Kiều Phong – Việt Nam Thời Báo |
Vào thời buổi mà số lượng hiện tượng, kéo theo là số lượng thông tin đang tăng lên theo cấp số nhân thì đòi hỏi số lượng phóng viên của một toà soạn báo độc lập cũng phải tăng lên, ít nhất là theo cấp số cộng.
Thiếu kinh phí
Một tổ chức ở Pháp có phân ban báo chí, họ cử một người về Việt Nam ăn chầu nằm chực tại nước ta suốt 4 tháng trời chỉ để viết một bài báo có chất lượng. Chi phí nuôi người phóng viên này trong suốt 4 tháng đó đủ để nuôi cả một toà soạn báo độc lập của Việt Nam trong thời gian tròn một tháng.
Ví dụ trên cho thấy rằng, khi đã hành nghề báo chí ở trình độ chuyên nghiệp thì chi phí làm tin cũng phải tương xứng. Mỗi một người dân bình thường viết một đoạn bình phẩm, thể hiện quan điểm cá nhân của người đó thôi thì cũng có thể coi là một mẩu tin mang chút hơi hướng báo chí. Nhưng để có được một bài bình luận súc tích và khách quan thì phải đầu tư rất nhiều thời gian và công của.
Chẳng hạn, một người theo dõi tình hình nền y tế Việt Nam suốt 1 năm, chỉ viết một bài duy nhất trong cả năm đó thì vẫn được tính là phóng viên của báo Nhân Dân. Cụ thể hơn, báo Nhân Dân bao cấp chi phí để cho người đó trong một năm chỉ để viết cho được 1 bài báo họ đặt hàng, và anh này được tính vào biên chế của toà soạn báo này. Đương nhiên, do được thai nghén trong một thời gian dài như vậy, chất lượng bài báo kia hẳn phải rất cao, rất công phu, bao quát được tình hình cả một lĩnh vực rộng lớn.
Tiền đâu mà toà soạn như báo Nhân Dân chi mạnh tay đến như vậy? Xin thưa tiền đó lấy từ ngân sách, từ tiền mồ hôi đóng thuế của dân.
Trong chế độ một đảng không có đối trọng như Việt Nam hiện nay, nhóm nhỏ lãnh đạo đảng muốn lấy bao nhiêu tiền thuế của dân để chi riêng cho tờ báo thể hiện tiếng nói của họ cũng được. Thử đặt câu hỏi nữa: các toà soạn báo độc lập có làm được như thế không, có đủ tài chính để phân công cho một phóng viên “quan sát hiện trường” lâu ngày để có được chỉ một bài báo công phu hay không? Hẳn là không, chưa có một toà soạn độc lập trong nước nào giàu như vậy. Tài chính của các toà soạn độc lập không phải bắt cái vòi vào ngân khố ra để xài như báo Nhân Dân. Dù có được thân hữu tài trợ thì cũng không đủ kinh phí để bảo đảm có bài bình luận chuyên sâu, bài bao quát trong từng lĩnh vực.
Thiếu nhân lực
Hiện tại, tất cả các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đều thiếu người viết tin, bài. Các toà soạn báo độc lập cũng vậy, thiếu nhân lực là tình trạng phổ biến. Khi bỗng dưng một hiện tượng xảy ra trong xã hội thì trong tổng số phóng viên sẵn có của một toà soạn độc lập, chỉ một tỉ lệ nhỏ số phóng viên là có chuyên môn (hoặc hiểu biết tương đương) để viết bài phân tích hiện tượng đó. Và trong số những phóng viên có chuyên môn trong lĩnh vực trùng với hiện tượng thuộc về, không phải ai cũng có thời gian rảnh rỗi hoặc hứng thú đúng vào lúc hiện tượng xảy ra. Mà, yêu cầu của độc giả thì phải có bài ngay để họ đọc khi tin còn đang sốt dẻo. Chính vì vậy, có người ví “sự sống” của một nhà báo chỉ vẻn vẹn có… 24h. Toà soạn phải sở hữu được người phóng viên nhanh nhất để bài báo của họ sẽ được nhiều người đọc sớm nhất.
Vào thời buổi mà số lượng hiện tượng, kéo theo là số lượng thông tin đang tăng lên theo cấp số nhân thì đòi hỏi số lượng phóng viên của một toà soạn báo độc lập cũng phải tăng lên, ít nhất là theo cấp số cộng.
Về giải pháp, liệu vấn đề thứ hai liệu có thể quy về vấn đề thứ nhất được hay không? Nghĩa là, liệu cứ có tài chính dồi dào thì ta sẽ có được nhân lực dồi dào chăng? Không hề đơn giản như vậy. Hội đồng của một toà soạn có thể xoay sở được một số tiền trong một thời gian ngắn, nhưng không phải lúc nào cũng sắp xếp được một phóng viên có trình độ cơ bản và dám đi đến hiện trường để đưa tin, vì như thế rủi ro cho an nguy của người phóng viên.
Bởi vậy, người ta chen chúc và chạy chọt vào làm cho báo nhà nước, báo quốc doanh thì nhiều, nhưng chẳng có mấy gia đình khuyến khích con em mình làm một phóng viên báo độc lập, báo lề dân. Kể cả phóng viên viết bài này cũng không nằm trong ngoại lệ.
Leave a Comment