Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký công điện yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành và các bộ ngành liên quan bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT, đặc biệt yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có biện pháp lý nghiêm đối với các phần tử gây rối, chống phá, phản động… Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra xử lý…
Như vậy là toàn bộ tổ chức chính trị và lực lượng vũ trang đã được huy động để bảo vệ các trạm thu phí BOT thông suốt. Chắn chắn với lực lượng hùng hậu cùng các biện pháp xử lý mạnh mẽ như vậy, chính phủ sẽ toàn thắng “dịch” chống thu phí BOT ở một số điểm nóng đang hừng hực lửa phản đối với lý do các nhà đầu tư BOT đặt trạm thu “sai vị trí”, từ dùng mà ông Bộ trưởng Bộ GTVT cho là không chuẩn, theo ông thì phải nói là vị trí “chưa hợp lý” mới đúng (?!).
Tuy nhiên theo ngu ý của tôi thì sự toàn thắng của chính phủ chỉ mang tính tạm thời vì biện pháp “áp đảo” ấy chỉ có thể làm cho các nhà đầu tư BOT đặt trạm thu phí “chưa hợp lý” an tâm thôi chứ khó thể “an dân” một khi các trạm thu phí “chưa hợp lý” vẫn còn tồn tại trên các quốc lộ độc đạo. Ông Bộ trưởng GTVT cũng “đe” rằng: Nếu vấn đề BOT tiếp tục nóng lên, sắp tới sẽ rất khó kêu gọi đầu tư vào cao tốc bắc-nam. Nói thế là không “chuẩn” bởi một khi đường cao tốc bắc-nam thành hình, việc đặt trạm thu phí BOT trên đường cao tốc là hoàn toàn đúng với vị trí, xe nào muốn đi lại nhanh chóng thì leo lên cao tốc và đóng phí, xe nào không muốn đóng phí thì lưu thông trên quốc lộ hiện hữu và phải chấp nhận sự chậm trễ hơn so với đường cao tốc.
Các đường cao tốc BOT đã đưa vào hoạt động như TP.HCM – Trung Lương (Tiền Giang), TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây (Đồng Nai) vẫn thu phí đều đều với lượng xe qua lại ồ ạt đêm ngày, chưa bao giờ bị người dân phản đối, hoặc bị bọn phản động nào dám nhảy vào xúi giục phá hoại quốc sách BOT của nhà nước trên các đường cao tốc ấy cả. Đây là bằng chứng hiển nhiên để bác bỏ sự răn đe vô căn cứ của ông Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, người đã ký hợp đồng (khi còn là thứ trưởng) thực hiện dự án BOT Cai Lậy với trạm thu phí đặt ở vị trí “chưa hợp lý” gây nên làn sóng phản đối hiện nay.
Thay vì nâng vấn đề phản đối trạm thu phí BOT đặt “sai vị trí” thành vấn đề hình sự để “khai thông bế tắc” giao thông, một chính phủ “Liêm chính, Minh bạch” nên làm hai việc sau:
⁃ Công khai cho dân biết tổng số tiền hằng năm ngân sách thu được từ phí sử dụng và bảo trì đường bộ cùng các loại phí liên quan cũng như việc sử dụng số tiền ấy vào những công trình giao thông cụ thể nào trong năm. Công khai cho dân biết tổng chi phí từng công trình với qui mô cụ thể, có so sánh chi phí thực hiện cùng qui mô công trình ở các quốc gia khác trong vùng, qua đó dân có thể biết có sự thất thoát tiền bạc hay không?
⁃ Bỏ hẳn việc đặt trạm thu phí trên các tỉnh lộ và quốc lộ độc đạo vốn phải được xây dựng, tu sửa bằng kinh phí quốc gia. Chỉ thực hiện thu phí trên các con đường xây dựng mới với phương án BOT thôi, mà phí và thời gian thu cũng phải được tính toán hợp lý vừa với sức trả của dân.
Làm được hai việc trên, mọi phản đối của dân về BOT ắt sẽ tiêu tan. Lúc đó dân sẽ dễ dàng cảm nhận đây là chính phủ của mình chứ không phải của các nhà đầu tư BOT.
Đến trăm năm nữa, theo bác Tổng Trọng, không biết VN có xây dựng xong thiên đường XHCN hay chưa, thôi thì trong điều kiện hiện tại, chính phủ với quốc hiệu Cộng hòa XHCN VN vì Độc lập, Tự do, Hạnh phúc của nhân dân hãy gắng tạo một chút “thiên đường XHCN” trước mắt cho dân bằng cách giảm bớt gánh nặng kinh phí trong các lĩnh vực: đi lại, học hành, chữa bệnh… để dân còn có thể le lói hy vọng bọn cháu, chắt, chít của mình sẽ có một “thiên đường toàn hảo” sau 100 năm nữa!
Leave a Comment