Trong một thông báo của tổ chức People In Need phổ biến hôm 13/2/2018, tổ chức này trao giải thưởng quốc tế Homo Homini cho nhà báo Phạm Đoan Trang vì đã dũng cảm hoạt động theo đuổi một sự thay đổi dân chủ cho đất nước của mình, bất chấp sự sách nhiễu và khủng bố.
Tổ chức People in Need là một tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Cộng hòa Séc, hàng năm thường vinh danh những nhân vật có đóng góp đáng kể vào việc quảng bá cho nhân quyền, dân chủ, và các giải pháp bất bạo động đối với các xung đột chính trị.
Được biết Giải thưởng Homo Homini của People in Need được trao từ những năm 1990. Năm nay, bộ phim nói về cuộc đời hoạt động của nhà báo Phạm Đoan Trang ở Việt Nam sẽ được trình chiếu tại Liên hoan phim nhân quyền lớn nhất thế giới One World Film Festival vào ngày 5/3 tại Prague Crossroads (Cộng Hòa Séc).
—————————
CẢM ƠN CÁC BẠN VÌ GIẢI THƯỞNG, NHƯNG…
Cách đây khoảng hai tuần, tôi có nhận được tin là mình sẽ được trao giải Homo Homini của tổ chức nhân quyền quốc tế People in Need.
Homo Homini tiếng Latin nghĩa là “Từ người đến người”. Đây là một giải thưởng nhằm vinh danh những cá nhân “có cống hiến cho sự phát triển về nhân quyền, dân chủ, và giải pháp phi bạo lực cho xung đột chính trị”.
Giải này bắt đầu được trao từ năm 1994, tạm dừng năm 1995-1996 và tiếp tục từ năm 1997 đến nay. Việt Nam từng có ba người nhận Homo Homini vào năm 2002, là hoà thượng Thích Huyền Quang, hoà thượng Thích Quảng Độ và linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý.
Năm 2008, học giả-nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Lưu Hiểu Ba và tất cả những cá nhân ký tên trong Hiến chương 08 được trao giải.
Homo Homini không có phần thưởng tài chính (hiện vật hoặc tiền mặt) đi kèm, và đó là lý do để tôi đồng ý nhận giải sau khi ra sức từ chối.
Thực sự, tuy cảm ơn People in Need và nói “I’m very happy to be granted the award” (tôi rất mừng được nhận giải), nhưng tôi cũng không biết mình nên cảm thấy gì. Giá như đó là một giải thưởng nào đó chứng tỏ sự văn minh, dân chủ và phát triển của đất nước, thì tất cả chúng ta, trong đó dĩ nhiên có tôi, sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu.
Chừng nào một quốc gia còn có người được trao những giải thưởng về nhân quyền-dân chủ, chừng đó, quốc gia đó còn có rất nhiều vấn đề. Riêng Việt Nam thì không chỉ là “có vấn đề” mà còn bất bình thường nữa, bởi vì ở nơi đây, dân chủ-tự do-nhân quyền-xã hội dân sự là những khái niệm nhạy cảm, những đề tài cấm kỵ; người ta có thể đi tù tới 10 năm vì viết facebook, 14 năm vì biểu tình ôn hoà…
Có lẽ đại diện của People in Need cũng không được vui với thái độ của tôi; họ hỏi nhau rằng “sao cô ấy chẳng vui gì cả”.
Rõ ràng là khó có thể vui khi mình được trao một giải quốc tế về nhân quyền – chỉ dấu cho sự mất dân chủ và vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.
Khó có thể vui khi mình nhận giải này trong tình cảnh nạn vi phạm nhân quyền và chà đạp công lý tiếp tục gia tăng, với hơn 100 người bị bắt giam kể từ năm 2016 đến nay vì đã biểu tình hoặc làm truyền thông độc lập, nhiều bản án nặng nề giáng xuống đầu những nhà hoạt động ôn hoà – mà đằng sau mỗi bản án dành cho cá nhân là cả gia đình chịu nạn chung.
Khó có thể vui khi vào thời khắc này, khi chỉ còn không đầy 48 tiếng nữa là giao thừa, chúng ta vẫn phải nghĩ đến và xót xa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Thuý Nga, Lê Thu Hà, Hoàng Đức Bình, và nhiều người khác đang mòn mỏi từng giờ trong xà lim.
——
Ngày hôm qua, 13/2 (tức 28 Tết), 26 cá nhân – là những người ủng hộ dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam – đã cùng ký vào một bức thư ngỏ gửi Thuý Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, để thiết tha kêu gọi họ chấp nhận rời nhà tù đi tị nạn ở xứ sở tự do.
Tôi cảm ơn People in Need đã trao giải Homo Homini 2017, cảm ơn tất cả các bạn đã chúc mừng và rất, rất trân trọng tất cả những lời chúc mừng.
Tôi sẽ cảm ơn People in Need nhiều hơn nữa nếu họ giúp chúng ta gióng lên một hồi chuông cảnh báo quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền và mất dân chủ ở Việt Nam hiện nay.
Và tôi sẽ vô cùng cảm ơn các bạn nếu các bạn giúp tôi phổ biến lá thư ngỏ gửi Thuý Nga và Như Quỳnh, cũng như tìm mọi cách để Thuý Nga và Như Quỳnh không phải tiếp tục những năm tháng đoạ đày trong nhà tù cộng sản nữa.
Và không chỉ có họ…
Leave a Comment