Blogger Người Buôn Gió|
Trong suốt quá trình bị tra hỏi và đứng trước phiên tòa, Trịnh Xuân Thanh đều kiên quyết không chịu nhận mình có nhận tiền từ Nguyễn Anh Minh là cấp phó của Thanh.
Nguyễn Anh Minh từ khi là sinh viên, được bố đẻ của Minh là trưởng phòng kỹ thuật làm cùng với Trịnh Xuân Thanh ở tổng công ty sông Hồng. Bố Minh nhận Trịnh Xuân Thanh là con cả trong gia đình mình và nhờ Thanh nâng đỡ Nguyễn Anh Minh. Thanh nhận Minh vào làm việc ở xí nghiệp sửa chữa nhà của tổng công ty sông Hồng, rồi cho làm phó giám đốc xí nghiệp này.
Khi Trịnh Xuân Thanh chuyển về dầu khí, bố của Nguyễn Anh Minh lại tìm gặp Thanh để xin cho Minh được đi theo. Trịnh Xuân Thanh cho Minh làm giám đốc PVC Hà Nội rồi từng bước nhấc Minh lên làm phó tổng giám đốc PVC.
Có chức tước, Minh mở rộng quan hệ và nhận tướng Lê Quý Vương là chú, Minh cung phụng biếu xén tiền bạc rất nhiều lần cho tướng Lê Quý Vương. Khi vụ án Trịnh Xuân Thanh bế tắc vì không có chứng cứ phạm tội tham ô như mong muốn của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tướng Lê Quý Vương muốn tránh tội đã từng qua lại với PVC, nên đã lập công bằng cách dụ dỗ Nguyễn Anh Minh cùng hợp tác dàn dừng tố cáo đã đưa tiền cho Trịnh Xuân Thanh. Nguyễn Anh Minh đồng tình vì chính Minh và Hoà rút tiền chia nhau, nay được đánh đổi nêú khai lôi cả Thanh vào sẽ được thoát tội tử hình, bởi thế Minh nhận lời hợp tác để dựng chuyện Thanh chỉ đạo.
Tất cả những gì chống lại Thanh đều chỉ từ những lời khai bất nhất giữa các bị cáo Lương Xuân Hoà và Nguyễn Anh Minh, đây là lời khai được dàn dựng nên bộc lộ rất nhiều sự vô lý, chẳng hạn như Nguyễn Anh Minh kể một tối đến nhà Thanh ăn cơm, Thanh mở tủ lấy bọc tiền ra, Minh hỏi tiền gì, Thanh nói tiền của Lương Đức Hoà đưa.
Cách mớm lời khai cho Nguyễn Anh Minh của Bộ Công An thật khôi hài, có ai thấy khách đến nhà , tự nhiên mở tủ lấy túi tiền ra làm gì? Để khoe với khách chăng ?,rồi để khách phải hỏi là tiền tiền ở đâu ra, chủ nhà trả lời tiền của thằng này, thằng kia đưa?
Theo dõi diễn biến phiên toà, nếu đúng có tội tham nhũng thì càng đáng buồn cười hơn, vì hoá ra tội phạm tham nhũng không tinh vi và thủ đoạn gì như đảng tuyên truyền. Nếu như bọn tham nhũng ngô nghê đến như vậy thì không đáng phải toàn đảng, toàn dân dốc toàn lực chống tham nhũng làm gì cho mệt. Hành vi của bọn tham nhũng này quá đơn giản, một thằng sếp bảo thằng cấp dưới mày lo tao mấy tỷ tiêu Tết, thằng cấp dưới đi về chỉ đạo thằng cấp dưới hơn rút từ tài khoản của công ty ra mấy tỷ, rồi đưa cho lái xe của mình, lái xe của mình đưa cho lái xe của cấp trên, rồi mình đến nhà cấp trên thấy cấp trên lấy tiền trong tủ ra khoe là tiền của bọn mày đưa tao đấy.
Nếu xét xử tham nhũng để lấy lại niềm tin trong nhân dân, vì sự nghiêm minh của pháp luật mà dùng đến những biện pháp vu khống, bịa chuyện và xử áp đặt một chiều với thiên kiến định tội như thế. Liệu có thể hiện được sự quyết tâm của pháp luật hay chỉ thể hiện sự cay cú xuất phát từ tư tưởng duy ý chí, độc tài của lãnh đạo cộng sản khi thanh trừng những kẻ khác phe phái với mình ?
Cả một đám đông dân chúng tán thưởng vụ xét xử bất công này như nhiều vụ xử bất công khác, vụ xử nào đảng cũng kiếm ra được đám công chúng hoan nghênh. Ví dụ những vụ xử những nhà bất đồng chính kiến, toà án và viện kiểm sát cùng nhau kết tội bị cáo, bất chấp những lý lẽ chính xác mà bị cáo đưa ra bác bỏ lời buộc tội của mình, phiên xử được kiểm soát thông tin chặt chẽ, những tranh luận của bị cáo rất xác đáng thì không được đưa tin, những gì bất lợi cho bị cáo được chỉ đạo cho báo chí tha hồ khai thác. Cuối cùng là một đám đông dư luận viên và những kẻ có lợi ích gắn bó với đảng cộng sản tha hồ tung ra những luận điệu dân chúng hồ hởi, đồng tình, tán thành với bản án nghiêm khắc trừng trị những kẻ phá hoại đất nước. Bọn tán thưởng này không cần biết đến luật pháp được áp dụng đúng hay sai thế nào, trình tự tố tụng và tranh luận toà diễn ra thế nào, chúng chỉ cần biết kẻ xâm phạm lợi ích của chúng bị kết án, thế là pháp luật nghiêm minh.
Trong vụ xét xử Trịnh Xuân Thanh cũng thế, một đám đông hồ hởi hưởng ứng, không thèm biết pháp luật được thi hành thế nào. Chỉ cần biết có quan chức tham nhũng bị xét xử là vui mừng. Tâm trạng của những người vui mừng cũng xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau, người thì quá chán ghét bọn quan chức cộng sản nên cứ thấy ai trong đám đó bị tù là mừng, mà thậm chí chả cần phải xử tù, nếu trong đám đó chẳng may bị cướp đâm chết họ cũng mừng. Người thì thuộc phe nhóm cầm quyền, cần phải vận động dư luận ủng hộ quyền lực của phe mình theo, nên ra sức cổ vũ.
Với đám đông dân chúng nhìn pháp luật bằng quan điểm cảm tính như vậy, việc dùng truyền thông dẫn dắt dư luận đương nhiên được sử dụng vì có đất để phát huy hiệu quả. Các phiên toà đã được hình thành trên hai yếu tố đó là sự duy ý chí của lãnh đạo đảng và tác động cảm tính của dư luận. Khi có được hai yếu tố này thì không cần đến bằng chứng, tranh luận, khoa học gì nữa hết.
Những lời nói của Trịnh Xuân Thanh suốt phiên toà không thấy có hình ảnh, âm thanh nào. Đến khi Trịnh Xuân Thanh xin lỗi Nguyễn Phú Trọng, các báo đồng loạt đưa những clip rõ ràng. Dư luận cho rằng đó là lời nhận tội của Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng nếu nhìn theo cái nhìn về tính chất phiên toà được diễn biến theo những yếu tố như sự chỉ đạo của lãnh tụ đảng cộng sản và cảm tính của đám đông, những lời xin lỗi như thế là tất yếu phù hợp, vì nó chứng minh cho nhận định phiên toà không có pháp luật mà chỉ có những yếu tố trên.
Không có lời nói nào phỉ nhổ vào pháp luật hơn lời xin lỗi của Trịnh Xuân Thanh gửi đến bác tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến như vậy. Nhưng cũng không có lời nào khẳng định quyền lực của Nguyễn Phú Trọng hơn được lời xin lỗi của Trịnh Xuân Thanh như vậy.
Lời xin lỗi đó xác nhận một điều pháp luật của một đất nước là vô nghĩa, chỉ có tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng CSVN mới là ý nghĩa hơn cả.
Leave a Comment