Những sự kiện liên quan cuộc chiến Việt Nam luôn được hệ thống tuyên truyền lặp đi lặp lại. Như cách họ giải thích, việc này nhằm muốn thế hệ trẻ hiểu hơn về quá khứ và đừng bao giờ quên những mất mát và hy sinh cho ngày thống nhất.
Tuy nhiên, hầu hết câu chuyện “lịch sử” của họ không bao giờ thành thực, không chỉ khi nói về phe “thua trận” mà cả khi nói về những thất bại của chính họ. Ngoài ra còn có rất nhiều câu chuyện ngụy tạo ngớ ngẩn và buồn cười về những cá nhân anh hùng. Các nhân vật, “chị Năm” hoặc “anh Tư”, đều có mẫu số chung: “Bản tính hiền lành; lớn lên trên quê hương có truyền thống yêu nước, được giáo dục trong một gia đình có ý thức giác ngộ cách mạng; có lòng căm thù Mỹ-Ngụy sâu sắc…”. Và họ rất dũng cảm, một cách “phi thường”.
“Chú Năm bị một trái M79 hất văng ra hơn 4 m, ngất xỉu, lúc tỉnh dậy thấy ruột lòi ra ngoài. Chú lấy tay móc mảnh đạn ra và nhét ruột vào. Một tay ôm bụng, một tay cầm M79 chú vừa lết tới thì đụng ba thằng Mỹ. Một thằng chĩa khẩu M16 thẳng ngực chú bóp cò. Viên đạn xuyên ngực chú làm vỡ phổi, xuyên thấu ra sau lưng. Cùng lúc đó, chú cũng kịp bắn trái M79 vào ba tên địch, tiêu diệt gọn. Thấy địch tràn vào, dùng đại liên bắn xé rừng, chú bắn liên tiếp 31 quả M79, ném hai quả lựu đạn, chúng mới chịu rút ra ngoài. Chú Năm chống cây M79 làm gậy lết về cứ… Sau này (chú Năm) mới biết mình bị đứt bảy khúc ruột, gãy ba xương sườn”. Tổng cộng, trong sự nghiệp “chống Mỹ cứu nước”, chú Năm “diệt trên 700 lính Mỹ, 21 xe tăng, bắn rơi 7 máy bay”.
Không như “Lê Văn Tám”, “chú Năm” là nhân vật có thực. Câu chuyện về ông, tên là Bùi Văn Thuyên, dân Tây Ninh, đã được báo đài đến tìm phỏng vấn. Năm 2014, Đài truyền hình Tây Ninh thậm chí thực hiện một phóng sự về chú Năm. Tương tự chú Năm, còn có “dì Tám” – nữ anh hùng Nguyễn Thị Ánh Thu, dân Tiền Giang, người “đã tiêu diệt trên 100 tên Mỹ- Ngụy, bắn cháy một xe tăng và bắn rơi một máy bay, làm khiếp vía quân thù”.
Câu chuyện về “anh hùng diệt Mỹ” Bùi Minh Kiểm (Đà Nẵng) mang đến một cảm giác “nghẹt thở” khác. “Khoảng 9 giờ một ngày tháng 4/1968, khi đơn vị của ông Bùi Minh Kiểm gồm bốn người đang đào hầm trên bãi cát gần bờ sông Vu Gia thì địch sử dụng máy bay do thám phát hiện. Chỉ một giờ sau, hàng chục chiếc trực thăng của địch bất ngờ đổ bộ xuống vị trí cách đơn vị ông chưa đến 20 m (20 m là một khoảng cách mà “hàng chục trực thăng” có thể quạt bay gần như mọi thứ quanh đó!). Trước khi đưa lính tới càn, bọn chúng đã cho pháo tập kích, làm hai chiến sĩ hy sinh… Giữa lúc “dầu sôi, lửa bỏng”, ông Kiểm đồng đội Nguyễn Phú Thao đã đưa ra cách đánh táo bạo. Khi chiếc UH-1 chuẩn bị hạ thấp để bắn rocket thì ông Kiểm lao người lên dùng hai tay ghì càng máy bay xuống. Đôi bàn tay thép như chiếc nam châm hút chiếc UH-1 xuống gần sát mặt đất. Viên phi công bất ngờ chưa kịp gạt cần súng máy thì đã bị ông Thao từ bên dưới bắn thốc lên. Chiếc máy bay loạng choạng rồi nổ tan xác”…
Những câu chuyện “nổ tan xác” này được kể ngay trong thời của iPhone, của máy tính bảng, của Facebook, của Instagram, của share và like, của những chế nhạo và mỉa mai. Có bao nhiêu học sinh phổ thông tin những câu chuyện Marvel phiên bản “Vietnam War” này?
Cái bẫy quá khứ được thiết kế để kẹp chân thế hệ trẻ nhằm buộc họ chia sẻ những “đau thương hào hùng” đã trở thành cái bẫy kẹp chân chính những người giăng bẫy, biến họ thành trò cười và biến họ thành những kẻ dị tật thần kinh khi nhào nặn “quá khứ chiến thắng” thành một thứ lỗi thời dị dạng.
Làm thế nào có thể xây dựng tương lai khi đôi chân vẫn còn bị kẹt trong cái bẫy quá khứ?
Làm thế nào có thể tạo ra được những thế hệ trẻ biết yêu nước thật sự dựa trên những phẩm chất và thành công hiện tại hơn là các cuộc ăn mày lịch sử?
Làm thế nào có thể hướng đến một cuộc hòa hợp khi đưa ống ngắm vào “khối đoàn kết dân tộc” bằng khẩu B40?
Xin nghĩ đến tương lai. Hãy “thiết kế tương lai” bằng những giấc mơ điên rồ hơn là sờ nắn mân mê những “format” quá khứ điên rồ. Càng “ăn mừng chiến thắng”, càng tạo ra phản ứng đối nghịch và khoét sâu hận thù. Hãy để những “chú Năm” và “dì Tám” “bình yên”.
Năm tới, nhân loại sẽ kỷ niệm 50 năm sự kiện đổ bộ Mặt trăng, một sự kiện được hiện thực từ những giấc mơ rất điên rồ. Việt Nam cần những giấc mơ như vậy. Việt Nam tương lai cần một tinh thần mới với đóng góp từ thế hệ của thời đại này. Việt Nam tương lai cần bàn đạp của thế kỷ 21.
…
Thông số kỹ thuật của trực thăng UH-1
– Dài 57 ft 1 in (17,40 m)
– Rộng 8 ft 7 in (2,62 m)
– Cao 14 ft 5 in (4,39 m)
– Nặng 5.215 lb (2.365 kg)
– Trọng lượng thực tế (chở người, hàng…) 9.040 lb (4.100 kg)
– Trọng lượng tối đa lúc cất cánh 9.500 lb (4.309 kg)
– Vận tốc tối đa 135 mph (217 km/h)
– Tốc độ lên cao 1.755 ft/min (8,92 m/s)
Leave a Comment