Ngô Đồng – Việt Tân
Theo công bố mới nhất của Tổng cục thống kê, chỉ trong Tháng 1, 2018 đã có 19.700 người dân Việt Nam bị thiếu đói. Đăk Lăk là địa phương có nhiều hộ thiếu đói nhất với 2100, tương ứng với 5300 nhân khẩu, tiếp theo là Lạng Sơn 1400 hộ tương ứng 5000 nhân khẩu, Gia Lai 966 hộ tương ứng với 4300 nhân khẩu… Bên cạnh đó còn 15 Tỉnh có công văn xin cứu đói dịp Tết với tổng số hơn 17 ngàn tấn gạo.
Là một nước nông nghiệp, đứng top 5 hạnh phúc thế giới, các mục tiêu thiên niên kỉ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong các báo cáo năm sau nào cũng tiến bộ hơn năm trước, vậy mà có hàng chục ngàn người dân đang phải thiếu ăn thường xuyên… Chuyện thật thời nay mà cứ tưởng của mấy chục năm về trước.
Tất cả những ai sống tại Việt Nam đều từng nghe câu chuyện Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhiều thứ hai thế giới. Con số này được chính quyền nhồi nhét sâu đậm trong tâm thức mỗi người đến mức gần như trở thành niềm tự hào về quê hương rừng vàng biển bạc, ruộng lúa xanh tốt màu mỡ, cò bay thẳng cánh. Sự thật thì sao?
Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với 6 -7 triệu tấn mỗi năm. Nhưng lại bán với giá thấp hơn giá bản lẻ trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang bao cấp gạo cho nhiều nước khác. Trong khi đó, nạn thiếu đói vẫn luôn đe dọa người dân trong nước.
Theo thống kê có nhiều xã vùng cao, tỷ lệ thiếu đói lên tới 70%. Đối với nhiều người, khi mùa giáp hạt về là nỗi ám ảnh về những buổi khoai sắn lại hiện lên. Điều này phản ánh một hiện trạng đáng buồn về ngành nông nghiệp bị tận thu tại Việt Nam chứ chẳng phải con số đáng tự hào của nền kinh tế phát triển.
Xuất khẩu nông nghiệp top đầu thế giới, nhưng trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam luôn gặp bộn bề khó khăn.
Đầu tiên, phải kể đến mức phí đầu tư cho nông nghiệp quá lớn, nhưng nông dân rất khó tiếp cận các nguồn vốn chính thống từ các tổ chức tín dụng. Hầu hết là vay mượn người thân, bạn bè, vay lãi… Vì vậy đã làm giảm khả năng phục hồi, trả nợ của người dân.
Giá các mặt hàng tiêu dùng tăng chóng mặt; việc thu hồi đất nông nghiệp bất công gây khó khăn cho việc sản xuất. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn như đất, nước, không khí… đang ở mức báo động.
Đồng thời các chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp bộc lộ nhiều bất cập đã tạo ra cơ cấu thị trường méo mó, chỉ hướng đến xem xét lợi ích trực tiếp của một vài chủ thể mà ít tính toán đến lợi ích toàn cục, đặc biệt là lợi ích của nông dân. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra lại bán giá rẻ, thậm chí, không bán được.
Hậu quả là thu nhập của người nông dân Việt Nam hiện nay đang giảm mạnh, người dân ngày một nghèo đi. Theo kết quả điều tra của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) từ năm 2006-2012 cho thấy, thu nhập của người nông dân đang có xu hướng giảm trong các năm gần đây. Đặc biệt, giai đoạn 2010-2012, tỉ lệ hộ nghèo tăng lên, nhất là ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Để ứng phó với thực trạng trên, nhiều hộ nông dân đã phải cắt giảm chi tiêu, giảm nhu cầu an sinh xã hội.
Trong bài viết “Vì sao họ không nuôi nổi mình” (Why can’t people feed themselves?), hai tác giả Lappe và Collins cho rằng chủ nghĩa thực dân (colonialism) là nguyên nhân tạo nên nạn đói tại các nước đang phát triển cho dù sản lượng xuất khẩu các loại nông phẩm của các nước này luôn đứng đầu thế giới. Chủ nghĩa thực dân đã biến đổi toàn bộ hệ thống nông nghiệp tại các nước đang phát triển bằng sức mạnh tài chính và chính trị.
Trước chủ nghĩa thực dân, người dân tại các nước nhỏ duy trì được hệ thống nông nghiệp đơn giản, quy mô nhỏ, bao gồm các loại thực phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, dưới sức ép của chính quyền, người dân buộc phải chuyển đổi từ phương thức nông nghiệp truyền thống thành hình thức đơn canh (chỉ trồng một loại cây duy nhất), sử dụng hóa chất cũng như phương pháp canh tác không phù hợp với tính chất của đất trồng địa phương.
Các loại cây trồng mới này hoàn toàn không phục vụ nhu cầu dinh dưỡng của người dân địa phương mà được các quốc gia phát triển và tập đoàn lớn quyết định dựa vào giá trị trên thị trường nông phẩm quốc tế. Chính vì vậy, người dân tại các nước chưa phát triển thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng hay thiếu ăn không phải vì họ không có đủ số lượng lương thực mà vì họ không được tiếp cận nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển sinh lý bình thường.
Trong khi đó nhà cầm quyền CSVN cho rằng số người thiếu đói khổng lồ trên là do “ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, hạn hán nghiêm trọng tại một số khu vực”. Hóa ra lỗi vẫn tại ông Trời. Thật vô lí khi bao nhiêu ngàn tỉ tiền thuế của dân đổ ra cho việc nghiên cứu, dự báo, phòng chống, xây dựng hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, giờ thiếu nước, ngập úng vẫn lỗi tại ông Trời.
Cần phải có những chính sách khác không thể đổ lỗi cho ông Trời.
Đầu tiên là tăng mức hỗ trợ thiên tai/dịch bệnh cho các hộ nghèo, nhóm dân tộc ít người; triển khai bảo hiểm nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và ngân hàng; triển khai bảo hiểm y tế; tăng hỗ trợ và thông thoáng cơ chế cho vay đối với hộ nông thôn.
Nhà cầm quyền cần xem xét cấp tín dụng thu hút các doanh nghiệp cho vay mở rộng sản xuất và thu mua đầu ra cho hộ nông thôn; thay đổi cách tiếp cận trong các chương trình khuyến nông, dạy nghề và tạo việc làm cho hộ nông thôn. Bên cạnh đó, đảm bảo quỹ đất sản xuất nông nghiệp cho các cộng đồng dân tộc ít người, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa, tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt và thu hoạch.
Nếu không chịu thay đổi; với cách quản lí yếu kém như hiện nay, không biết đến bao giờ cái cảnh người dân phải chạy ăn từng bữa mới có thể chấm dứt.
Leave a Comment