Thiền Lâm – Cali Today news
Bộ môn chính trị – xã hội học Việt Nam đang mang dấu một triệu chứng kỳ lạ: nhiều quan chức và đại gia đang khỏe như vâm bỗng chốc đổ bệnh “ung thư gan”.
Trong phiên tòa xử án Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây Dựng, Trần Bắc Hà – cựu chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV – là một trong những người có liên quan bị tòa triệu tập, nhưng người ta không tìm thấy ông Hà ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn, để sau đó ông Hà bất thần gửi đến tòa đơn xin vắng cùng bệnh án “ung thư gan” – căn bệnh được mô tả là gần đất xa trời mà khiến ông đang phải điều trị tận Singapore.
Đã từ lâu, cái tên Trần Bắc Hà lại gắn liền với trục Nguyễn Tấn Dũng – Nguyễn Văn Bình. Nếu cứ xét theo quan điểm “chống tham nhũng thời kỳ trước” của Tổng bí thư Trọng thì đương nhiên Trần Bắc Hà rất có thể trở thành “củi” để đút vào “lò”.
Nhưng trước vụ Trần Bắc Hà bị “ung thư gan”, dân gian còn truyền khẩu rằng có một đại gia tên K cũng nằm trong tình trạng bệnh tật tương tự. Đại gia này – nghe nói liên đới rất mật thiết với lãnh đạo cao cấp A, đã từng làm mưa làm gió và ngông nghênh trên thương trường lẫn chính trường. Nhưng vào cuối năm 2017, khi lãnh đạo cao cấp kia có dấu hiệu “ngã ngựa”, K thất điên bát đảo và vội vã cày cục xin gặp lãnh đạo cấp cao B – đối thủ của lãnh đạo cao cấp A. Dù lãnh đạo B không cho gặp, K vẫn năm lần bảy lượt viết thư xin “5 phút”. Cuối cùng, vị lãnh đạo B mủi lòng nên cho K gặp. Vừa bước vào phòng vị lãnh đạo B, K liền sụp xuống lạy như tế sao, nước mắt tuôn rơi lã chã, ta thán rằng K sắp chết vì căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối và thề thốt “sẽ ăn năn hối cải” và tuyệt đối không dám quan hệ với vị lãnh đạo cao cấp A nữa. Thái độ “thành khẩn khai báo” của K rốt cuộc đã khiến vị lãnh đạo B thương cảm, quyết định tha cho K và còn cho K cùng vợ được đi nước ngoài điều trị bệnh “ung thư gan”.
Cuối năm 2017, “lò” bất chợt nóng rừng rực, đe dọa thiêu cháy bất kỳ quan chức nào “nhúng chàm” hoặc “phản động”. Ở phương Bắc, Tập Cận Bình càng mạnh miệng: sẽ đả bất cứ “con hổ” mới nào dám ngóc đầu.
Nhân dịp này, báo chí nhà nước không quên nhắc lại hàng loạt “bệnh án” từ Bùi Tiến Dũng của vụ PMU 18 đến Trần Bắc Hà BIDV.
Trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, ông Trầm Bê gầy rộc so với thời điểm trước khi bị bắt giam. Luật sư của ông Trầm Bê cho hay sức khỏe ông Bê có phần yếu hơn. Ông Bê có tiền sử bệnh tiểu đường, dễ chóng mặt khi đứng lâu. Để đảm bảo sức khỏe cho thân chủ, luật sư của ông đã gửi bệnh án đề nghị Tòa án để ông được ngồi trong quá trình xét xử. Còn bị cáo Trần Hiệp cũng có đơn trình bày bị ung thư, không thể đứng lâu.
Không chỉ ở vụ án này, các bị cáo và nhân chứng hay người liên quan “có vấn đề” về sức khỏe, nặng thì bị bạo bệnh như ung thư, nhẹ hơn thì cũng đủ loại bệnh như tiểu đường, huyết áp, suy thận,… Thậm chí, có bị can còn đột tử ngay trước khi phiên tòa diễn ra.
Cụ thể, quá trình công an điều tra vụ án “tham ô tài sản” đối với Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong thương vụ mua bán cổ phần bất động sản, bị can Đặng Sỹ Hùng – nguyên Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) – đã bất ngờ tử vong.
Trước đó, trong vụ xét xử đại án Oceanbank, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương, nguyên Phó TGĐ ngân hàng Đại Dương, đã vắng mặt với lý do đang điều trị ung thư.
“Mắc bệnh hiểm nghèo” cũng là tình tiết gây tranh cãi trong vụ án bầu Kiên. Lý do hoãn phiên xử được chủ tọa đưa ra là bởi vắng mặt ông Trần Xuân Giá, do điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) vì chứng phì đại tiền liệt tuyến, đang chờ mổ…
Sẽ còn bao nhiêu quan chức và đại gia bị “ung thư gan” trong năm 2018 và những năm sau đó?
Tổng bí thư Trọng đã như thể “lột xác” kể từ tháng Mười Một năm 2017, đặc biệt sau cuộc gặp với Tập Cận Bình của Trung Quốc vào ngày 12/11/2017. Đến giờ này, ông Trọng không những đã trở thành “Sỹ phu Bắc Hà”, “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”, “Minh quân”… trong mắt một số cận thần mà còn biến thành nhân vật khó đoán nhất và cũng có thể rất “sắc máu” trong chính trường Việt Nam.
Ban đầu chỉ là một làn sóng lao xao, nhưng đến khi một đại gia có tên là Vũ “Nhôm” – thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ – tìm cách thoái vốn ở rất nhiều công ty và sau đó thẳng cánh “ra đi tìm đường cứu nước”, người ta đã thấy làn sóng đó biến thành một phong trào “chạy loạn”.
Nhiều tin tức vỉa hè cho biết chỉ trong năm 2017, đã có khá nhiều đại gia chuyển phần lớn tài sản cùng người thân ra nước ngoài. Một số đại gia đã đi hẳn ra nước ngoài, còn một số khác đã thủ sẵn vé máy bay để sẵn sàng “biến”.
Ở lại “cống hiến cho quê hương” chỉ còn là những quan chức và đại gia hoặc quá chủ quan về thế lực của mình và của cánh mình, hoặc quá ngờ nghệch nên sớm hay muộn đều có thể bị tống vào “lò”. Để khi đó, các quan quan chức và đại gia này sẽ phải thoái thác hầu tòa với lý do “ung thư gan giai đoạn cuối”.
Leave a Comment