LS Trần Vũ Hải – FB Vu Hai Tran |
Bồi thẩm đoàn FB phán ông Đinh La Thăng và các cộng sự ở Tập đoàn Dầu Khí (PVN) vô tội về tội danh “cố ý làm trái..” theo tỷ lệ 215/400 phiểu biểu quyết hợp lệ!
Tuần trước, tôi để xuất một bồi thẩm đoàn trên FB, gồm những người theo dõi kỹ qua báo chí và mạng xã hội về phiên toà vụ án Đinh La Thăng- Trịnh Xuân Thanh có ý kiến, theo đó người nào cho rằng ông ĐLT và các cộng sự (cũ) tại PVN vô tội thì ghi số 0, có tội thì ghi số 1 đối với tội danh “cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ Luật Hình Sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung 2009, hết hiệu lực từ 1/1/2018. Tội danh theo Điều 165 này tuy bị huỷ bỏ từ ngày này nhưng vẫn áp dụng để điều tra, truy tố, xét xử đối với những hành vi bị khởi tố theo tôi danh này trước đó).
Định chế Bồi thẩm đoàn (BTĐ) có ở nhiều nước, nhưng không tồn tại ở nước ta. Việt Nam có định chế “Hội thẩm”, những người không phải thẩm phán nhưng thường xuyên tham gia xét xử (trong nhiệm kỳ). Trong khi các thành viên BTĐ được chọn ngẫu nhiên từ những công dân thường có tư cách tốt (không tiền án tiền sử chẳng hạn), khi có một vụ án phải triệu tập BTĐ. Các thành viên BTĐ ngồi trong phiên toà, nghe thẩm vấn các bị cáo, nhân chứng, giám định viên, nghe cáo buộc của công tố viên, biện hộ của luật sư và bị cáo, tranh luận giữa công tố viên và luật sư, sau đó phán quyết vô tội hay có tội, nếu có tội thì ở cấp độ nào… Tuỳ từng nước, thành viên của BTĐ có thể từ 6-12 người hoặc hơn nữa, phán quyết có tội của BTĐ có giá trị khi 100%, 75% hay 2/3 số thành viên BTĐ đồng ý “có tội”.
Cốt lõi của BTĐ là nghe các bên tranh tụng, tùy theo sự thuyết phục của họ, để cho phán quyết có tội hay không theo cáo buộc của Công tố viên (Viện Kiểm sát). Do vụ án ĐLT-TXT được báo chí và mạng xã hội quan tâm nhất, nên những người theo dõi kỹ vụ án này hoàn toàn có thể đưa ra nhận định về việc ông ĐLT và các cộng sự tại PVN có tội hay không (ở đây chỉ bàn đến tội danh theo điều 165 BLHS cũ, theo đó ông ĐLT và các công sự bị truy tố, tội tham ô có xử trong vụ án này, nhưng là cáo buộc đối với TXT và cộng sự tại PVC).
Ông Đinh La Thăng và các cộng sự lãnh đạo tập đoàn Dầu khí (PVN) đang bị xét xử về tội danh trên, do chỉ định công ty PVC (là công ty con của PVN, mà Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch) làm tổng thầu cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và tạm ứng cho PVC 1115 tỷ trái nguyên tắc. Theo Viện Kiểm Sát việc chỉ định và tạm ứng này khiến PVN bị thiệt hại 119 tỷ đồng, trên cơ sở tính tiền lãi số tiền do PVC “chiếm dụng sai”.
Trong khi đó bị cáo Đinh La Thăng và các luật sư tuy có thừa nhận việc trên có sai sót, nhưng phù hợp với chủ trương của Kết luận 41 của Bộ Chính trị năm 2006 phát triển PVN thành tập đoàn mạnh, kinh doanh đa ngành nghề và Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thể hiện trong công văn 49/TB của Văn phòng Chính phủ năm 2009. Thiệt hại 119 tỷ đồng là thiệt hại “ảo, giả định giảm lãi”, không phải là thiệt hại thực tế, không thể sử dụng để xác định khung hình phạt và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.
Tất nhiên còn nhiều ý kiến khác, theo quan điểm, vị trí và kinh nghiệm của mỗi người.
Kết quả khoảng 500 người đã có ý kiến về vụ án này trên FB của tôi (trong bài về BTĐ FB phán về ĐLT và các cộng sư vô tội hay có tội..), loại ra những ý kiến không hợp lệ (không thể hiện nhất quán ghi 0- vô tội hay 1- vô tội), có 400 biểu quyết hợp lệ. Trong đó 215 người cho rằng ông Đinh La Thăng và các cộng sư vô tội, và 185 người cho rằng có tội.
Nếu chiểu theo nguyên tắc Bồi Thẩm Đoàn, ông Đinh La Thăng và các cộng sự được BTĐ FB phán vô tội (đối với tội danh Cố ý làm trái.. theo điều 165 BLHS cũ).
Tất nhiên, đây chỉ là kết quả tham khảo về ý kiến một bộ phận dân cư FB, chúng ta không có ý định và không thể làm thay chức năng xét xử của Toà án. Tại thời điểm này (sáng 22/1/2018), Toà án nhân dân thành phố Hà Nội hiện đang công bố bản án trong vụ xét xử sơ thẩm vụ án Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh.
Leave a Comment