Có hai bức tranh hiện thực đối lập về thân phận con người trong xã hội hôm nay.
Đó là, ba chị em ruột trong một gia đình ở xã Bình Thạnh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bị chết đuối vài ngày trước. Hôm qua, bố mẹ các em đã quyết định đưa thi thể ba em đi hoả táng vì gia đình nghèo khó không có đất chôn cất các em.
Đó là, một dự án liên quan đến nơi chôn cất của quan chức và vợ con của họ được UNND TP Hà Nội công bố, với chi phí xây dựng khoảng 1.400 tỉ đồng trên diện tích đất 120ha.
Thật chua chát khi bao nhiêu năm qua người ta vẫn khẳng định đất nước này đang trên đường đi lên một xã hội thiên đường, mà thực tế người dân vẫn cứ khốn cùng. Có thiên đường nào mà vẫn còn những phận người bé mọn đến mức chết không có chỗ chôn? Câu hỏi này tôi xin dành cho các nhà lãnh đạo, những người đang được hưởng bổng lộc đủ đầy từ mồ hôi và nước mắt của nhân dân. Câu hỏi này, xin dành cho những người có trách nhiệm với các chính sách an sinh xã hội. Câu hỏi này xin dành cho những ai còn nghĩ đến thân phận con người.
Thật đau xót khi bao nhiêu năm qua, đất nước này vẫn được khẳng định là của dân, do dân và vì dân, nhưng hôm qua có ba trẻ thơ lìa đời, ba sinh mệnh con người rơi vào bi kịch chết không có chỗ chôn, mà quan chức thì được dành 1.400 tỉ đồng từ tiền thuế của nhân dân để xây phần mộ.
Có thể nào tồn tại những nghịch lý lạ kỳ đến như thế hay không?
Cán bộ là gì? Chẳng phải vẫn được cho là đầy tớ của nhân dân hay sao? Đầy tớ, khi sống đã được hưởng thừa mứa bổng lộc, đó là những nhà cao cửa rộng, những siêu xe đời mới, những lụa là gấm vóc… còn chưa đủ hay sao? Đến khi chết, đầy tớ vẫn cần phải được ưu ái đặc biệt đến mức như vậy hay sao?
Xã hội của dân, do dân và vì dân là gì? Làm sao có thể là một xã hội mà ngoài kia vẫn còn những thân phận thường dân chết mà không có nấm mồ, trong khi trên bàn giấy của các nhà lãnh đạo, người ta vẽ ra một nơi chôn cất cho họ thênh thênh thang thang với diện tích 120ha?
Mọi người sinh ra trên đời này đều bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền bình đẳng mà không ai có thể chối cãi được. Lẽ ra, con người cần được hưởng đủ, hưởng đúng so với thành quả mà họ tạo lập. Khi còn sống, nếu có đóng góp, quan chức đã thụ hưởng đầy đủ bổng lộc của mình, không có lý gì đến khi chết còn tiếp tục đòi hỏi nhân dân phải làm cỗ cúng mình, đòi hỏi nhân dân phải còng lưng đóng thuế xây nghĩa trang cho mình, quốc gia phải dành nguồn lực cho cá nhân mình.
Thực ra, người dân Việt Nam vốn rộng rãi. Nếu quan chức thực tâm vì dân vì nước, nếu họ đưa đất nước đi lên, họ làm rạng danh non sông gấm vóc, họ giúp dân có bát cơm đầy hơn, có manh áo ấm hơn thì người dân còn lập cả miếu thờ. Tiếc là thực tế hoàn toàn ngược lại, tham nhũng thì tràn lan, lãng phí thì vô độ, môi trường thì ô nhiễm, thu nhập người dân thì thấp, giáo dục thì tệ hại, văn hoá xuống cấp, tương lai thì mù mịt…
Nếu Đảng muốn vững mạnh, tôi tin rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ biết cần phải làm gì để dừng lại dự án nghĩa trang quan chức kia. Nếu Chính phủ muốn người dân nhìn nhận là Chính phủ kiến tạo vì dân hành động thì tôi tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biết phải làm gì để gác lại dự án nghĩa trang quan chức kia. Ít nhất là ở thời điểm đất nước còn khó nhiều bề như hiện nay.
Cần xem xét lại dự án ấy vì nếu thực hiện, nó là một bằng chứng về sự đối lập lợi ích, giữa một bên là dân nghèo thiếu thốn cho đến chết và một bên là tầng lớp lãnh đạo thừa mứa đến cả khi chết.
Đất nước này đã quá nhiều những đau thương và mất mát vì sự đối kháng lợi ích. Bây giờ là lúc cần nắm tay nhau để vững vàng đi lên, chứ không phải là lúc tiếp tục khoét rộng những hố sâu ngăn cách để rồi tất cả cùng nhau ngã gục xuống bùn./.
Leave a Comment