Minh Hải (VNTB)
Đinh La Thăng 13 năm tù giam, Trịnh Xuân Thanh chung thân và các bị cáo còn lại trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dâù khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) nhận mức án tù từ tù treo cho đến 22 năm tù giam. Dù phiên xử sơ thẩm đã qua mấy ngày nhưng sự âm ỉ thì vẫn còn, đặc biệt là bản án dành cho ông Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng liệu có thoả đáng hay không? Đúng người đúng tội hay không?…
Còn nhiều vụ chưa cho thấy xử lý triệt để
Theo tờ VOV báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam tổng hợp sau những ngày xét xử vụ án như sau; Sáng ngày 8/01/2018, Tòa án Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 bị cáo khác trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn PVN và Tổng công ty PVC.
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng là người có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 119 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 3 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng. Ông Thanh còn chỉ đạo cấp dưới sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng. Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh còn để ra chủ trương, chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ ban điều hành dự án Vũng Áng- Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó bị cáo Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng.
Theo hồ sơ và diễn biến tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận bản hợp đồng EPC số 33 do Tổng công ty Điện lực dầu khí- PVPower ký với PVC theo hình thức chỉ định thầu về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là bản hợp đống thiếu cơ sở pháp lý nhưng vẫn được ký. Sau này, chủ thể được chuyển về PVN và thay bằng hợp đồng 4194, tuy nhiên, bản hợp đồng này vẫn bị coi là chưa hoàn thiện.
Tại tòa, các bị cáo nguyên là lãnh đạo PVN gồm; Đinh La Thăng, Phùng Đình Thục, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn khai do thiếu kiểm tra, giám sát, cấp dưới không khai báo cáo nên mới không biết kịp thời về những sai phạm của hợp đồng 33. Bản thân các bị cáo không có sự chỉ đạo ký hợp đồng do đã phân cấp, phân quyền rõ ràng trong tập đoàn nhưng thừa nhận trách nhiệm là người đứng đầu. Còn những người trực tiếp đàm phán, ký kết lại khai rằng do sức ép từ cấp trên, nội dung chỉ là “hợp đồng tạm” và thực tế hợp đồng chưa có hiệu lực. Ngày 22/01/2018, Tòa án Hà Nội tuyên án sơ thẩm, ông Đinh La Thăng –Nguyên Chủ tịch Hội dồng thành viên PVN 13 năm tù giam tội “Cố ý làm trái”, Trịnh Xuân Thanh- Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVC chung thân và Vũ Đức Thuận-Nguyên Tổng giám đốc PVC 22 năm tù giam, cả 02 bị cáo này cùng tội “Cố ý làm trái” và “tham ô”, các bị cáo còn lại nhận mức án từ án tù treo cho đến 16 năm tù giam.
Mặc dù đây là một trong những đại án kinh tế ở Việt Nam, tuy nhiên tâm điểm chính của vụ án mà giới truyền thông tập trung khai thác chủ yếu là 02 nhân vật của vụ án Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt là Đinh La Thăng cựu Uỷ viên Bộ Chính trị. Từ Khánh Hòa, nhà báo Võ Văn Tạo có chung nhận định này, ông nói:
“Tôi nghĩ rằng vụ án này có hai bị cáo chính thôi, tuy rất đông người nhưng những người khác thì xã hội và dư luận không quan tâm lắm, kể cả có người chịu án khá cao hơn cả ông Đinh La Thăng nữa nhưng họ giữ trọng trách không tai tiếng nhiều lắm. Trên mạng xã hội cũng như bản thân tôi cũng không mấy quan tâm lắm.”
Khi vụ án đang diễn ra những ngày xét xử sơ thẩm, nhà báo Tạo cũng đưa ra những suy đoán về bản án sẽ tuyên dành cho ông Đinh La Thăng. Đồng thời, bản án mà Hội đồng xét xử tuyên 13 năm dành cho ông Thăng cũng gọi là thỏa đáng.
“Tôi thấy mức án dành cho ông Đinh La Thăng như thế cũng gọi là thỏa đáng, trước khi xử án theo cáo trạng của Viện kiểm sát thì ở khung án từ 10-20 năm. Tôi có dự đoán, khi ra Tòa thì ông Thăng sẽ bị kêu mức án từ 10-12 năm, lệch một năm so với mức tối đa mà tôi dự kiến, trong khi Viện kiểm sát lại đưa từ 14-15 năm thì tôi bất ngờ vì hơi cao một chút. Kết quả hôm nay ông Thăng thì 13 năm.”- Lời của nhà báo Tạo.
Cũng cần phải nói thêm, ông Thăng ngoài việc ra tòa vì vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn PVN và Tổng công ty PVC thì thời gian tới đây ông Thăng còn phải ra tòa liên quan đến vụ án đã chỉ đạo Tập đoàn PVN góp 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) của Hà Văn Thắm để rồi sau đó bị mất trắng, cho nên khả năng ông Thăng cũng bị kết án tù trong vụ án này. Chung cuộc thì Tòa án sẽ tổng hợp kết quả của 2 vụ án thành hình phạt chung cho ông Thăng.
Trở lại vai trò của ông Thăng trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”, nhà báo Tạo chia sẻ thêm:
“Theo tôi nghĩ ông Thăng mức án như vậy cũng xứng đáng chứ không oan ức gì đâu. Bởi vì nhiều người ở Việt Nam do thiếu thông tin nên cho rằng ông ta bị oan, là người có nhiều thành tích… thực tế theo kinh nghiệm của tôi quan tâm môi trường doanh nghiệp nhà nước thì tôi biết có nhiều cán bộ giỏi đánh bóng hình ảnh, có số phát ngôn nghe rất bùi tai công chúng nhưng thực tế không phải thế. Trong giới báo chí những ai có mối quan hệ tốt đặc biệt với phía Viện kiểm sát thì người ta sẽ thấy ông Thăng bị kết án vậy cũng không oan gì.”
Ngoài ra, ông Tạo nói rằng, bản thân ngạc nhiên ngay từ đầu là tại sao chỉ khởi tố ông Thăng với tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng mà không có thêm các tội khác liên quan trục lợi cá nhân như là “tham ô” hoặc “nhận hối lộ” điều này thấy hơi phi lý, không lẽ ông Thăng là cán bộ cao cấp của Đảng mà chỉ phạm tội cố ý làm trái, gây hậu quả cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước mà không có động cơ gì trong đó?
Tuy vậy, nhà báo Tạo vẫn thừa nhận chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng trong thời gian gần đây do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động gặt hái không ít thành công mặc dù bên cạnh vẫn còn có nhiều trường hợp cho thấy Đảng và Nhà nước vẫn chưa thật sự quyết liệt, truy tận gốc rễ, có chăng vì tình nghĩa “đồng chí” và sỉ diện bộ mặt Đảng.
“Theo tôi để đánh giá trong đợt này, Cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam theo sự chỉ đạo của Đảng, đứng đầu phát động là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tôi thấy rất là ráo riết ở một số trường hợp. Tuy nhiên, cũng còn một số trường hợp khác sao lại chưa thấy làm hoặc có làm như chỉ xử lý hành chính chứ chưa thấy xử lý hình sự.”
Một khi đã bắt tay vào làm, quyết tâm làm thì phải làm cho sạch sẽ chứ không thể nào chổ này làm mà chổ kia không làm. Nhưng dù sao, nói thế nào thì dư luận Việt Nam và cá nhân nhà báo Tạo xử lý được trường hợp nào thì tốt chừng đó, những con sâu làm hại đất nước thì cần phải trừng phạt để làm gương cho các cán bộ hiện nay đương chức, một số trường hợp khác dù về hưu mà có tội trạng rõ ràng cũng phải đem ra. Đứng về góc độ của ông Trọng về mặt Đảng thì đây là một thành công của ông Trọng về việc giương lá cờ chống tham nhũng và đưa cả Ủy viên Bộ Chính trị ông Đinh La Thăng ra tòa nhận bản án 13 năm tù không phải là nhẹ, rõ ràng về mặt hình thức đây là một thắng lợi của ông Trọng về mặt Đảng và cũng tác động nhất định đến quần chúng./.
Leave a Comment