Quảng Cáo

Chủ nghĩa ưu ái tại chế độ độc tài

Quảng Cáo

Ánh Liên (VNTB)

Nhân sự kiện Quảng Nam xóa tên ông Lê Phước Hoài Bảo khỏi danh sách đảng viên, cũng như cha ông Bảo là ông Lê Phước Thanh bị cách chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam vì ‘không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm’.

Vậy nền chính trị Việt Nam với sự ‘nâng đỡ không trong sáng’ đó thực chất là như thế nào!

Chủ nghĩa ưu ái tại chế độ độc tài ở huyện Kim Thành – tỉnh Hải Dương

Một nghiên cứu liên quan đến ‘ưu ái đồng hương’ trong chế độ độc tài của tác giả Quoc-Anh Do, Kieu-Trang Nguyen, và Anh N. Tran. Theo đó, nhóm tác giả nghiên cứu ‘chính sách bảo trợ trong chế độ độc tài ở Việt Nam’, thông qua việc sử dụng bảng điều tra các quan chức cấp cao từ năm 2000 – 2010 để cho thấy, nhóm quan chức này ‘ưu đãi đặc biệt’ gì với ‘quê hương’ của mình.

Đề tài này xuất phát từ câu tục ngữ: ‘Một người làm quan, cả họ được nhờ’.

Cụ thể, nếu ở các nước dân chủ, thì chủ nghĩa ưu ái thường gắn liền với chính sách vận động chính trị, thuyết phục cử tri để giành phiếu bầu, thì tại các nước độc tài – nơi mà các chính trị gia giành quyền lực thông qua việc làm hài lòng cấp trên hơn là nhóm cử tri nào đó. Và vì thế, chủ nghĩa ưu ái ra đời.

Ví dụ tại Libya, ngôi làng Sirte không hề được biết đến đến tận thập niên 70 của TK XX, và sau đó nó nhận được những khoản đầu tư lớn, trở thành nơi đặt trụ sở của một số cơ quan chính quyền quan trọng cấp quốc gia của Lybia. Lý do, làng này là nơi sinh của Đại tá Muammar Gaddafi, người cầm quyền Libya trong 42 năm. Tương tự là Thủ tướng Sri Lanka, ông Mahinda Rajapaksa đã biến Hambantota – một khu vực nông thôn trở thành dự án xa hoa (Bengali 2015).

Trở lại với Việt Nam, có vẻ như truyền thống nâng đỡ đã và đang được củng cố qua từng thể chế. Càng có tính độc tài, thì một người khi lên nắm quyền, họ thường được mong đợi sẽ đưa một số lợi ích trở về quê hương, và nó đặc biệt mạnh mẽ ở những khu vực hiện diện yếu tố tập thể/nhóm.

Chủ nghĩa ưu ái tại chế độ độc tài tại tỉnh Hải Dương

Thông thường, một nhà lãnh đạo sẽ bắt đầu lợi ích bằng cách đề xuất với các dự án cơ sở hạ tầng cụ thể chính thức nào đó có thể mang lại lợi ích cho quê hương. Ngay cả khi không có thẩm quyền ngân sách trực tiếp, các cán bộ có thể sử dụng vốn chính trị của mình để gây ảnh hưởng đến chính quyền tỉnh và huyện để ủng hộ dự án quê hương. Trong một cách thức khác là ưu ái tính địa phương, dòng họ của mình trong bộ máy chính quyền.

Về mặt thượng tầng kiến trúc tại Việt Nam, người ta hay nhìn nhận nhóm chính trị trong nội bộ Việt nam hiện diện theo tỉnh như: Hà – Nam – Ninh; Thanh – Nghệ – Tĩnh,…

Ví dụ, vào sáng ngày 28.01.2018, tại Hà Nội, Tỉnh ủy – UBND – UB MTTQ VN tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ban liên lạc Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội để gặp mặt lãnh đạo, cán bộ, doanh nhân người Nghệ An công tác tại Hà Nội. Trong số người đến dự, có cả Nguyễn Sinh Hùng – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Mạnh Cầm – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội; Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Hồ Đức Phớc – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh;…

Danh sách kéo dài nêu trên cho thấy tính chất hội đồng hương và xu hướng chia sẻ tập thể trong chính trị là hiện hữu, không chỉ dẫn đến ưu đãi cho chính bản thân quê hương, mà cả trong sự nâng đỡ những con người nằm trong vùng đất ấy. Bởi chỉ nhìn vào hội đồng hương Nghệ An, có thể nhận ra sự bắt chéo và chi phối các vị trí quan trọng trong bộ máy chính đảng và nhà nước Việt Nam.

Còn tại địa phương thì sao? Ngoài tỉnh Hải Dương đầy nổi tiếng, thì tại huyện Tân Trụ (Long An) cũng từng gây xôn xao dư luận khi 7 người họ hàng của ông Nguyễn Ngọc Dãy – Bí thư huyện Tân Trụ – đang giữ chức vụ Trưởng, Phó phòng tại UBND huyện. Tương tự, bà Lương Thị Hồng – Chủ tịch UBND xã Thông Thụ (huyện Quế Phong, Nghệ An) có em trai làm Chủ tịch Hội Nông dân, em gái làm Chủ tịch Hội Phụ nữ, em rể làm Phó Chủ tịch UBND xã. Ngoài ra còn có nhiều anh em họ hàng khác giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại xã.

Hệ quả là gì?

Đó là nguồn lực chung của xã hội, hoặc những chính sách – chủ trương về công tác cán bộ thay vì được chia sẻ công bằng, thì lại tập trung tại một số tỉnh thành nhất định nhằm ‘ưu đãi và phát huy tiềm năng, thế mạnh’. Nhưng thực chất là hình thành nhóm vây cánh trong hệ chính trị nội bộ để chi phối các chính sách, chủ trương lớn về sau nhằm tiếp tục thực thi chính sách ưu ái về sau theo rễ chùm.

Sự phân bố không đồng đều giữa các điểm đầu tư thông qua sự chi phối chính sách thân địa phương nêu trên cũng tạo ra sự bất bình đẳng, và nguồn lực đầu tư không đúng chỗ cho mỗi tỉnh thành khác nhau.

Cuối cùng là, nó khiến cho nguồn lực chính trị không được nảy nở bằng sự cạnh tranh công bằng, mà lại biến thành sự ‘nâng đỡ’ mang tính tham nhũng trong công tác cán bộ. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua các vụ nâng đỡ ‘người nhà’ ở địa phương và người ‘địa phương’ ở cấp trung ương trong thời gian qua.

Nâng đỡ siêu tốc, nâng đỡ không trong sáng, hay thậm chí biện minh bằng câu nói ‘con lãnh đạo làm lãnh đạo là phúc của dân tộc’ chính là sự tồn tại trong một thể chế mà nhóm cử tri bị tước đoạt quyền lựa chọn. Và chính từ đây, sự chuyên quyền trong tính thân hữu quê hương, thân nhân trở thành một quá trình không tưởng trong nắm quyền lực và lạm dụng quyền lực.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux