Ánh Liên – Việt Nam Thời Báo|
‘Ma tù’ và ‘ma tự do’ trong quy chiếu nhà hoạt động nhân quyền *)
Họ đấu tranh để phá vỡ cái khung sắt đó, không chỉ cho người thân, bè bạn, mà cả cho thế hệ tương lai. Và họ chấp nhận sự hy sinh trong đấu tranh đó như một sự mặc nhiên nhất về mặt tư tưởng.
Ma tự do hay ma tù?
Cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Nếu có chết thì là ma tự do, không phải ma tù.
Nhiều người nhận định ông Đinh La Thăng ‘hèn’. Nhưng nếu xét đến tận cùng, thì nó thuộc về bản ngã của một con người, là nhu cầu muốn tìm thấy những giá trị mà họ nhận ra mình đã mất.
Tạm rời ông Thăng, chúng ta có thể tìm đến Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), người từng tuyên bố, không hối hận khi lựa chọn con đường khiến cô phải ở tù mất hơn 1 thập niên.
Dễ dàng nhận ra sắc thái ‘hối hận’ giữa một người từng có quyền cao chức, và bên còn lại là sắc thái ‘không hối hận’ của một nhà hoạt động nhân quyền, đó là một hình ảnh sắc nét mang tính tương phản về thái độ đối với con đường đã chọn.
Mẹ Nấm và những nhà hoạt động khác, mà gần nhất là Nguyễn Văn Oai từng nhiều lần vào tù, ra tội. Nhưng họ vẫn tiếp tục theo đuổi chính cái con đường đã khiến họ mất mát về tuổi xuân, gia đình, và những thứ giá trị mà một người bình thường được hưởng.
Họ đánh đổi sự tự do để đổi lấy nhà tù. Đúng hơn, họ chọn là ma tù hơn là ma tự do.
Điều gì đang xảy ra?
Với những nhà hoạt động, mục tiêu sống của họ chính là sự tự do, dân chủ, và nhân quyền – thứ mà đối với chế độ hiện thời là sự giam hãm vào một lồng sắt mang tên ‘thể chế CHXHCNVN’. Do vậy, đối với họ, tù nào cũng như nhau, giữa tù đời và tù giam nó vẫn có mẫu số chung là ‘tước đoạt sự tự do’.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, trong tác phẩm tự kể của mình (Hậu chuyện kể năm 2000 – Thời biến đổi gien) đã chia sẻ. Khi ông ra tù và chứng kiến cảnh tượng đời sống nhân dân bị bần cùng hóa, một người tên là Nguyên Bình đã nghiêm mặt bảo ông: ‘Cuộc sống này gần với cuộc sống loài vật. Đâu phải cuộc sống con người.’
Đến nay, ‘cuộc sống loài vật’ dù có sự thay đổi về mặt hình thức, thì bản chất nó vẫn tồn tại như vậy, và chính từ đây, mà ngày càng nhiều từ bỏ đảng cầm quyền, từ bỏ cuộc sống cá nhân, hy sinh cả gia đình và tuổi thanh xuân để đi vào con đường đấu tranh.
Họ đấu tranh để phá vỡ cái khung sắt đó, không chỉ cho người thân, bè bạn, mà cả cho thế hệ tương lai. Và họ chấp nhận sự hy sinh trong đấu tranh đó như một sự mặc nhiên nhất về mặt tư tưởng.
Và họ không sợ giam cầm!
Nếu như họ chết rũ trong tù, thì họ chắc chắn sẽ tin hơn nhiều về những thế hệ đấu tranh nhân quyền tiếp theo nối tiếp con đường của họ, và khi là ‘ma tù’, họ cũng đã trở thành một ‘ma tự do’ trên cơ sở lương tâm về quyền con người.
Tự do đấu tranh, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do lập hội,… Tự do để nói về những vấn đề thuộc về một nhà nước tự xưng ‘của dân, do dân, vì dân’; tự do lên tiếng về những cái chết liên quan đến thảm họa môi trường; tự do phản kháng về những cái chết kỳ dị xảy ra trong đồn công an; và tự do để biết một giá trị phổ quát của nhân loại là gì.
Do đó, không giống như ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh,… hay hàng tá những quan chức cấp cao khác một thời hét ra lửa nhưng đến khi đứng trước vòng móng ngựa lại co rúm và khóc lóc ỉ ôi nhằm ‘giảm án’. Những nhà đấu tranh như Mẹ Nấm, Nguyễn Văn Oai, Trần Thị Nga,… lại luôn tỏ ra kiên cường, không run rẩy, và đối diện với những bản án tù như một điều tất yếu. Và bản án không chỉ làm nổi bật tính cách đáng trân trọng và nể phục của những nhà đấu tranh nhân quyền; mà còn làm rõ sự yếu hèn và thô lậu với sự chối bỏ trách nhiệm, trốn trách, diễn bi thương để lấy nước mắt dư luận của những quan chức thời nay.
Năm 2017, năm của sự bắt bớ, giam hãm và đánh đập những nhà đấu tranh dân chủ, những nhà hoạt động nhân quyền. Nhưng đúng như đã đề cập, tù giam không phải là sự lựa chọn, nhưng nó là sự tất yếu mà những nhà đấu tranh đã thừa nhận trước đó. Và trong cái không khí có phần oi bức, nồng nặc sự đe dọa đó, những nhà đấu tranh vẫn ngẩng cao đầu khi bước vào nhà tù nhỏ.
‘Dù hai nhà tù đều giống nhau
Chỉ khác là Nỗi sợ đốn hèn và Bất khuất hiên ngang
Anh hiên ngang chọn vào nhà tù nhỏ
Anh dũng cảm chọn vào nhà tù nhỏ
Xà lim neo sâu vào Đêm trắng
Trả giá Tự do bằng chính đời yên ấm bên ngoài’
(Thơ của Nguyễn Hữu Viện)
Và đó là lý do vì sao Bùi Hằng, một nhà đấu tranh cho sự mở rộng quyền con người ở Viêt Nam khi ra tù vào tháng 2.2017 đã tự hào và khẳng khái tuyên bố rằng: Tôi đã tốt nghiệp khóa đào tạo tranh đấu tại nhà tù của cộng sản.
—
*) Tựa nguyên thuỷ của tác giả
Leave a Comment