Quảng Cáo

Vụ án Đinh La Thăng và “khí tiết cộng sản”

Ông Đinh La Thăng (trái) và ông Trịnh Xuân Thanh trước tòa, tháng Giêng, 2018.

Quảng Cáo

Lê Trọng Hiệp – Tác giả gửi tới Dân Luận

n tượng bao trùm và xuyên suốt trong vụ án Đinh La Thăng và đàn em hay đồng phạm chính là sự hèn hạ của những bị cáo. Việc này khiến chúng ta nghĩ đến “khí tiết cộng sản”.

Đó là những đảng viên gộc, thuộc “thành phần cơ bản” hay “nhân thân cực kỳ tốt”, vạn nhất, nếu đường đời xuôi lọt, họ có thể nắm những trọng trách mang tầm cỡ quốc gia.

Trước tòa do chính đồng chí của mình họ đã hèn như vậy, khi đối mặt với kẻ thù bên ngoài, họ sẽ hèn đến bao nhiêu?

“Khí tiết cộng sản” đã mạt hạng đến mức không thể mạt hơn!

Trong bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” ký ngày 23-10-1964, Tố Hữu đã vẽ ra cái “khí tiết” ấy trong giây phút cuối cùng của Nguyễn Văn Trỗi:

Chúng trói Anh vào cọc mấy vòng dây.
Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt
Anh thét lên: “Chính Mỹ kia là giặc!”

Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn
Với cái chết. Anh muốn nhìn giáp mặt
Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!

Chúng run lên, xông trói chặt Anh hơn
Đôi mắt Anh đã khô cháy căm hờn:
Phải chiến đấu như một người cộng sản
Trái tim lớn không sợ gì súng đạn!

Thật nực cười, mấy câu thơ này đã biến đặc công Nguyễn Văn Trỗi thành một người hùng lố bịch!

Đã bị trói vào cọc “mấy vòng dây” rồi mà Nguyễn Văn Trỗi có thể vung tay “giật phắt mảnh băng đen”, nghe ra cũng “thần thoại” như việc Trịnh Xuân Thanh vượt biên từ Đức về nước đầu thú để làm cái đòn bẩy đánh bật thầy của mình là Đinh La Thăng.

Thăng đã lãnh án 13 năm tù còn Thanh thì nhận án chung thân trong phiên xử sáng 22.1.2018 tại Tòa án ND Hà Nội. Án tù rồi sẽ qua mà qua “đợt” tấn công chính trị này, chắc chắn cả hai Thăng sẽ được đặc xá trước thời hạn nhưng cái vẫn còn lại là “khí tiết” mà hai đảng viên cộng sản gộc này — một từng là ủy viên bộ chính trị, một từng là tỉnh ủy viên – đã thể hiện trước tòa.

Hãy lật lại những trang sử để tìm những ví dụ tương tự.

Khí tiết “ăn mày”

Những lời nói sau cùng của cả hai thầy trò Thăng – Thanh gợi nhắc đến lời xin xỏ của Sở Thành Vương, ông vua thứ 23 của nước Sở từ năm 671 đến 626 BC.

Đó là kẻ mà trên đời này không thứ gì không dám làm: y giết anh để giành ngôi, y bắt cóc hai cháu ruột gọi mình bằng cậu về làm nô lệ tình dục v.v… Tên hôn quân này đã gây ra nghiệp và cuối cùng thì ta bị chính con trai mình cướp ngôi, ra lệnh phải tự treo cổ chết.

Trong tình cảnh ấy Sở Thành Vương bình thản xin con trai cho sống nán thêm vài phút để thưởng thức món chân gấu đang hầm trong bếp. Bị con từ chối, không cho thỏa mãn nguyện vọng ăn ngon cuối đời nên ông vua này giận lắm, sau khi đã chết rồi mà vẫn mở mắt “trừng trừng”.

Có vẻ như hai thầy trò Thăng – Thanh cũng đang trừng trừng khăn lê thân vào tù: họ đã tự hạ mình xuống đến mức không thể hèn thêm, thế mà vẫn không được chiếu cố.

Khi nói lời sau cùng tại tòa, Thăng tha thiết nguyện vọng “muốn được về nhà ăn cái tết cuối cùng với gia đình trước khi chấp hành án”. Trịnh Xuân Thanh thì kể lể gia cảnh: vợ cùng 3 người con nhỏ đang sinh sống tại Đức, vợ không biết tiếng Đức nên rất vất nên có nguyện vọng được sang Đức để gần gũi và chăm sóc vợ con.

Nghĩa là cả hai đã dùng chiêu khêu gợi lòng trắc ẩn và thương hại, điều mà khoa biện luận gọi là ngụy biện ad misericordiam. Vậy mà Tổng bí thư vẫn trơ trơ như đá, như đồng.

Sở Thành Vương xin nán thêm vài phút để ăn chân gấu hầm nhưng không được. Thăng xin ăn Tết trước khi vào tù, Thanh xin được sang Đức chăm sóc vợ con.

Đó là khí tiết của bọn ăn xin, ăn mày!

Xin và thà

Thăng và Thanh cùng tận dụng cơ hội phát biểu tại tòa án để lạy lục cá nhân Nguyễn Phú Trọng, cầu xin Tổng bí thư nương tay.

Trong phiên xử ngày 13.1.2018 Thăng “nghẹn ngào” cho biết đã “cảm nhận được sự nhân văn sâu sắc của tổng bí thư” qua tuyên bố “xử lý cán bộ không phải dập cho người ta không ngóc lên được” trước khi kể lể gia cảnh: “Việc xử lý để tạo cơ hội cho cán bộ sửa chữa. Bản thân gia đình bị cáo, bố mắc bệnh hiểm nghèo, có 2 con gái, 1 cháu phát triển không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố mẹ. Khả năng, khi bố bị cáo mất, bị cáo khó có điều kiện gặp bố, cũng như chăm sóc gia đình và chăm sóc con gái. Nếu bị xử 2 vụ, bị cáo không biết có còn sống không để ra tù. Bị cáo chỉ mong muốn HĐXX xem xét để tạo điều kiện cho bị cáo chấp hành hình phạt. Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh. Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù.”

Bốn ngày sau khi Thăng “cảm nhận” Nguyễn Phú Trọng thì đến lượt Thanh ngọt xớt “cháu-bác” để “xin lỗi” ông tổng bí thư trước khi òa khóc:

“Bị cáo muốn xin lỗi các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bị cáo xin lỗi nhân dân trong cả nước. Những ngày ở trong trại, bị cáo có lúc 5 ngày không ngủ được, đang từ 70 kg xuống còn 59 kg. Nhân đây bị cáo muốn tỏ lòng rất ân hận những việc mình đã gây ra, đến giờ bị cáo không còn cơ hội chăm sóc bố mẹ nữa.… Cháu muốn gửi lời xin lỗi đến bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mong bác tha lỗi cho cháu, coi cháu như người con, người cháu trong gia đình”.

Thăng từng là ủy viên bộ chính trị, nghĩa là một đảng viên cộng sản với những phẩm chất tối ưu theo tiêu chí cộng sản. Tởm thay cho cái “phẩm chất cộng sản” khi ông cựu ủy viên này ta viện cớ cha mẹ già cần chăm sóc để xin làm “ma tự do” thay vì “ma tù”!

Lời cầu xin “làm ma” hèn hạ của Thăng làm chúng ta nhớ đến phong cách anh hùng “thà làm quỷ” của Trần Bình Trọng.

Trần Bình Trọng là danh tướng nhà Trần, đã bị quân Nguyên bắt sống vào năm 1285 khi chốt giữ Thiên Mạc để bảo vệ cuộc triệt thoái của đại quân,

Sau mấy trận đánh mở màn thất bại, tổng chỉ huy Trần Hưng Đạo lui bình về Thiên Trường (Nam Định), giao Trần Bình Trọng nhiệm vụ ngăn chặn và cầm chân đối phương, bảo đảm cho đại quân và đầu não cuộc kháng chiến rút lui an toàn, không để lại dấu vết.

Do chênh lệch quá lớn về quân số, Trần Bình Trọng bị thua, bị bắt nhưng đã hoàn tất nhiệm vụ được giao: quân Nguyên hoàn toàn mất dấu, không thể lần ra tung tích của đại quân.

Chính vì vậy quân Nguyên tìm mọi cách để moi móc thông tin, từ dọa nạt đến thuyết phục, dụ dỗ. Khi quân Nguyên mang danh vọng ra mồi chài, hứa hẹn sẽ phong vương đất bắc không, Trần Bình Trọng dứt khoát đáp trả: “ Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi.”

Không khuất phục được Trần Bình Trọng, quân Nguyên đã hành hình ông, lúc đó Trần Bình Trọng mới có 26 tuổi.

Đinh La Thăng sinh năm 1960, và khi “lôi thôi” trình bày trước tòa về ước nguyện “ma tự do”, số tuổi của ông ta cao hơn gấp hai lần số tuổi của Trần Bình Trọng!

Xin làm vương đất Bắc

Nếu Trần Bình Trọng dứt khoát đáp trả: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” thì trong lịch sử có ai lôi tôi năn nỉ, cầu cạnh phương Bắc: “XIN làm vương đất Bắc chứ không cam lòng làm quỷ nước Nam” hay không?

Câu trả lời là có, ngay trong thời hiện đại. Đó chính là Nguyễn Văn Linh, vị tổng bí thư chịu trách nhiệm cao nhất về những trò ngu dại trong Hội nghị Thành Đô năm 1990.

Trong cuốn “Bên thắng cuộc” phần “Quyền bính”, Huy Đức đã diễn tả Nguyễn Văn Linh lăng xăng tìm cách “Cứu chủ nghĩa xã hội” như một con lật đật:

“Tháng 10-1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tới Berlin dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập Nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Theo ông Lê Đăng Doanh: Quyết định đi dự 40 năm Quốc Khánh CHDC Đức là quyết định trực tiếp của cá nhân anh Linh. Anh Linh đã bàn với Bộ Chính trị về việc phải triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội. Anh sang Berlin là để gặp các đồng chí để bàn về việc ấy và gặp Gorbachev. Trong một cuộc họp, anh Linh nhận xét: Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.

Ngày 4/10/1989, ông Linh và đoàn tùy tùng bay sang Đông Đức. Hãng hàng không Interflug của Đông Đức sắp ông Linh ngồi ghế business class, còn lại toàn bộ các thành viên của đoàn phải ngồi ghế hạng economic. Đến Đức, sự đón tiếp còn nhếch nhác hơn:

“Một lễ đón đơn giản được tổ chức tại sân bay Berlin-Schronefeld rồi sau đó đoàn về khách sạn. …. Trong suốt chuyến thăm chính thức ấy, phía CHDC Đức không thu xếp cho ông Linh một buổi gặp chính thức nào với Honecker hay một nhà lãnh đạo khác. Thế nhưng, điều đó đã không làm ông Nguyễn Văn Linh từ bỏ ý đồ đóng vai trò trung tâm cứu nguy chủ nghĩa xã hội.

[..] Trong ngày 6-10-1989, giữa Berlin rét mướt, ông Nguyễn Văn Linh đã tìm gặp các nhà lãnh đạo cộng sản đến dự lễ quốc khánh để thảo luận về một sáng kiến mà ông đưa ra: triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Ông Linh nói: “Phe ta đang diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, đòi hỏi quốc tế vô sản phải siết chặt hàng ngũ. Đảng Cộng sản Việt Nam thấy nên có một hội nghị để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tình đoàn kết”.

Đa số các đảng cộng sản làm ngơ đề nghị của ông Linh, chỉ có Tổng Bí thư Nicole Ceaucescu của Rumania là mặn mà nhất, thậm chí còn xung phong làm nước chủ nhà cho hội nghị.

Nhưng nhân vật chính là Gorbachev thì không ủng hộ, thậm chí khinh thường Nguyễn Văn Linh:

“Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê Đăng Doanh: Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một ngụm nước mới nuốt được.

Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một tòa lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: “Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh”.

Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: “Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế”. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: “Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!”. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: “Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước”.

[..] Tối 8-10-1989, từ lâu đài của Gorbachev trở về, ông Nguyễn Văn Linh không dự chiêu đãi của Honecker mà đi thẳng vào bệnh viện Chính phủ ở Berlin-Buch. Ông được điều trị tại “Station 7” – nơi dành riêng cho Bộ Chính trị của CHDC Đức – mỗi khu cho một bệnh nhân có nhiều phòng cạnh nhau cho tuỳ tùng đi theo cùng ở. Trong “Station 7” được trang bị truyền hình có thể bắt được các kênh phát đi từ Tây Đức. Thời gian đó, hàng trăm nghìn người dân Đông Đức đã đổ xuống đường phố Leipzig và Đông Berlin đòi phế truất Honecker.

Nguyễn Văn Linh tức tốc quay về và sau đó một loạt diễn biến diễn ra khiến khối Cộng sản Đông Âu tan rã. Khoản 6 tuần rưỡi sau khi tán đồng với Nguyễn Văn Linh về một hội nghị quốc tế cứu vãn phe xã hội chủ nghĩa, ngày 25-12-1989, Ceausescu và vợ bị người biểu tình đem ra xử bắn tại chỗ.

Nguyễn Văn Linh thực sự hoảng sợ: Ceausescu đã bị quần chúng cho làm “quỹ Romania” thì ông ta cũng đối mặt với nguy cơ bị hóa kiếp làm một con “quỹ nước Nam”.

Giải pháp cứu vãn phải là bám vào Trung Quốc. Theo Cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Trần Quang Cơ thì luận điểm mà Nguyễn Văn Linh dùng để thuyết phục Bộ Chính Trị nên nhượng bộ là: “Dù bành trướng thế nào, Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa”, dẫn đến thỏa thuận Thành Đô (3-4/9.1990), đẩy đất nước vào giai đoạn Bắc thuộc mới.

Kể từ Nguyễn Văn Linh trở đi, giới lãnh đạo ĐCSVN đã cam lòng làm một thứ “vương hầu” của triều đình phương Bắc để đối phó với sự giận dữ của nhân dân, bảo vệ mình khỏi bị hóa thân thành một thứ “quỷ nước Nam”!

Trong bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” nói trên, Tố Hữu hô hào Phải chiến đấu như một người cộng sản”.

Nay thì cái đảng cộng sản này đang “chiến đấu” như thế. Để tránh làm quỷ nước Nam, nó đã và đang “chiến đấu” bằng trăm phương ngàn kế để tiếp tục làm “vương” đất Bắc. Nó, chiến đấu bằng công an, quân đội, bằng truyền thông. Thậm chí nó chiến đấu cả bằng những lọ mắm tôi thối, bằng phân bắc, bằng những dội quân ô hợp mệnh danh “dư luận viên” để khủng bố và bôi nhọ những người Việt dám lập lại lời của Trần Bình Trọng.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux