Ánh Liên (VNTB)
Nơi ấy, có cái làng Đông Anh (*) nhao lên, bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có người nói xa xôi: ‘Trời có mắt đấy, anh em ạ’. Người khác thì nói toạc: ‘Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có cần phải đến tay người khác đâu’.
***
Ông Trịnh Xuân Thanh trong lời nói sau cuối trước Tòa, ngoài mong Hội đồng xét xử sau khi kết thúc vụ án cho phép ông được quay trở lại Đức lần cuối cùng để thăm vợ con, sau đó về chịu án tù. Thì nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí đã xưng ‘cháu’ và xin lỗi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
‘Cháu muốn gửi lời xin lỗi bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ cho cháu cũng như người con, người cháu trong gia đình, tạo điều kiện để cháu được gặp bố mẹ, vợ con’.
Câu nói sau cùng của ông Trịnh Xuân Thanh hàm chứa nhiều suy nghĩ.
Khác với một ‘báo cáo’ do ông Trịnh Xuân Thanh viết vào ngày 04.09.2016, trong đó ông nhấn mạnh: ông không còn tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.
Lần này, ông Trịnh Xuân Thanh thay đổi 180 độ! Do đâu? Có phải nó bắt nguồn từ sự sợ hãi, sợ hãi cực độ đến từ chính điều mà ông Trịnh Xuân Thanh từng đề cập trong báo cáo nêu trên.
‘Hai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư với UBKTTW và các cơ quan chức năng, trong đó có chỉ đạo Bộ Công an vào điều tra là sai các quy định của Đảng, gây áp lực cho cơ quan tố tụng, cơ quan thực thi pháp luật’.
‘Chỉ đạo’ là cung cách thường thấy của những người đứng đầu Đảng, đến mức mà nó hiện diện cả sự chi phối và biến Nhà nước trở thành một con rối nước. Cùng với ‘gây áp lực’, nhất là khi quy chế Đảng cũng như các nhân sự Đảng được cắm 100% vào các cơ quan tố tụng cũng khiến cho các vụ án mặc dù hình thức là ‘chống tham nhũng’, cũng ít nhiều mang tính thiếu khách quan và ảnh hưởng tính chính trị trong đó.
Khi ông Trịnh Xuân Thanh xin lỗi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nó cho thấy trong mỗi người quan chức tại Việt Nam, họ nhận diện hơn ai hết quyền lực đang nằm trong tay ai, và cán cân công lý được ai chi phối.
Tòa án – nơi các vị thẩm phán đang ngồi trong mắt những người như ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là những người gắn liền với chỉ đạo, theo đúng nguyên tắc: Nhân danh ‘chỉ đạo’, Tòa tuyên án.
Và chỉ qua câu nói có phần ngô nghê nêu trên, đã lột tả toàn bộ tính chất pháp quyền của Nhà nước, nơi mà bị cáo không còn tin tưởng vào thẩm phán, mà họ tin tưởng vào tính ‘áp lực’ nhiều hơn.
‘Cháu xin lỗi bác TBT Nguyễn Phú Trọng’ cũng phần nào định nghĩa được tính hời hợt về mặt nhận thức của những công chức nhà nước. Khi mà phiên tòa, nơi công lý vốn được thực thi, lại là nơi ngả giá của mối quan hệ.
Tính chất ‘xin – cho’, ‘bác – cháu’ không chỉ đối với riêng ông Trịnh Xuân Thanh, mà cả với ông Đinh La Thăng. Nó là ‘não trạng’ không thể thay đổi được, là tính chất cố hữu mà thể chế cơ chế hóa con người, biến con người từ thẳng thành cong, biến tính chất công bằng thành ‘xin cho quan hệ’.
Không ai thương cảm cho Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh khi hai người đều gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, chạm vào tham nhũng. Nhưng phiên tòa của ngày hôm nay chứa đựng những sự ‘ưu việt’ mà nhà văn Nam Cao từng phác họa qua truyện ngắn Chí Phèo.
Nơi ấy, có cái làng Đông Anh (*) nhao lên, bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có người nói xa xôi: ‘Trời có mắt đấy, anh em ạ’. Người khác thì nói toạc: ‘Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có cần phải đến tay người khác đâu’.
Còn những người, biết điều thì hay ngờ vực, họ chép miệng nói: ‘Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu…’.
Bởi, ‘chỉ đạo’ còn đó, ‘áp lực’ còn đó, thì tính áp lực còn dài dài, và những con sâu mối mọt sẽ tiếp tục được dựng lên, ra tòa, than khóc, và van xin bằng mối quan hệ.
***
* Đông Anh: là quê của ông Trịnh Xuân Thanh và ông Nguyễn Phú Trọng.
Leave a Comment