Sử dụng Luật an ninh mạng, Luật Hình sự ‘để chống lại dòng tư tưởng – chính trị lệch lạc, ngăn chặn những ảnh hưởng thù địch, nóm người bất đồng chính kiến’, và có thể là ‘ưu tiên giáo dục lại bằng biện pháp giam cầm’?
Ông Hoàng Đức Bình bị kết án 12 năm tù giam, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) bị kết án 10 năm tù giam.
Cả hai con người đều giống nhau ở điểm, đều bị kết tội ‘bóp méo các chính sách của Chính phủ, phỉ báng chế độ’.
Nhưng đằng sau đó, cả hai đều lên án thảm họa môi trường biển do tập đoàn Formosa gây ra tại các tỉnh miền Trung; đều tố cáo sự đánh đập – bắt bớ người của công an cơ sở,…
Formosa và công an: tình tiết tăng nặng?
Mẫu số chung (Formosa, công an) đã trở thành tình tiết tăng nặng ngoài luật định; trong đó – Mẹ Nấm là người thu thập các bằng chứng liên quan đến những cái chết bất thường trong đồn (công an) và Hoàng Bình lên án sự bắt bớ, đánh đập vô cớ của phía công an cơ sở.
Báo Vnexpress đưa tin với tiêu đề: Người đàn ông bôi nhọ công an bị phạt 14 năm tù (*). Theo đó, ‘6 video Bình phát trực tiếp có lời nói bôi nhọ, vu cáo lực lượng công an, đạt trên 2,4 triệu lượt xem; trên 40.000 bình luận. Điều này bị cho là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của lực lượng công an’.
Trong khi đó, báo Công an Nghệ An chỉ trích đích danh: ‘Bình đã đưa ra thông tin thất thiệt nhằm định hướng cho người nghe hiểu sai bản chất vụ việc, nhìn nhận sai lệch về lực lượng công an, nghiêm trọng hơn là hiểu sai chế độ’.
Trước đó, vào tháng 11/2017, nhiều báo đài trong nước khi đưa tin về kết quả phiên xét xử phúc thẩm Mẹ Nấm đều nhấn mạnh ý: Quỳnh soạn thảo tập tài liệu ‘Stop police killing civilians’ về 31 trường hợp người chết sau khi làm việc với công an.
Và tập tài liệu nói trên bị quy kết là ‘có mục đích để người đọc hiểu sai bản chất vấn đề, đồng thời xúc phạm và làm hạ uy tín của lực lượng Công an
nhân dân, xâm hại mối quan hệ giữa nhân dân và lực lượng công an.’
Lực lượng công an: lằn ranh đỏ
Lực lượng Công an quan trọng đến mức nào? Những năm gần đây, thanh bảo kiếm của Đảng luôn được nhắc đến trong các sự kiện. Mới đây nhất, nhân kỷ niệm 88 năm thành lập ĐCSVN, Bộ trưởng Bộ Công An Việt Nam – tướng Tô Lâm khẳng định: lực lượng Công an Nhân dân sẵn sàng hy sinh để bảo vệ ĐCS.
Chưa dừng tại đó, vào sáng 06.02, tham dự 65 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ Công an Nhân dân, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh lực lượng công an là ‘thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ.’
Như vậy, sự hợp nhất hình thái không thể xâm phạm ở Việt Nam là: ĐCSVN, lực lượng Công an Nhân dân, và lãnh tụ.
Ba yếu tố nêu trên đã trở thành một ‘lằn ranh đỏ’, là một ‘húy kỵ’ mà bất cứ ai vượt qua, chạm vào đều bị xử phạt nặng theo hướng trừng phạt (chứ không còn răn đe, giáo dục nữa). Do vậy, hiểu bản chất chế độ hiện thời là công an trị cũng không phải là nhận định vô căn cứ.
Việt Nam duy trì lực lượng công an khá lớn trong xã hội nhằm kiểm soát tư tưởng và hành vi
Sự đề cao tuyệt đối lực lượng công an như một trong 3 rường cột của chế độ, đề cao nguyên tắc ‘kiểm soát’ đã khiến lực lượng này vốn dĩ để khống chế và ngăn chặn ‘tội phạm’ nay trở thành một lực lượng bất khả xâm phạm, nơi tập trung quyền lực tối cao, nơi quyết định số phận của từng con dân Việt. Theo đó, đây là lực lượng chủ chốt trong ‘kiểm soát và chống lại các phần tử cơ hội, bè lũ phản động, kẻ thù của Đảng’ [1]; và dường như lực lượng này sử dụng Luật an ninh mạng, Luật Hình sự ‘để chống lại dòng tư tưởng – chính trị lệch lạc, ngăn chặn những ảnh hưởng thù địch, nóm người bất đồng chính kiến’, và có thể là ‘ưu tiên giáo dục lại bằng biện pháp giam cầm’?
Đề cao vai trò tối cao của lực lượng công an, xử phạt nghiêm khắc những ai chạm đến lực lượng công an (dù mục đích có thể là phản ánh hành xử trái với luật, cũng như giá trị nhân quyền mà Việt Nam cam kết) chính là tạo ra sự lan truyền sợ hãi – và đây chính là công cụ để ‘đe dọa, kiềm tỏa’ tư tưởng và hành vi của người dân trong thể chế độc tài.
Đông Đức – trước khi bức tường Berlin sụp đổ, đã từng là nước hỗ trợ đắc lực hình thành Công an Việt Nam. Và đây là quốc gia duy trì 90.000 công an, 260.000 người thuộc lớp ‘tin báo quần chúng nhân dân’, và giữ gìn chế độ dựa trên sự ám sát, bắt cáo, tố cáo, đe dọa những người bất đồng chính kiến trong hơn 30 năm; ép buộc 16,5 triệu người phải tuân phục chủ nghĩa Cộng sản.
Và Erich Mielke, người đứng đầu mật vụ Đông Đức đã tuyên bố: Tiến hành, nếu cần thì không cần có tuyên bố của tòa án.
Tham khảo
http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2014/11/Nghiencuuquocte.net-232-Stasi-Dong-Duc-va-Viet-Nam-DCCH.pdf
(*) Vnexpress sau đó chuyển tiêu đề thành: Bị phạt tù vì chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích nhà nước
Leave a Comment