Thiền Lâm – Cali Today news
Trong bầu không khí phấn khởi “thu thuế cứ như vặt lông vịt, đừng để kêu toáng lên” của Bộ Tài chính với đủ các sắc thuế mới được “Kiến Tạo” theo tinh thần của chính phủ cùng tên, ngành công thương của nhân vật vẫn được một số dư luận xem là “tân bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh” cũng ra sức “phục vụ” cho các nhóm lợi ích Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và gần đây nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Vào tháng Giêng năm 2018, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần. Nếu mức điều chỉnh dưới 5%, EVN sẽ được quyết, từ 5-10% do Bộ Công Thương quyết, từ 10% trở lên Thủ tướng quyết định.
Điểm khác biệt lớn nhất của đề xuất trên so với “tinh thần” các cuộc họp về giá điện do phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì trong năm 2017 về cơ chế “6 tháng điều chỉnh giá điện một lần” và “một năm điều chỉnh giá điện không quá 2 lần” là đầy triển vọng trở thành “3 tháng điều chỉnh giá điện một lần”.
Đề xuất trên cũng tham lam gấp đôi so với quyết định số 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện do Thủ tướng Phúc ký vào giữa năm 2017 cho phép EVN được tự quyết tăng giá điện hai lần mỗi năm với mức từ 3% đến dưới 5%, Bộ Công Thương được quyết tăng giá điện từ 5% đến 10%.
Nếu đề xuất trên được Thủ tướng Phúc “gật”, EVN sẽ có cơ hội “bóc lột dân ta đến tận xương tủy” với 4 lần tăng giá điện trong một năm, tương đương với tỷ lệ tăng giá điện đến 20%/năm, đồng nghĩa với cơ chế kịch động lạm phát tăng vọt và khiến đời sống xã hội hỗn loạn!
Giá xăng dầu và điện lực phi mã tất yếu dẫn đến lạm phát đội mồ sống dậy. Trong thực tế, chỉ số tiêu dùng CPI bị tác động không nhỏ và lập tức kích hoạt hàng loạt đợt tăng giá của hàng tiêu dùng, thực phẩm, giá vận tải hành khách và hàng hóa, giá nhà trọ…, làm khốn khó hơn cho đời sống công nhân và dân nghèo vốn đã quá khó khăn.
Đời sống dân sinh ấy cũng liên đới quá đỗi hữu cơ với ít nhất 80% lực lượng vũ trang và gần 3 triệu công chức viên chức nhà nước. Vài năm gần đây, ngay cả cảnh sát giao thông còn bị “đói” thì giới nhân viên an ninh không than thở mới là chuyện lạ.
Ở Việt Nam, EVN và Petrolimex là những dẫn chứng sống động và dối trá nhất về việc người ta đã mượn lý thuyết kinh tế chỉ huy thời chiến để trục lợi như thế nào vào thời bình. Trong điều kiện nền chính trị độc đảng, thủ đoạn lợi dụng càng trở nên thâm ý hơn. Độc quyền và đặc lợi cũng vì thế đồng nghĩa với tội đồ, đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh.
Trong quá khứ không xa, EVN – từng được một tờ báo Anh vinh phong là “cậu ấm hư hỏng” do người mẹ đỡ đầu của nó là Bộ Công thương, là tiếp dẫn ngoan ngoãn vô song cho chiến dịch tiếp tay cho Trung Quốc đến mức phản nghịch tình dân tộc.
Chính những chuyên gia phản biện như GS TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội – đã phải hé lộ một “bí mật quốc gia”: nhiều năm trước, EVN đã mua điện từ các doanh nghiệp Trung Quốc với giá gấp đến 3 lần mức thông thường của doanh nghiệp Việt Nam.
Thậm chí, EVN mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào, vin vào lý do vì hợp đồng mua điện với Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thái độ kinh doanh bất chấp này đã bất chấp một thực tế là trong thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường nhiều hơn, nhiều nhà máy điện ngoài EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam. Nhưng bởi lối hành xử đầy ngờ vực, EVN đã cố tâm mua điện trong nước với giá chỉ bằng 1/3 giá mua điện của Trung Quốc, kèm theo các điều kiện rất khắt khe.
Năm 2011, vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào suy thoái, sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo một phát minh không tiền khoáng hậu kể từ thời mở cửa 1990: những doanh nghiệp nhà nước đặc trưng bởi chủ thuyết “giá chỉ có tăng chứ không giảm” như EVN và Petrolimex đã tạo thành cặp song sinh có chung hậu môn. Hàng loạt chiến dịch đầu tư trái ngành của các tập đoàn này vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 40.000 tỷ đồng.
Trong suốt 7 năm qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN và Petrolimex tuồn qua tuyến đại tràng để đổ lên đầu người dân đóng thuế.
Nếu không tăng giá “bù lỗ vào dân”, EVN phá sản là chắc chắn. Cho đến năm 2017, một khoản nợ khổng lồ lên đến 9,3 tỷ USD của EVN được công bố. Chi tiết cần đặc tả không kém là vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được chính phủ bảo lãnh.
Nhưng 9,3 tỷ USD chưa phải hết. Kết luận của hãng kiểm toán Delotte Việt Nam, đơn vị kiểm toán cho EVN đã nhấn mạnh: Tổng nợ phải trả của tập đoàn này đã lên đến xấp xỉ 487 ngàn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015. Cho tới nay, EVN chính là quán quân về “chúa chổm” trong tất cả các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.
Kết quả là vào cuối năm 2017, Chính phủ và Bộ Công thương đã có một “kịch bản hoàn hảo” – rất lạnh lùng và tàn nhẫn – khiến dân tình và báo chí không kịp trở tay: vào ngày 1/12/2017, giá điện được “đánh úp” vọt đến 6,08%!
Leave a Comment