Quảng Cáo

Một ngày đầy thất vọng

Quảng Cáo

Xuân Sơn Võ FB

Thất vọng đầu tiên là cái công điện của Thủ tướng về BOT, trong đó có đề cập cụ thể đến trạm thu phí BOT Cai lậy. Thủ tướng đã qui kết các hành vi phản kháng của người dân là do các đối tượng xấu lợi dụng, và Chính phủ đứng về phía những kẻ xây dựng các trạm thu phí BOT.

Thất vọng thứ hai là phát biểu của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về bạo hành y tế. Ở tầm mức của một Phó Thủ tướng, mà ông cho rằng bác sĩ bị hành hung là do lỗi của họ, thì có thể nói, tầm của ông quá thấp, không tương xứng với cái chức vụ mà ông đảm trách.

Thật tiếc rằng, đây chính là 2 điểm sáng le lói có thể nói là rất hiếm hoi trong cái thời buổi nhiễu nhương này, khi mà nhiều người dân còn bám víu vào đó, để hi vọng cho một tương lai tươi sáng hơn mà không phải trải qua những biến cố lớn. Thật đáng tiếc, đáng tiếc lắm.

Như đã phân tích, việc xây dựng đường tránh Cai Lậy, và vị trí đặt trạm thu phí là hoàn toàn bất hợp lí, phản ánh rõ ràng sự coi thường quyền lợi của người dân. Đấy là chưa kể đến những khuất tất trong việc kê khai xây dựng… để nâng giá.

Nếu trước khi có bức công điện kia, Chính phủ đã kiên quyết yêu cầu đưa các trạm thu phí BOT về đúng vị trí của nó, thì bức công điện kia là rất đáng hoan nghênh. Nhưng Chính phủ đã không làm cái việc cần làm.

Việc người dân phản ứng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm là điều mà một Chính phủ đặc biệt lưu tâm, điều tra, truy xét, thông báo rõ ràng kết quả cho dân biết, lấy ý kiến của dân xem kết quả đúng không. An dân là việc làm mà bất cứ Chính phủ nào cũng phải làm, ngay cả những Chính phủ chưa bao giờ tuyên bố là do dân, vì dân.

Về vấn đề bạo hành y tế cũng vậy. Không phủ nhận việc một số nhân viên y tế có giao tiếp không tốt, thậm chí có những nhân viên y tế vòi vĩnh dân. Tuy nhiên, việc của các cơ quan quản lí là phải tìm hiểu, xem chính xác là những điều người ta phản ánh đúng không, tại sao những nhân viên y tế đó hành xử như vậy. Và nếu thấy sai, phải chỉ rõ người, và xử lí tới nơi tới chốn.

Việc của cơ quan quản lí nhà nước là phải tách bạch được những nhân viên y tế xấu, đào thải họ ra khỏi bộ máy. Trên thực tế, gần như các cơ quan quản lí nhà nước, cùng với một hệ thống rầm rộ các hội đoàn rất ít khi phát hiện và xử lí những nhân viên y tế xấu. Đấy là chưa kể, có những trường hợp bị xử lí nhưng thực chất là đấu đá, phe phái nội bộ.

Trong khi đó thì Phó Thủ tướng, một người từng học ở Harvard, lại cho rằng bạo hành y tế là do lỗi của nhân viên y tế. Không biết ông đã có thống kê, nghiên cứu gì để kết luận như vậy?

Thế lỗi để cho tình hình an ninh trật tự ở các bệnh viện trở nên bất ổn, lỗi để cho tồn tại trong ngành y những nhân viên y tế xấu, được cho là nguyên nhân gây bất ổn đó, là của ai?

Trên thực tế, hầu hết những bức xúc của người dân về y tế đều không xuất phát từ lỗi của nhân viên y tế. Những bức xúc xuất phát từ những bất hợp lí trong qui trình, cơ sở vật chất, chuyên môn… đều là do cách thức vận hành của bộ máy quản lí nhà nước, do sự can thiệp thô bạo của bảo hiểm y tế vào công việc chuyên môn của y khoa.

Những vòi vĩnh, tiêu cực của nhân viên y tế cũng đang được dung dưỡng bởi chính sách công tư lẫn lộn trong y tế của Chính phủ. Việc xây dựng các cơ sở y tế xã hội hóa trong các bệnh viện công cũng mang dáng dấp của các BOT trong giao thông: không được đấu thầu công khai, không có sự minh bạch trong thu chi.

Đấy là chưa kể tới việc hầu hết những vụ bạo hành y tế gần đây đều không xuất phát từ thái độ của nhân viên y tế. Tính côn đồ của một bộ phận người dân, và cả những quan chức trong bộ máy nhà nước, những đòi hỏi đặc quyền, đặc lợi, bất chấp các qui trình chuyên môn là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ hành hung nhân viên y tế.

Thật sự là rất thất vọng về một người, mà trước giờ vẫn có chút niềm tin, rằng đó là người hiểu biết, có chút tư duy tân tiến trong cái bộ máy có khá nhiều những kẻ giống như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh…

Có cái gì đó đang rơi xuống.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux