Nguoi Quan Sat – Cali Today News
Với người Việt, những ngày cận Tết Nguyên đán bận rộn với bề bộn công việc, nhưng với những cán bộ thân tín dưới thời cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh lại còn phải nơm nớp lo sợ vì không biết lúc nào mình nằm trong tầm ngắm cần phải bị thay thế của tân Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa.
Chiều ngày 5/2/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã ra thông cáo báo chí về việc kỷ luật 5 cán bộ chủ chốt. Những người bị kỷ luật, gồm: Bà Trần Thị Kim Oanh-phó Ban Nội chính Thành ủy; ông Trần Huy Đức-Chánh thanh tra thành phố; bà Lê Thị Thu Hạnh-phó giám đốc Sở ngoại vụ; ông Trần Văn Chung-Trưởng phòng An ninh kinh tế công an Đà Nẵng và ông Trần Đức Anh Sơn- Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội thành phố Đà Nẵng.
Nếu 4 cán bộ nói trên bị kỷ luật vì đã tham gia ký tên tập thể vào văn bản có nội dung tố cáo, nhưng truyền thông không cho biết tố cáo chuyện gì, thì ông Trần Đức Anh Sơn, một tiến sỹ khoa học đóng góp rất nhiều trong việc nghiên cứu nhằm chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam cũng bị kỷ luật gây bất bình cho dư luận. Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng, ông Sơn bị kỷ luật với hình thức “Cảnh cáo” vì đã viết những bài báo, đăng tin trên Facebook nội dung sai sự thật, bịa đặt, không đúng với quan điểm của đảng và nhà nước Việt Nam. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, hành vi của ông Sơn là “nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng”.
Trong 5 cán bộ chủ chốt nói trên, ông Trần Đức Anh Sơn bị kỷ luật nặng nhất, 4 người còn lại chỉ bị kỷ luật với hình thức “khiển trách”.
Việc kỷ luật các cán bộ thân tín còn sót lại thời cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh chưa dừng ở đó. Vào chiều ngày 6/2, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Mai Đăng Hiếu-cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ với hình thức “Cảnh cáo”. Cũng như rất nhiều các cán bộ tay đã nhúng chàm khác, ông Hiếu bị kỷ luật vì những sai phạm kiên quan đến một loạt dự án đất đai ở thành phố này.
Trước đó, vào ngày 3/2, Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu ông Hồ Ánh, cựu thư ký của ông Nguyễn Xuân Anh phải giải trình về việc nhận căn nhà công sản đã nhận từ Vũ “nhôm”-tức Phan Văn Anh Vũ, doanh nhân, thượng tá, một tình báo viên của Bộ Công an Việt Nam.
Ông Hồ Ánh ngồi không vững trên chiếc ngai vàng của mình. Ảnh: Internet
Việc móc nối giữa Vũ “nhôm” với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng được thiết lập từ thời cựu Bí thư Nguyễn Bá Thanh và kéo dài cho đến nhiều đời bí thư sau này. Trong khoảng thời gian 10 năm, liên minh ma quỷ này đã giúp cho Vũ “nhôm” sở hữu hàng loạt nhà công sản có giá trị thông qua việc bán rẻ mà không hề đấu giá. Không ăn trọn một mình, Vũ “nhôm” đã khôn khéo chia bớt những nhà công sản cho các lãnh đạo, cán bộ để duy trì quyền lợi. Đến ngay cả thư ky, một chức vụ cỏn con cũng được Vũ “nhôm” chia nhà. Dưới thời Bí thư Trần Thọ, do không mua chuộc được ông này, nên Vũ “nhôm” đã tinh quái sử dụng thẻ an ninh tình báo và văn bản của Bộ Công an để áp lực và đe dọa buộc ông này phải bán rẻ một loạt bất động sản công sản cho mình.
Ngay sau khi cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh bị hất cẳng, chính quyền mới của thành phố Đà Nẵng khẩn trương thanh trừng, loại bỏ tất cả những cán bộ thân tín còn sót lại nhằm kiện toàn bộ máy và để tránh bị lũng đoạn. Việc Vũ “nhôm” bị bắt cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc thanh trừng và loại bỏ những cán bộ tay đã nhúng chàm. Không chừng, kết cục xấu là phải ra tòa như cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng dành cho ông Nguyễn Xuân Anh là điều không tránh khỏi.
Việc thanh trừng ở Đà Nẵng sẽ không tránh khỏi việc làm cho nội bộ chính quyền thành phố này bị xáo trộn. Song, cũng cần phải nhìn nhận rằng, việc thanh trừng chỉ nhằm đòi lại những quyền lợi mà các đời bí thư trước đây đã tước mất. Hàng loạt nhà công sản bị bán với giá rẻ mạt, lãnh đạo mới lên không còn gì để trục lợi nên buộc lòng họ phải giành giựt lại những công sản của lãnh đạo trước đây. Việc giành giựt này ắt hẳn sẽ khiến cho hiềm khích, xung đột nội bộ chính quyền thành phố Đà Nẵng tăng cao.
Leave a Comment