Phạm Chí Dũng – Cali Today News |
Vừa xảy ra một bê bối hiếm có: chính quyền của “thành phố đáng sống nhất Việt Nam” – Đà Nẵng – đậm dấu hiệu muốn đưa nền báo chí của thành phố này nói riêng và những tờ báo khác có văn phòng đại diện tại Đà Nẵng trở về thời kỳ “đục báo”.
“Đục báo” là bức tranh của báo chí Việt Nam dưới thời Pháp thuộc – khi mà các tòa báo phải nộp bản thảo dịch ra tiếng Pháp cho Sở Kiểm duyệt 48 giờ trước khi bản thảo được lên khuôn. Những bài báo “có vấn đề” hoặc “nhạy cảm chính trị” luôn bị Sở kiểm duyệt “đục đẽo” thẳng tay.
Ngày 7/2/2018, Sở Thông tin – Truyền Thông Đà Nẵng có Công văn số 228/STTTT-TTBCXB gửi báo Đà Nẵng, báo Công an Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng cùng các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn thành phố này về việc “cung cấp bản thảo trước khi in ấn báo, các ấn phẩm báo chí”. Yêu cầu này là “nhằm thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tại Công văn 1851-CV/TU ngày 2/2/2018 về việc điểm báo phục vụ chỉ đạo xử lý thông tin của Thường trực Thành ủy”.
Chỉ hai ngày sau, vào ngày 8/2/2018, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền Thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh vội vã ký văn bản thu hồi và xin lỗi các cơ quan báo chí về việc đã ban hành Công văn số 228/STTTT-TTBCXB với lý do “Sau khi phát hành công văn 228/STTTT-TTBCXB, Sở Thông tin-Truyền thông thấy rằng văn bản trên không phù hợp với các qui định của Luật Báo chí”.
Dù một quan chức của Sở Thông tin – Truyền Thông Đà Nẵng giải thích rằng trong công văn số 228 ghi rõ là “hỗ trợ” chứ không mang tính bắt buộc, lời lẽ cụ thể theo hướng hỗ trợ, phối hợp chứ không phải mệnh lệnh hành chính, nhưng câu “bút sa gà chết” cũng trong công văn này là “cung cấp bản thảo trước khi in ấn báo, các ấn phẩm báo chí”, bởi đây là nội dung hoàn toàn trái ngược với Điểm 3, điều 13 Luật Báo chí của Việt Nam về “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng…”.
Quy trình sản xuất báo in ở Việt Nam là thường kết thúc khâu biên tập bài vở để chuyển bản thảo cho nhà in chậm nhất vào lúc 2 – 3 h sáng, để nhà in kịp in và cho ra báo để phát hành vào lúc 5 – 6 h sáng. Nếu những tờ báo mà giới quan chức Đà Nẵng coi là “báo nhà” như báo Đà Nẵng, báo Công an Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng cắm đầu tuân thủ yêu cầu “cung cấp bản thảo trước khi in ấn báo, các ấn phẩm báo chí” của Sở Thông tin – Truyền Thông Đà Nẵng, họ sẽ phải nộp bản thảo cho sở này trước 2 h sáng. Điều đó cũng có nghĩa là Sở Thông tin – Truyền Thông Đà Nẵng sẽ phải có bộ phận ngồi suốt đêm đọc bản thảo để “điểm báo” cho lãnh đạo Đà Nẵng. Sau đó, bản “điểm báo” sẽ được chuyển cho lãnh đạo Đà Nẵng để những lãnh đạo này kịp đọc vào lúc trời còn chưa kịp sáng. Còn nếu đến 6 – 7 h sáng bản “điểm báo” mới được chuyển cho lãnh đạo thì vô nghĩa vì khi đó báo chí đã phát hành cả rồi.
Câu chuyện trên lại có một nét gì đó rất tương hợp với mô tả trong sách sử của chính quyền Việt Nam:
“Chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp rất khắc nghiệt. Quãng 20 giờ, người tùy phái của các báo hằng ngày đã phải mang những bài đập thử trên giấy của số báo hôm sau tới phòng kiểm duyệt Phủ Thống sứ (ở phố Đinh Lễ bây giờ) ngồi chờ mấy ông công chức đọc, thấy chỗ nào động chạm hoặc ảnh hưởng tới “mẫu quốc” thì lấy bút chì xanh gạch chéo và ghi “kiểm duyệt bỏ”. Cũng tùy mấy ông có quyền: có khi bỏ cả bài, có khi bỏ vài đoạn hoặc một đoạn, có khi ba, bốn câu thơ. Thế cũng đủ phá vỡ cả một bài, nhất là thơ, làm xấu cả trang báo đã mất công trình bày. Quãng 22 giờ, người tùy phái đem những bài đập thử về, phóng viên trực đêm bảo bác cai nhà chữ, bóc những đoạn bài đó đi và đặt vào đấy dòng chữ “kiểm duyệt bỏ” to tướng. Về sau, thấy số báo nào cũng có những mảng bỏ trắng, gây xôn xao dư luận, tên chủ sự Cousseau, người Pháp lai, trước là chánh mật thám, nói sõi tiếng Việt, bắt các báo phải dồn bài lại, thay bằng bài khác dự trữ trước cho kín trang. Các báo lúc đầu còn nghe hắn, sau “chơi lại”, cứ để nguyên những mảng trắng cho biết tay. Và số đông những người làm báo thời xưa vẫn đặt hết tâm hồn mình vào những bài bênh vực giới cần lao, hoặc lên tiếng chỉ trích nhà chức trách về quốc kế dân sinh, dưới nhiều thể loại sinh động”.
Điều gì, hay động cơ gì đã khiến “Thường trực thành ủy Đà Nẵng” trở nên siêng năng đọc báo một cách kỳ lạ đến thế, thậm chí muốn đọc cả ban đêm và thậm chí “đi sâu đi sát” đến mức muốn đọc cả bản thảo của báo chứ không phải báo in giấy trắng mực đen?
Câu trả lời xin dành cho độc giả và những người quan tâm đến tự do báo chí.
Cũng cần nói thêm rằng từ tháng 4/2017 đến nay, Đà Nẵng đã bị phỉ phui nặng nề đối với biệt danh “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, khi tại thành phố này nổi lên những nhóm quyền lực và lợi ích tranh giành xâu xé lẫn nhau: cuộc chiến Nguyễn Xuân Anh – Huỳnh Đức Thơ, vụ Vũ “Nhôm”… Đà Nẵng cũng vì thế đã trở thành tâm điểm bị nhiều tờ báo nhà nước và mạng xã hội phê phán, chỉ trích. Nghe nói trong một số cuộc họp nội bộ, những lãnh đạo của Đà Nẵng như tân bí thư thành ủy Trương Quang Nghĩa và nhân vật vẫn giữ được ghế chủ tịch thành phố là Huỳnh Đức Thơ không mấy hài lòng trước làn sóng chỉ trích ấy.
Tuy nhiên điều quá khó hiểu, hoặc không thể hiểu được là chẳng lẽ một người có đẳng cấp ủy viên trung ương đảng như ông Trương Quang Nghĩa, hay một cấp phó của ông ta và được xem là người thân của “thủ tướng cờ lờ mờ vờ”, càng đương nhiên phải nói đến vai trò của Sở Thông tin – Truyền Thông Đà Nẵng lại không nhớ được nguyên tắc “không ai được kiểm duyệt báo chí” trong Luật Báo chí Việt Nam và trong tất cả các công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết?
Hừng hực trong khung cảnh giá phí tận thu đến “chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy”, “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam” cũng muốn lao trở về quá khứ thời Pháp thuộc chăng?
Leave a Comment