ra muôn vàn những mua bán, ban phát, cho tặng các danh hiệu. Nhất là khi các danh hiệu lại gắn với những đặc quyền, đặc lợi. Cho nên, đôi khi ngay cả trong việc xét duyệt những danh hiệu cao quý nhất cũng có thấp thoáng bóng dáng của tiêu cực. Và việc xét duyệt giáo sư, phó giáo sư cũng không ngoại lệ. Phó giáo sư Phạm Đức Chính, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã từng lên tiếng “GS, PGS không phải là hư danh để ban phát, mà đó là trách nhiệm trao cho các đầu tàu thật sự của khoa học Việt Nam, đưa khoa học Việt Nam tiến vào hội nhập quốc tế”. Nhưng thực tế lại đúng đang có chuyện “ban phát” đó.

Vào ngày 1/2 vừa qua, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) nhiệm kỳ 2014 – 2019 do ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ giáo dục làm chủ tịch công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Theo đó, có 1.226 viên đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (85 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, 1.141 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư).

Ngay lập tức thông tin trên làm dấy lên những phản ứng trái chiều của dư luận. Trước tình hình trên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu rà soát lại việc xét chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Ngay sau đó, Bộ trưởng Nhạ cũng có quyết định yêu cầu thường trực Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên.

- Quảng Cáo -

Buồn cười, chính ông Nhạ với tư cách là chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, người ký duyệt danh sách các ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư lại đi yêu cầu rà soát lại công việc của chính mình. Cứ làm như thể mình vô can trong việc này. Nếu là một người có tự trọng hẳn ông Nhạ sẽ thấy rất xấu hổ.

Nguyên nhân dư luận phản ứng là bởi, so với những năm trước, năm 2017 số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến (gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015). Kết quả nghiên cứu khoa học “tụt”, trong 85 tân giáo sư chỉ có 56 người có bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus với tổng số bài là 924, 29 người được công nhận không có bài đăng trên ISI/Scopus, chiếm 34%. Trong danh sách các tân GS, PGS năm 2017, có nhiều người làm quan chức, không tham gia hoạt động giảng dạy. Và đặc biệt là vấn tiêu cực trong việc xét duyệt GS, PGS, có khi người xứng đáng thì bị đánh trượt vì không đủ “phiếu bầu”, người không xứng đáng lại đủ phiếu – theo GS Nguyễn Lân Dũng việc “chạy phiếu” xét duyệt GS, PGS là rất phổ biến, thậm chí biết rõ chạy cho ai, bao nhiêu, “nhưng vấn đề là chưa ai công khai”.

Có người nói khôi hài, cứ đà này, năm sau phát triển hơn năm trước thì những năm tiếp theo số lượng giáo sư, phó Giáo sư được công nhận có thể là con số hàng ngàn.

Thực ra mà nói, từ trước tới nay việc công nhận giáo sư ở Việt Nam không theo chuẩn quốc tế, mà theo chuẩn của Việt Nam. Chuẩn của Việt Nam thì chúng ta đã biết rồi, nó chẳng giống ai. Cho nên, mới có chuyện giáo sư được công nhận ở Việt Nam thường không được bổ nhiệm vào vị trí giáo sư tại các trường đại học ở nước ngoài. Và nữa, giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam cũng khác ở các nước là hưởng lương từ ngân sách nhà nước và một khi được phong hàm giáo sư, phó giáo sư thì sẽ được vinh danh suốt đời, ngay cả sau khi nghỉ hưu và chết.

Được biết hiện nay, Việt Nam có số lượng giáo sư, phó giáo sư thuộc dạng nhiều nhất ở châu Á với khoảng hơn 9.000 người. Nhưng chỉ có khoảng 30% có thể đạt chuẩn quốc tế, còn nếu tính theo chuẩn quốc tế (phải có 50 – 100 công bố trên tạp chí thuộc danh sách ISI) thì số phó giáo sư, giáo sư đạt chuẩn quốc tế còn ít hơn nhiều – theo thống kê của GS Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.

Vậy nên mới xuất hiện giáo sư “dởm”, nhưng điều khôi hài ở đây là có khi giáo sư “dởm” lại xét cho ứng viên giáo sư thật, nghĩa là giáo sư không đạt chuẩn quốc tế lại đi thẩm định cho cho ứng viên giáo sư đạt chuẩn quốc tế. Ví như Bộ trưởng Nhạ chẳng hạn, tuy là chủ tịch HĐCDGSNN nhưng chức danh giáo sư của ông cũng không đạt chuẩn quốc tế (https://kimdunghn.wordpress.com/2018/02/11/thu-ngo-de-nghi-kiem-tra-tu-cach-giao-su-cua-ong-phung-xuan-nha/). Trước thực trạng đó, Phó giáo sư Phạm Đức Chính đã từng thẳng thắn nói: “đa số các Hội đồng chức danh giáo sư ngành hiện nay không có uy tín chuyên môn với cộng đồng khoa học đang làm việc hướng tới chuẩn mực quốc tế. Họ giúp xây dựng những tiêu chí rườm rà phi hội nhập giúp sản sinh bao công trình, đề tài, sách, tiến sĩ, PGS, GS rởm, tệ nạn chạy chọt, làm khoa học và giáo dục Việt Nam trì trệ và tha hóa”

Thực ra, chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng không có gì ghê gớm như chúng ta nghĩ, nó hiểu đơn giản, giáo sư chỉ là là thầy dạy học. Các cấp bậc giáo sư nói lên mức độ kinh nghiệm dạy học như về giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Một giáo sư không còn làm việc trong Đại học thì vị trí giáo sư không còn nữa (ý kiến của Giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen). Tiến sĩ Hồ Ngọc Hải cũng chung quan điểm, giáo sư mà không đi dạy thì không còn là giáo sư nữa, giáo ở đây chính là dạy học. Bộ trưởng, chính khách thì còn là giáo sư làm gì!”.

Còn theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, ở nước ngoài, nội hàm của từ này là một vị trí làm việc tương đương với trách nhiệm và mức thu nhập nhất định. Việc phong giáo sư là quyết định tuyển dụng giữa cơ sở giáo dục với nhà khoa học – một cá nhân. Còn ở Việt Nam, từ xưa tới nay giáo sư không phải là vị trí công tác mà là một học hàm, là sự công nhận của Nhà nước đối với nhà khoa học, rất danh dự. Ở đây, việc phong hàm giáo sư của Việt Nam hơi trái khoáy so với các nước khác.

Lẽ ra chúng ta phải vui mừng khi đất nước có nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng nghĩ, nhiều giáo sư, tiến sĩ mà đất nước cứ nghèo, tụt hậu thì nhiều để làm gì ? Và còn nghịch lý ở chỗ nữa là, tỷ lệ khá lớn quan chức có học hàm, học vị nhưng đất nước vẫn không thể phát triển đi lên. Một đất nước mà nền học thuật xuống dốc, tụt hậu và trắng đen lẫn lộn thì lấy gì làm nền tảng để phát triển. Không chỉ vậy, việc ban phát “hư danh” như vậy còn là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức đến tận cùng, chà đạp lên những thang giá trị đạo đức, quy chuẩn của cuộc sống. Có lẽ đã đến lúc phải để “việc phong tặng GS, PGS phải trả về đúng bản chất, quy luật của nó” như lời tiến sĩ Hồ Ngọc Hải nói.

Đừng để một ngày ra đường, ra ngõ gặp giáo sư.

Trọng Hà

Facebooker Tien Zung Nguyen: Xung quanh việc ông Phùng Xuân Nhạ được phong giáo sư năm 2016 có quá nhiều chuyện mờ ám, làm ảnh hưởng xấu đến toàn bộ nền giáo dục và khoa học Việt Nam. Chính phủ và giới khoa học Việt Nam cần làm sáng tỏ chuyện này, đặc biệt khi mà Thủ tướng vừa có công văn yêu cầu rà soát lại các ứng cử viên GS/PGS.

Một số câu hỏi đặt ra là:

1. Tại sao ông Nhạ lúc đó là PGS lại được một “công văn mật” chỉ định làm chủ tịch hội đồng phong GS, trái với pháp luật hiện hành lúc đó?

2. Khi ông Nhạ làm chủ tịch hội đồng đúng vào lúc ông cũng là ứng cử viên GS, điều này có gây sức ép phản khoa học đối với hội đồng không? Chủ tịch hội đồng là người ký quyết định phong GS, như vậy ông Nhạ có phải là người tự ký quyết định phong mình thành giáo sư? Nếu đúng vậy thì có phản khoa học không, có nơi nào từng làm như vậy không?

3. Ông Nhạ có tổng cộng 02 bài báo có trong danh sách Scopus (đăng năm 2014), có phải chăng là những bài đã được dùng để tính điểm khoa học cho đủ điểm GS? Tuy nhiên, hai bài này rất có vấn đề: Tạp chí “Asian Social Science” mà ông Nhạ đăng 2 bài báo “scopus” duy nhất của mình là một tạp chỉ thuộc thể loại “nộp tiền là đăng bài” của một công ty tự xưng là “Canadian Center of Science and Education” đẻ ra hàng loạt các tạp chỉ nhảm nhí giả khoa học. Tạp chí trên chỉ có trong danh sách Scopus từ 2011 đến 2015, sau đó đã bị Scopus phát hiện là nhảm nhí và loại khỏi danh sách, không phải là tạp chí dành cho các nhà khoa học nghiêm túc. Bài của ông Nhạ viết trên đó sai chính tả và ngữ pháp từ đầu đến đuôi, và được đăng rất nhanh sau khi gửi bài (chứng tỏ tạp chí đó không có phản biện và biên tập nghiêm túc, cũng như các tạp chí khác của công ty này).

- Quảng Cáo -

19 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here