Thiền Lâm – Cali Today News
Trong rất nhiều đề mục thiếu minh bạch của ngân sách Việt Nam đã khiến cho Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) phải xếp quốc gia này vào nhóm thấp nhất về độ minh xác, quỹ dự trữ ngoại hối luôn là một bí ẩn nhân tạo.
Vào đầu tháng Hai năm 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng thông báo rằng dự trữ ngoại hối đạt 57 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay từng được công bố. Ngay lập tức thông tin ấn tượng này được hệ thống tuyên giáo cùng các tờ báo đảng mô tả như một thắng lợi lớn của nền kinh tế việt Nam cùng “chính phủ kiến tạo”.
Tuy nhiên theo đài VOA Tiếng Việt, thống kê của The World Factbook của cơ quan tình báo trung ương Mỹ cho thấy mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ đạt 38,75 tỷ USD tính tới ngày 31/12/2017.
Đâu là con số thực?
Nhưng có một sự thật là từ năm 2015 đến nay, dù Ngân hàng nhà nước liên tục phô trương quỹ dự trữ ngoại hối của chính thể Việt Nam lên đến gần 40 tỷ USD, sau đó lên đến 45 tỷ USD, nhưng như thói thường, vẫn chỉ là một con số trơ trụi mà không có bất cứ chi tiết liên quan nào khác được minh bạch. Do vậy người dân chẳng thể biết quỹ này gồm bao nhiêu phần trăm vàng ròng, ngoại tệ chuyển đổi được (SDR), đô la Mỹ và trái phiếu.
Theo một số chuyên gia phân tích, cho tới nay lượng vàng dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các ngân hàng thương mại đều chưa được công bố qua các báo cáo chính thức. Do đó đã xuất hiện những nghi ngờ trong giới chuyên gia về thực chất của con số 57 tỷ USD dự trữ ngoại hối do Ngân hàng nhà nước công bố.
Vào giữa năm 2016, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố danh sách 50 quốc gia sở hữu nhiều nhất trái phiếu của chính phủ nước này, dư luận đa chiều lập tức xoáy vào con số tối thiểu 12 tỉ USD giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà Việt Nam đang nắm giữ.
Nếu phân tích dựa trên việc tham khảo chéo giữa 2 báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) năm 2015, giới chuyên gia kinh tế có thể hình dung phần nào tỉ trọng và cơ cấu của các loại tài sản trong danh mục dự trữ ngoại hối hiện nay.
Theo thông lệ quốc tế, dự trữ ngoại hối của một quốc gia, thường được quản lý bởi ngân hàng trung ương, sẽ bao gồm nhiều loại tài sản đa dạng như tiền mặt và tiền gửi thuộc nhóm các ngoại tệ mạnh như USD, đồng bảng Anh, euro, yen; vàng; các giấy tờ có giá như trái phiếu chính phủ nước ngoài; tín phiếu; các chứng khoán khác.
Nếu đối chiếu chéo với báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ thì trong lượng ngoại tệ dự trữ của Việt Nam, nhiều khả năng có tới 12 tỷ USD là trái phiếu chính phủ Mỹ. Tức dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam hiện thời không phải là 57 tỷ USD “tiền mặt” mà chỉ có khoảng 45 tỷ USD.
Căn bệnh “giấu số liệu” vẫn luôn rất phổ biến trong hệ thống các cơ quan quản lý tài chính ở Việt Nam.
Vào năm 2017, kết quả thống kê GDP bình quân trong năm lên tới 6,7% của chính phủ “kiến tạo” của Thủ tướng Phúc đã tạo nên một hiện tượng “lạ” trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nguyên suy trầm mà đã bị rất nhiều người nghi ngờ là “số liệu giả”. Trong khi đó một chuyên gia kinh tế dộc lập là tiến sĩ Bùi Trinh đã viết trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (báo nhà nước) rằng khi ông tính đủ các yếu tố thì tỷ lệ tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2017 chỉ nhỉnh hơn 3% một chút.
Cho tới nay, Tổng cục Thống kê Việt Nam vẫn không hề trưng ra, hay nói cách khác là giấu biệt “phương pháp tính GDP”.
Một minh họa khác cho thấy tính “minh bạch tài chính” của Việt Nam là kết quả thu ngân sách năm 2017. Vào cuối năm 2017, con số thu ngân sách bất ngờ tăng vọt 2,3% so với sự toán đầu năm, cho dù mới cách đó nửa tháng chỉ đạt được hơn 91% so với sự toán. Tu nhiên khi công bố kết quả thu ngân sách “thắng lợi”, Bộ Tài chính đã không có bất kỳ giải thích nào về việc tại sao và từ nguồn tiền nào mà thu ngân sách 2017 lại tăng vọt như thế.
Trong thực tế, nếu không tính đến 110.000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Tổng công ty Rượu bia – nước giải khát (Sabeco), phép trừ đơn giản nhất cho thấy kết quả thu nhân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng (1.283 ngàn tỷ trừ 110 ngàn tỷ), chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017 – không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Trở lại với “thành tích dự trữ ngoại hối”. Nhiều tin tức cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, Ngân hàng nhà nước đã “bung” tiền đồng để mua vào đô la Mỹ, và số đô la thu gom được từ các nguồn ngân hàng thương mại và từ dân lên đến khoảng 17 tỷ USD. Tức Ngân hàng nhà nước đã phải tống ra thị trường một lượng tiền Việt lên đến gần 400.000 tỷ đồng.
Cũng bởi thế, các ngân hàng đang tồn tại tình trạng tràn ngập tiền và phải tìm nhiều cách để “đẩy” tiền đồng ra thị trường, bất chấp rất nhiều rủi ro khiến có thể không thể thu hồi được tín dụng cho vay, cùng lúc kích động lạm phát và mặt bằng giá cả tiêu dùng.
Leave a Comment