Ánh Liên (VNTB)
Xin đừng nhầm lẫn giữa tư cách một người có đầy đủ quyền năng, chức vụ trong xã hội với một công dân bình thường. Bởi phân biệt ra, chúng ta mới có đầy đủ cơ sở để hỏi rõ ràng: ai sẽ chịu trách nhiệm cho hàng triệu USD bị thất thoát?
Những cáo buộc sai phạm lên đến hàng triệu USD.
Ông Đinh La Thăng và những người ‘đồng chí’ của mình đứng trước tòa để đối chấp tội trạng.
Và trên mạng xã hội Facebook, chuyển dần từ tin ‘ông Đinh La Thăng bị bắt’ sang tin ‘Đinh La Thăng – người như tôi đã biết’.
Từ facebooker Lê Kiên (nhà báo Lê Kiên thuộc báo Tuổi Trẻ), Hướng Hoàng (giáo viên thỉnh giảng Học viện Tư pháp) cho đến Ls. Lê Văn Thiệp, rồi một Facebooker khác là Trần Thị Sánh.
‘Tử tế’, ‘sống có cảm xúc’, ‘dũng cảm’, ‘tố chất hành động vì công việc’,…
Có vẻ như dư luận đang có một sự tiếc nuối cho một ‘ông Đinh La Thăng vì dân hành động’.
Và một số khác thậm chí còn cho rằng, vì ông ‘chống Trung Quốc’ liên quan đến vụ sập giàn giáo thuộc công trình đường sắt trên cao thời Bộ trưởng Bộ GTVT nên ông mới bị đày ra ‘tòa’.
Hay một số khác lại chia sẻ về việc, ông đã tiến hành các hoạt động ‘sát dân’ quá, nên TW không thích. Hoặc ông là nạn nhân của ‘đấu đá chính trị’ hơn là một phiên tòa xử đúng người, đúng tội.
Luận công tội là điều đáng làm, bởi con người không phải thánh thần. Nhưng khi ông Đinh La Thăng sai phạm, thì lúc đó có phải ông ta đang gánh những trọng trách mà Nhà nước giao phó?
Xin đừng nhầm lẫn giữa tư cách một người có đầy đủ quyền năng, chức vụ trong xã hội với một công dân bình thường. Bởi phân biệt ra, chúng ta mới có đầy đủ cơ sở để hỏi rõ ràng: ai sẽ chịu trách nhiệm cho hàng triệu USD tiền thuế bị thất thoát?
Việc ông Đinh La Thăng ứng xử như thế nào trong phiên tòa, hay uống rượu ngô và nhường lại tặng lại chai rượu tây đắt tiền cho ‘trưởng công an huyện Mường Lát để chúc mừng một sỹ quan công an người dân tộc trẻ tuổi vừa được thăng quân hàm vì những chiến công đánh án ma tuý…’ cũng chỉ là một phần trong đời sống của ông Đinh La Thăng. Nó không thể thay thế, hay tráo đổi với những sai phạm mà ông và những ‘đồng chí’ của ông gây ra đối với nguồn ngân sách quốc gia.
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những sai phạm, tội lỗi mà nhóm người ông Đinh La Thăng gây ra? Một chai rượu tây đắt tiền, một cách nhích micro có làm cho hàng triệu USD quay trở lại, có khiến một ngôi trường cho trẻ em vùng cao đáng lý ra phải được mọc lên, thì bị những đồng tiền thất thoát đó làm mất đi cơ hội?
Việt Nam đã có quá nhiều người muốn làm người tử tế khi về hưu rồi, và có lẽ bây giờ không cần thiết thêm nữa. Bởi đáng ra, ‘tử tế’ phải là khi dốc lòng phụng sự quốc gia, chứ không phải tích tụ đủ tiền bất hợp pháp và trở về điền trang để vui thú điền viên.
Việt Nam cũng đã có quá nhiều người ‘vì dân hành động’ bằng cách diễn ngôn thay vì những hành động mang tính thực chất.
Việt Nam cũng có nhiều người mở miệng ra là ‘đạo đức và văn minh’, cho đến khi bị lột trần sự giả dối và vai diễn trên sàn đấu chính trị.
Và chúng ta có lẽ không cần những nhà diễn kịch đại tài, những màn bi lấy nước mắt và sự cảm thương từ những người dễ dàng bị đánh lừa đó nữa.
Chúng ta phải tập tính duy lý hơn trong xã hội thay vì duy tình, cái yếu tố khiến cho người ta biến phiên tòa trở thành một nơi cho sự dung thứ hơn là nơi mà pháp luật cần được ngự trị.
Bởi nếu chúng ta dành nước mắt cho Đinh La Thăng, vậy thì nước mắt nào cho Nhân Dân? Cho những em bé vùng cao vẫn ngày ngày học trong trường tre vách nứa? Cho những biểu tình viên Formosa trong thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bí thư thành ủy Tp. Hồ Chí Minh? Cho những cơ hội tích lũy ngoại tệ từ những giọt dầu hút lên từ Biển Đông với giá hơn 100 USD/ thùng thời điểm đó?…
Ai? Giọt nước mắt nào?
Rõ ràng, cái xấu xa phải bị trừng trị, tài sản bị biển thủ phải được trả lại, và chính sách về quản lý doanh nghiệp nhà nước, giám sát đội ngũ nhân viên nhà nước cần được triển khai.
Nhưng trước khi đi đến các bước đó, chúng ta cần nhìn nhận ông Đinh La Thăng đã là một ‘bị cáo’, và thời điểm ông ta đang làm chủ PVN là thời điểm có nhiều sai phạm và thất thoát nguồn tiền ngân sách./.
Leave a Comment