Phương Thảo (VNTB)
U23 Việt nam đã làm nên lịch sử khi trở thành Á quân bóng đá Châu Á. Gần như cả nước vỡ oà trước niềm vui quá lớn này. Suốt gần cả tuần qua từ thứ ba cho đến thứ bảy mọi bàn tán đều tập trung vào U23, những gương mặt trẻ đem lại niềm tự hào dân tộc.
Tự hào với chiến thắng
Báo Nhật Nikkei Asean Review ví von rằng các trận túc cầu của tuyển U23 đã kéo người Việt lại gần với nhau, bất kể giàu nghèo. Sự hào hứng với bóng đá là điều dễ hiểu nhưng sự bất thường là ở chỗ các trận đấu này đã thôi thúc cảm giác về tình đoàn kết ở Việt nam khi mà phát triển kinh tế ngày càng đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo. Trận đấu giữa Việt nam – đội bóng FIFA xếp hạng 112 – với Iraq – đội bóng hạng 77 – dù có thua hay thắng cũng sẽ kéo người Việt nam lại gần với nhau và khuấy động hồi ức về một lý tưởng cộng sản vốn dường như ngày càng trở nên sáo rỗng.
Sự đoàn kết có thể thấy rõ ở cơn “ bão” sau trận đấu kết thúc khi hàng ngàn người đổ ra đường. Kẹt xe, còi bấm inh ỏi nhưng ai cũng tươi cười mà không la hét, chửi bới nhau. Cảnh sát giao thông cũng làm ngơ cho những xe vi phạm giao thông. Ngay cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài diễn văn chào mừng U23 chiến thắng trở về còn khen ngợi “Điều đặc biệt, đông như vậy, hàng vạn người như vậy, nhưng người dân Việt Nam ý thức cao, không cãi vã ồn ào, mà đi theo nề nếp, trật tự an toàn giao thông.”
Niềm tự hào dân tộc dâng cao khi chưa bao giờ mà ngóc ngách mọi phố phường đều đỏ rực mà không cần tổ trưởng dân phố đi đến tận nhà để nhắc nhở đến như thế. Người ta cầm cờ, vẽ cờ lên mặt, mặc áo đỏ sao vàng chỉ để thể hiện sự ủng hộ cho U23 Việt nam. Mạng xã hội cũng tràn ngập các hình ảnh cờ đỏ sao vàng và biết bao người treo trên trang trạng thái rằng họ tự hào với U23 và rằng “ Việt nam vô địch”.
Ngày thứ bảy 27/01/2018 U23 một lần nữa lại làm cho người hâm mộ rung động dù đã thua trong trận chung kết vì đã cháy hết mình cho trận đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Có người khóc vì thua cuộc nhưng cũng rất nhiều người vui vì các em đã tiến được một chặng đường dài trên đấu trường thể thao châu Á, hứa hẹn một tương lại sáng cho bóng đá nước nhà.
Sự hâm hộ có thể chứng kiến ở hình ảnh người hâm mộ tràn ra đón “ các chiến binh sân cỏ” khiến cho xe bus chở các em trong đội U23 phải mất 4 giờ đồng hồ mới đi hết quãng đường từ sân bay về trung tâm thành phố Hà nội. Chưa bao giờ mà người ta ăn mừng lớn và một cách tự nguyện đến như vậy.
Ông Phúc nhìn nhận rằng phong cách thi đấu tự tin, tính kỷ luật, đoàn kết, quả cảm và đặc biệt giải thưởng Fairplay thể hiện rõ nét đẹp văn hóa Việt Nam là khiêm tốn, giản dị, thân thiện.
Nhân danh lòng tự hào dân tộc
Tự nhận khiêm tốn, giản dị thân thiện có lẽ phải xẩu hổ khi thấy những gì mà cổ động viên Việt nam dành cho đội tuyển trên Facebook của những người trót làm cho giấc mơ bóng đá của người Việt nam không trọn vẹn.
Tình yêu và lòng tự hào dân tộc lên tới mức ngày thứ ba 23/1/2018 khi cho rằng trọng tài Singapore không công bằng với U23 Việt nam khi cho Quatar hưởng quả phạt đền, những cổ động viên trên Facebook đã rần rần truy ra cho bằng được trang Facebook cá nhân của ông Muhammad Taqi . Họ nhân danh “lòng yêu nước’” và tinh thần Fairplay để đồng lòng viết những bình luận thô tục. Họ không chỉ viết tiếng Việt mà còn viết cả tiếng Anh và rất đỗi tự hào vì đã làm được điều đó.
Lòng tự hào dân tộc bị lợi dụng khi những người trẻ tuổi lại tấn công Facebook của cầu thủ Uzbekistan – người đã ghi bàn làm cho giấc mơ “đặt cả châu Á dưới chân mình” của Việt nam tan thành mây khói. Một cuộc bạo hành ngôn từ tập thể lại diễn ra. Không dừng lại ở đó, môt tập thể thanh niên còn tự hào phát tán hình ảnh của họ giơ những tờ giấy A4 in lời mạ lỵ cầu thủ mang áo số 11 của đối phương trên mạng xã hội.
Không ai có thể ăn mừng mãi mà no được, niềm vui chiến thắng ngất ngây nhất thời rồi cũng tan đi như bọt xà phòng để rồi ai cũng phải quay trở về với cuộc sống thường nhật như thủ môn Bùi Tiến Dũng hay bất cứ em cầu thủ nào cũng sẽ “về nhà nghỉ ngơi và giúp bố mẹ”. Người lớn cũng lại bị cuốn vào cơn lốc cơm áo gạo tiền như ông Phúc đã chỉ đạo : “Không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế mà phải tiến bước mọi mặt của đất nước nhân dịp đội U23 của chúng ta thành công tại giải vô địch U23 châu Á lần này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, toàn dân ta đoàn kết xây dựng, phát triển đất nước ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Một khi qua cơn mê
Vâng cơn mê bóng đá đã qua đi, giờ người dân lại đối mặt với nợ công kịch trần, người ta lại nhớ nếu không nhờ có Samsung thì sản lượng nhập khẩu của Việt nam sẽ giảm đi 20%, người ta lại nhớ tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng bình đã bắt tay làm cáp treo vào tận Sơn Đoong để tận thu ngân sách, làm giàu cho những đại gia bất động sản và quan chức đồng thời góp phần bức tử một di sản thiên nhiên.
Dân giàu theo ý Thủ tướng kiến tạo sẽ đi lên theo hướng nào khi dầu thô đã múc lên bán gần hết, than và quặng mỏ đã xúc lên xuất khẩu thô gần cạn kiệt? Nước mạnh ra sao khi hầu hết các yếu điểm địa lý quan trọng của đất nước từ Bắc chí Nam đều hiện diện hàng vạn công nhân và các nhà máy Trung quốc? Đất nước dân chủ đến đâu khi những tiếng nói trái chiều bị dập tắt, tự do ngôn luận bị kiểm duyệt, ai ước đa nguyên đa đảng hay tam quyền phân lập sẽ là kẻ tội đồ dân tộc?
Công bằng ở đâu khi các dân oan lăn lóc ở khắp nơi? Có công bằng không khi chính phủ cho giải ngân hàng ngàn tỷ đồng xây tượng đài và các toà nhà hành chính và trẻ em vùng cao co ro trong những lớp học nhếch nhác; 60% dân chúng vẫn phải sống ở mức chưa được 4 triệu đồng một tháng trong khi quan chức với đồng lương khiêm tốn lại có nhà xe trị giá hàng bao nhiều tỷ đồng? Văn minh ở đâu khi nói phê phán những bất cập trong xã hội lại bị quy là nói xấu. Những lời bình luận thô tục, thiếu giáo dục trưng cho cả thế giới biết sự văn minh của người Việt trên Facebook của người nước ngoài lại được tặc lưỡi cho qua nhân danh lòng tự hào dân tộc ngu muội?
“Trong thành tựu to lớn hôm nay, chúng ta vẫn có chút niềm tiếc nuối. Nhưng chúng ta hãy coi đó là động lực cho nỗ lực sáng tạo để từ thềm cao châu lục hôm nay vươn lên tầm cao World Cup ngày mai và chúng ta tin tưởng, chúng ta sẽ làm được điều mong mỏi này đối với nhân dân chúng ta.” Ông Phúc chỉ mong sẽ có World Cup mà ông quên rằng muốn có được thành tích đó, phải có tiền để huấn luyện cầu thủ từ nhỏ, thuê thầy ngoại, cho đi nước ngoài tập huấn và cọ xát. Muốn có tiền đầu tư vào đó phải xuất phát từ kinh tế mạnh.
Tài nguyên thiên nhiên hết, rừng cạn, biển chết, không khí ô nhiễm, người dân nghèo chạy tiền để ra nước ngoài làm nô lệ. Kinh tế Việt nam rồi sẽ không còn lợi thế nơi sản xuất hàng hoá giá rẻ, thì lúc đó sẽ ra sao khi mà Việt nam không hề có bản lĩnh sáng tạo và điều hành kinh tế một cách hiệu quả?
Leave a Comment