Quảng Cáo

Vấn đề chống tham nhũng hiện nay (toàn bài)

Phạm Trọng Đạt

Quảng Cáo

Nguyễn Vũ Bình – Blog RFA

Trong thời gian gần một năm trở lại đây, vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành đề tài được cả nước quan tâm. Một loạt lãnh đạo các ngân hàng bị bắt và đưa ra xét xử. Các quan chức cũng nhiều người bị bắt và bị kết án.

Đỉnh điểm của cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam là việc bắt giam và xét xử ông Đinh La Thăng, người từng có chức vụ cao nhất là ủy viên bộ chính trị. Điều này mới nhìn qua thì có thể nghĩ việc chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam là quyết liệt, mạnh mẽ và không có vùng cấm nào. Tất nhiên, dàn đồng ca của báo chí chính thống không bỏ lỡ cơ hội tung hô sự thành công của công cuộc chống tham nhũng, sự nghiêm minh của pháp luật và chế độ. Đối với một luồng ý kiến khác, cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra đơn thuần chỉ là sự thanh trừng phe phái của những người có quyền lực nhất trong chế độ. Trong phạm vi nào đó, luồng ý kiến này có thể hợp lý, nhưng xét bối cảnh chung, vấn đề không hoàn toàn như vậy.

I/ Thực trạng và nguyên nhân tham nhũng ở Việt Nam

Có thể khái quát, ở Việt Nam, tham nhũng là phương thức tự tồn tại của tất cả những người có điều kiện tham nhũng do mức lương khốn khổ cộng với tình trạng mua quan, bán tước nở rộ hiện nay. Như vậy, bất cứ ở đâu, bất cứ ngành nghề nào, cấp nào, lĩnh vực nào và hoàn cảnh nào cũng đều có tham nhũng. Khi đã nói tham nhũng là phương thức tự tồn tại có nghĩa là nếu ai ở vị trí có điều kiện mà không tham nhũng, thì người đó tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, hay ra khỏi công việc, vị trí đang đảm nhiệm. Vấn đề này, bất cứ ai có lương tâm, và một chút hiểu biết đều phải công nhận như vậy.

Về mức độ của tham nhũng, tức là tỷ lệ phần trăm số tiền bị tham nhũng, thất thoát trong các dự án, tùy ngành nghề và lĩnh vực, nhưng tỷ lệ thông thường là từ 70-75% giá trị dự án. Số tiền thực chi trong các dự án chỉ là 25-30%. Tính chất nghiêm trọng của tham nhũng còn thể hiện ở những lĩnh vực nhân đạo của con người, đó là ngành y, nghề thầy thuốc. Chúng ta hình dung người bệnh nhân cần đút lót cho y, bác sĩ để họ tiêm không bị đau thì không còn một từ ngữ nào để diễn tả thảm trạng tham nhũng của đất nước. Guồng quay tham nhũng diễn ra mọi nơi, mọi lúc trong toàn xã hội.

Nguyên nhân của tham nhũng ở Việt Nam. Tham nhũng ở Việt Nam hầu như ai cũng hiểu, đó chính là do cơ chế, thể chế chính trị độc tài toàn trị cộng sản gây ra, và đó chính là bản chất của chế độ. Tuy nhiên, chúng ta cần phân tích đầy đủ để hiểu được thể chế chính trị đã gây ra tình trạng tham nhũng như thế nào, từ đó mới có thể nhận định được kết quả của công cuộc chống tham nhũng hiện nay.

Động cơ tham nhũng: Khác với các quốc gia dân chủ, nơi động cơ của chủ thể tham nhũng thường là lòng tham bất chợt nổi lên,hay một tình huống đột xuất về tài chính dẫn dắt tới hành vi tham nhũng. Ở Việt Nam, động cơ tham nhũng tiềm ẩn ở tất cả các cán bộ, công nhân viên chức, quan chức trong toàn hệ thống. Có hai lý do cho việc này. Thứ nhất, mức lương, thu nhập của cán bộ, công nhân viên chức, quan chức không đủ sống theo nhu cầu bình thường của họ. Do cấu trúc của chế độ độc tài toàn trị cộng sản, có hai hệ thống đảng và nhà nước song hành cùng với các hội, đoàn nhằm kiểm soát dân chúng mà số lượng người hưởng lương, phụ cấp của ngân sách là con số khổng lồ, ít nhất 15-20 triệu người. Với số lượng lớn như vậy, lương và thu nhập của các thành viên trong hệ thống không đủ sống là điều đương nhiên. Thứ hai, việc mua suất biên chế, mua quan, bán tước là phổ biến và được coi như một khoản đầu tư. Do đó, khi có vị trí, tất cả đều phải tìm cách tham nhũng để thu hồi số tiền đã bỏ ra cho việc chạy biên chế, chạy chức, chạy quyền. Đây vừa là động cơ tham nhũng vừa là hậu quả của một loại hình tham nhũng, đó là tham nhũng quyền lực.

Như vậy, đối với tất cả các thành viên trong hệ thống của bộ máy đảng và nhà nước, động cơ tham nhũng là tiềm ẩn, sẵn sàng khi có bất cứ cơ hội nào để duy trì cuộc sống và trang trải những khoản đầu tư cho vị thế, công việc của mình cũng như có một cuộc sống sung sướng, hưởng thụ…

Môi trường và nguồn gốc tham nhũng: Tuy có sẵn động cơ tham nhũng, nhưng trong môi trường có sự trung thực, công khai, minh bạch cùng với hệ thống tam quyền phân lập, đối trọng quyền lực và các định chế ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng nếu có xảy ra tham nhũng thì đó cũng là những sự việc đơn lẻ, số ít. Ở Việt Nam nói riêng và các chế độ cộng sản nói chung không có được môi trường như vậy.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân về cơ chế, đó là có một tổ chức, một lực lượng và một hệ thống đứng ngoài và đứng trên pháp luật mà không phải chịu bất kỳ một sự giám sát, kiểm soát và đối trọng quyền lực nào.

Tổ chức và lực lượng đó chính là đảng cộng sản.

Việc đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nhà nước và nhân dân mà không có một đối trọng quyền lực nào, không chịu sự giám sát và không phải chịu một trách nhiệm nào chính là cội nguồn của tội ác và tham nhũng.

Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn tới tha hóa tuyệt đối, biểu hiện của tha hóa đó chính là trục lợi từ quyền lực, chính là tham nhũng. Chúng ta hình dung, với động cơ tham nhũng tiềm ẩn trong tất cả mọi cá nhân, thành viên của hệ thống chỉ chờ cơ hội và điều kiện để tham nhũng trong một môi trường có một tổ chức chi phối, quyết định cả lập pháp, hành pháp và tư pháp thì bản chất của chế độ chính là một chế độ tham nhũng nhũng. Và đương nhiên, xuất phát điểm và bao trùm lên tất cả, đó là tham nhũng quyền lực, tức là kiếm lợi từ việc sắp xếp các vị trí và vận hành của bộ máy.

II/ Chủ thể và mục tiêu của công cuộc chống tham nhũng

Hậu quả của hệ thống độc tài toàn trị, và hậu quả trực tiếp của quốc nạn tham nhũng là sự cạn kiệt nguồn lực và sự phá sản hoàn toàn của nền kinh tế. Với mức nợ tổng thể gấp 3 lần GDP tương đương hơn 600 tỷ đô la, sự thua lỗ của tất cả các tập đoàn kinh tế nhà nước chính là biểu hiện của sự phá sản nền kinh tế.

Ở đây chúng ta cần hiểu một vấn đề quan trọng. Một thực thể là nền kinh tế của một nước, sự phá sản không chỉ là việc giải thể hoặc ngừng lại của các ngành sản xuất, mà sự phá sản còn thể hiện ở hiệu quả của nền kinh tế, với những số nợ ngày càng tăng và hoàn toàn không có khả năng trả được nợ. Mới chỉ cách đây ba năm, số nợ của nền kinh tế chỉ ước tính gấp đôi GDP, nhưng nay số nợ đã tương đương với con số nêu trên, tức là gấp ba lần GDP.

Một hậu quả nặng nề của quốc nạn tham nhũng là việc hủy diệt nền kinh tế bởi vì chi phí cho các công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh quá cao. Một trong các ví dụ là các sản phẩm nông nghiệp giá trị thấp, nhưng khi cộng giá cước vận tải, bao gồm cả thuế phí và tiền mãi lộ, đã đẩy giá lên rất cao khi đến tay người tiêu dùng. Điều này dẫn tới tình trạng giá nông phẩm tại nơi sản xuất đã bị ép xuống mức cùng cực, người nông dân hầu như không còn lãi, thậm chí công lao động cũng vô cùng rẻ mạt. Trong khi người tiêu dùng lại phải mua nông sản với giá rất cao. Như vậy, tham nhũng vừa làm cạn kiệt nguồn lực, lại vừa hủy diệt nền kinh tế.

Đứng trước quốc nạn tham nhũng, đảng cộng sản cũng đã hiểu ra vấn đề, nếu để kéo dài tình trạng tham nhũng thì chế độ sẽ sụp đổ. Bởi vì ngoài việc cạn kiệt nguồn lực và sự tan hoang của nền kinh tế thì sự bất mãn của người dân với vấn nạn tham nhũng cũng là một yếu tố cần được tính đến. Chính vì vậy, mặc dù không muốn, nhưng đảng cộng sản vẫn phải thực hiện công cuộc chống tham nhũng một cách quyết liệt (tất nhiên là theo cách nghĩ về “quyết liệt” của đảng).

Quan điểm cho rằng, công cuộc chống tham nhũng hiện nay đơn thuần chỉ là thanh trừng phe phái trong đảng không hoàn toàn đúng, mặc dù có lý. Đây là chủ trương lớn của đảng, nhận được sự đồng thuận của phần lớn đảng viên, bởi vì về khía cạnh lo-gic và hình thức, không ai không nhận ra nguy cơ của quốc nạn tham nhũng, và cũng không ai không đồng ý với chủ trương tốt đẹp như vậy của đảng.

Vấn đề bên trong, theo truyền thống, khi đảng cộng sản cảm thấy bị đặt vào tình thế hiểm nghèo (ở đây là sự tồn vong của chế độ do tham nhũng) thì chính nó sẽ xử lý ngay trong nội bộ để duy trì sự tồn tại của chế độ và quyền lực tuyệt đối của mình. Điều này lý giải cho việc, ai cũng thấy rằng, chống tham nhũng là “ta đánh ta” nhưng sự việc vẫn xảy ra thực sự.

Còn vấn đề thanh trừng phe phái cũng rất dễ hiểu. Mặc dù công cuộc chống tham nhũng được phát động bởi toàn đảng, nhưng người và phe nhóm có quyền lực nhất đương nhiên phải nhắm vào những đối thủ của mình. Công cuộc chống tham nhũng vì thế cũng đồng thời là việc triệt hạ đối thủ, nâng cao uy tín và vị thế của mình, và trục lợi trong chính quá trình này. Đây là lý do khiến nhiều người đánh đồng cuộc chiến chống tham nhũng với việc thanh trừng phe phái trong nội bộ đảng cộng sản…

Đối với vấn đề tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, để giải quyết được triệt để cần phải giải quyết cái gốc của vấn đề, tức là tiêu diệt động cơ và cơ chế gây ra tham nhũng. Như đã nói ở trên, động cơ của tham nhũng tiềm ẩn trong tất cả mọi cá nhân, thành viên của hệ thống do mức lương quá thấp vì số lượng người quá lớn bám vào ngân sách. Việc thu hẹp phạm vi và giảm bớt số người của hệ thống là yêu cầu tiên quyết. Điều này đồng nghĩa với việc thay đổi cấu trúc của hệ thống độc tài đảng trị hiện nay. Tương tự như vậy, cần phải xóa bỏ tình trạng một tổ chức, hệ thống, lực lượng đứng trên và đứng ngoài pháp luật nhưng chi phối toàn diện và triệt để đời sống của người dân. Cần đặt đảng cộng sản bên dưới và bên trong nhà nước. Pháp luật, hiến pháp cần được thượng tôn. Và để làm được điều này không có gì đơn giản hơn là cho các tổ chức, đảng phái chính trị xuất hiện và tồn tại làm đối trọng và đối lập với đảng cộng sản.

Nói một cách đơn giản và ngắn gọn, dân chủ hóa đất nước chính là điều kiện và yêu cầu số một trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng. Đó là giải pháp độc nhất vô nhị nếu thực sự mong muốn chống tham nhũng hiệu quả. Và quan trọng hơn cả, không còn một giải pháp nào có thể thay thế được giải pháp dân chủ hóa đất nước.

Về công cuộc chống tham nhũng hiện nay của đảng cộng sản. Như đã phân tích ở trên, không phải giải pháp dân chủ hóa đất nước cũng đồng nghĩa với không giải quyết được gốc rễ, cội nguồn của tham nhũng. Như vậy, tất cả các giải pháp hiện nay của đảng cộng sản thực sự chỉ là “phủi bụi” cho tham nhũng, chỉ là ví dụ để người dân thấy, đảng cộng sản có quyết tâm giải quyết vấn nạn tham nhũng mà thôi. Chính vì cảm nhận được công cuộc chống tham nhũng của đảng cộng sản không thực sự giải quyết được vấn đề nên bản thân hệ thống cũng không tham gia một cách tích cực, nhiêt tình. Mặt khác, tất cả đều tham nhũng, đều nhúng chàm thì thực hiện việc chống tham nhũng bằng cách nào? Để diễn giải sự thiếu hiệu quả, sự bất lực của công cuộc chống tham nhũng hiện nay, chúng ta đối chiếu với yêu cầu, điều kiện thông thường của một cuộc chiến chống tham nhũng đã nêu ở phần trên.

+ Một cơ quan quyền lực, độc lập với tất cả các cơ quan khác trong hệ thống. Đây là điều không tưởng trong cơ chế độc tài toàn trị. Với cơ chế này, nếu không phải là đảng viên thì không bao giờ được giao trọng trách. Nhưng khi được giao trọng trách lại phải bảo đảm tuân thủ và chịu sự chi phối của đảng cộng sản. Ở đây chúng ta đụng ngay phải nguyên nhân cốt lõi của tham nhũng, một cơ quan có quyền lực tuyệt đối, đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Như vậy, điều kiện đầu tiên không được bảo đảm, thất bại được báo trước.

+ Những người trong cơ quan chống tham nhũng, thực thi việc chống tham nhũng phải là những người trong sạch, gương mẫu. Có lẽ, nếu được đọc những dòng này, bản thân những người đang chống tham nhũng ở Việt Nam cũng phải phì cười. Họ cười cũng là hợp lý, bởi vì với cơ chế này, thể chế này mấy chục năm nay bất cứ ai có điều kiện và cơ hội đều tham nhũng hết, và nó đã trở thành guồng máy vận hành trơn tru mọi nơi, mọi lúc. Điều kiện thứ hai như vậy cũng là ảo tưởng, vô vọng.

+ Vấn đề huy động người dân tham gia và việc bảo vệ nguồn tin, nhân chứng. Trước hết người dân Việt Nam, những người hàng ngày, hàng giờ chịu sự cai trị của đảng cộng sản đều hiểu rõ bản chất chế độ. Cứ cho là một số chưa hiểu bản chất chế độ hiện nay muốn đươc tham gia vào công cuộc chống tham nhũng thì đó cũng là việc bất khả thi. Trong chống tham nhũng, tự do ngôn luận, tự do báo chí có tầm quan trọng rất lớn, nhưng ở Việt Nam hiện nay, đó là các quyền đang phải đấu tranh để có được. Trong thực tế, bởi vì không có cơ quan quyền lực độc lập chống tham nhũng thì không thể bảo vệ được nguồn tin và nhân chứng. Bởi vậy, những người có tâm, có nhiệt huyết đứng lên chống tham nhũng, góp phần chống tham nhũng đều chịu hậu quả khốc liệt từ đòn thù của các cơ quan, quan chức tham nhũng. Đây là hiện tượng phổ biến hiện nay, và điều này đã gần như hủy hoại hoàn toàn mong muốn người dân tham gia vào công cuộc chống tham nhũng của đảng cộng sản.

Tóm lại, công cuộc chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam không đi vào thực chất, không giải quyết gốc rễ, cội nguồn của quốc nạn tham nhũng đã được biết trước về mặt kết cục. Khi tất cả đều cảm nhận được sự bất lực trong việc chống tham nhũng thì công cuộc này cuối cùng chỉ còn lại tác dụng của việc thanh trừng phe phái trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam. Thanh trừng phe phái, tranh giành quyền lực, lợi ích trong giai đoạn cạn kiệt nguồn lực, dồn nén xã hội hiện nay là một trong những yếu tố đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ của chế độ độc tài toàn trị cộng sản./.

Hà Nội, ngày 28/01/2018

N.V.B

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux