Thể chế, thể chế, và thể chế
FB Xuân Sơn Võ
Cuộc chiến với các trạm thu phí BOT ngày càng nóng. Các trạm thu phí BOT mà người dân phản đối đang lộ rõ những bất cập của nó. Cái thì đường một đằng trạm một nẻo, cái thì đường chưa làm đã lo thu phí, cái thì từ UBND tỉnh cho đến người dân phản đối, yêu cầu dời vị trí đặt trạm nhưng vẫn kiên quyết cố thủ…
Nhưng, tất cả các trạm thu phí BOT kiểu này đều có hai điểm chung: 1- tìm mọi cách tận thu, hay nói cho đúng hơn là trấn lột của người dân; và 2- có Bộ GTVT bảo kê. Mặc cho dư luận, người dân và ngay cả chính quyền địa phương phản đối, các quan chức của Bộ GTVT luôn đưa ra lí do “phương án tài chính” để kiên quyết duy trì các trạm thu phí BOT ở các vị trí bị phản đối.
“Phương án tài chính” là cái gì mà ghê gớm quá vậy? Đó là việc chỉ định các nhà thầu. Tất cả các nhà thầu BOT đều được chỉ định thầu. Hầu hết không có đủ năng lực tài chính nên tỉ lệ vay ngân hàng chiếm rất cao trong số vốn đầu tư vào dự án.
Bây giờ, Bộ GTVT lấy lí do nếu phá vỡ “phương án tài chính”, các ngân hàng sẽ phá sản. Chính phủ thì rất sợ ngân hàng phá sản vì nếu chuyện ấy xảy ra, nền kinh tế này sẽ sụp đổ. Như vậy, Bộ GTVT cùng các nhà thầu đã biến các ngân hàng thành con tin của họ để gây áp lực với Chính phủ.
“Phương án tài chính” gì mà muốn nâng giá lên bao nhiêu thì nâng? Còn nhớ cái đường tránh BOT Cai Lậy được cho là có 7 cây cầu nhưng chỉ bằng mắt thường, các phóng viên đã thấy chỉ có 5 cây cầu mà thôi. Ngoài việc nâng khống chi phí thì “phương án tài chính” còn giúp cho nhà đầu tư muốn thu lúc nào thì thu. Trạm thu phí BOT Sóc Trăng thu phí bao lâu nay, đến khi người dân phản đối quyết liệt thì đường vẫn chưa làm xong, mà nhanh nhất thì 6 tháng nữa mới có thể xong.
Ngoài việc nâng khống chi phí thì “phương án tài chính” còn giúp nhà đầu tư muốn thu bao nhiêu thì thu. Đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, 4 làn xe, một nửa là cầu cạn, tốc độ 120km/h, thu phí 1.000 đồng/1km. Đường cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây cũng vậy, thêm cầu bắc qua sông lớn, thu phí 2.000 đồng/1 km. Trong khi đó, tuyến tránh Cai Lậy dài 12 km, với 2 làn xe, không có dải phân cách cứng, tốc độ 80km/h, có 4 ngã tư cắt ngang, thu phí 35.000 đồng, có nghĩa là gần 3.000 đồng/1km.
Không lẽ các ngân hàng ngu đến mức để bị bắt làm con tin? Và Chính phủ tài tình, sáng suốt lại có thể bị mấy doanh nghiệp gây áp lực? Bản thân Bộ GTVT là một cơ quan của Chính phủ, chịu sự điều hành của Chính phủ, không lẽ Chính phủ lại để cho một bộ thuộc quyền quản lí của mình gây áp lực cho chính mình?
Có người bảo rằng cái đám BOT hút máu dân này là những tập đoàn lợi ích, trong đó các nhà thầu, các quan chức, các đại gia ngân hàng bắt tay nhau. Chúng khuynh đảo chính sách, lũng đoạn Chính phủ. Cứ nhìn vào các trạm thu phí BOT đang bị người dân phản đối, mọi việc rõ rành rành ra đó mà Chính phủ cũng đâu dám ra tay.
Cuộc chiến BOT đang là thước đo xác định mức độ lũng đoạn của đám BOT này đối với Chính phủ. Việc Chính phủ sẽ xử lí các trạm BOT bị phản đối này như thế nào sẽ cho thấy Chính phủ còn có khả năng làm trong sạch mình không.
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ phát biểu “thể chế, thể chế, và thể chế phải phù hợp hơn với kinh tế thị trường”. Liệu có thể tồn tại một thể chế kinh tế phù hợp kinh tế thị trường trong định hướng xã hội chủ nghĩa hay không?
Đấy là chưa kể cái thể chế chính trị triệt tiêu mọi phản biện, tạo ra quá nhiều điều kiện cho các tập đoàn tham nhũng lũng đoạn chính sách. Lưu ý, nếu lời khai của ông Đinh La Thăng đúng thì sự lũng đoạn đã lan tới Bộ Chính trị./.
Leave a Comment