Thấy gì qua các vụ “đại án tham nhũng” đang được xử gần đây mà bị cáo từng có một vị trí bậc nhất trong nấc thang quyền lực : Ủy viên bộ chính trị ?
Không bàn về vấn đề ông ta có tội hay không hoặc mức độ phạm tội thế nào và nguyên nhân khiến ông ta phạm tội. Ta hãy nhìn vào bản chất của chế độ.
Chế độ XHCN được xây dựng bởi học thuyết của Lenin, cốt lõi của nó là: Sự tập trung của nhà nước phải được đề cao, nhằm biến nhà nước thành công cụ để thực hiện sứ mạng lịch sử. Nói một cách khác, chủ nghĩa cộng sản lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã đẩy nhà nước lên một tầm chưa từng có để trở thành “chủ nghĩa nhà nước”, nó sở hữu một sức mạnh kinh tế khổng lồ khi chiếm đoạt hoàn toàn các tư liệu sản xuất của toàn xã hội và đầu tư lại cho chính bản thân mình bằng hệ thống quan liêu đông đảo và lực lượng cảnh sát nhà nước cũng đông không kém nhằm kiểm soát lại đời sống xã hội.
Ông Đinh La Thăng khai trước tòa: “Chủ trương chỉ định thầu là của Bộ chính trị…” dù là lời “chạy tội” nhưng vô tình nó đã để lộ ra tử huyệt của chế độ, một lỗ hổng trong kiến trúc thượng tầng bắt đầu từ tư tưởng.
Như từng tự nhận hay được đám đàn em tung hô: “Là người học trò kiệt xuất của Lenin”, ông HCM cũng xây dựng lên một hệ thống tương tự Soviet. Mục tiêu là tái tạo lại một xã hội phản ánh chính hệ thống, tức là tầng lớp ưu tú của “đảng tiền phong”, “là đạo đức, là văn minh”. Chính vì thế hệ thống này sẽ trở thành đối đầu với toàn bộ cuộc sống xã hội vốn phức tạp, đa nguyên, tự phát, thậm chí là mơ hồ. Hệ quả tất nhiên là hệ thống phải chuẩn bị tâm lý chính trị cho những kẻ thừa hành đối đầu với toàn xã hội. Ông Hồ đã chuẩn bị việc này một cách kỹ lưỡng qua các chiến dịch “Chỉnh huấn, chỉnh quân”, “Cải cách ruộng đất”, tiêu diệt trí thức và những người bất đồng chính kiến, đàn áp thẳng tay đối lập, nhất là những xu hướng có tính bạo động. Những cuộc “cách mạng” này kéo dài hàng thập kỷ đã triệt tiêu gần như hoàn toàn sức đề kháng của xã hội. Nhất là trí thức.
Các vụ án để lộ ra hai lỗ hổng chính:
1- Về luật pháp : Luật pháp toàn trị kết tội dựa chủ yếu trên lời khai của bị can, vì vậy các cán bộ điều tra chỉ cần xử dụng mọi biện pháp (kể cả ép cung, tra tấn) để nạn nhân phải nhận tội. Các lời khai của nhân chứng, các hồ sơ vv…đều xoay quanh mục đích củng cố lời khai nhận. Nó sẽ sinh ra các vụ án oan sai. Các phiên tòa công khai, chánh án, các luật sư chỉ là trò hề khi mà các vụ án đã được dàn dựng trước. Một nhân chứng khai : Gần Tết ông Thăng gọi điện : “Cho tao 4 đồng để tiêu Tết”. Bạn nghĩ sao với những chứng cớ kiểu này, có thể nói đây hoàn toàn là sự thật cũng không thể biện minh cho cách xử án tại tòa như vậy.
2- Về tư tưởng : Vì mục đích xây dựng nhà nước thành một tổ chức siêu quyền lực, các “tập đoàn kinh tế nhà nước” phải ra đời để nắm tư liệu sản xuất, không đặt nặng vấn đề hiệu quả kinh doanh mà mục tiêu chính trị là trên hết. Kiểm soát lỏng lẻo, không bị công luận theo dõi, cơ chế “làm chủ tập thể” làm cho mỗi cá nhân không bị áp lực về trách nhiệm, tham nhũng là điều không tránh khỏi. Đặc quyền, đặc lợi vô biên chỉ dành một một số nhỏ đảng viên.
Dân chúng đã được chuẩn bị về mặt tâm lý chính trị cho sự thay đổi này chưa ? Khó mà dự đoán được, với lý thuyết XHCN, quá trình đô thị hóa được tiến hành vô tội vạ, bất chấp quy hoạch, hàng triệu nông dân chỉ trong một đêm đã trở thành “người thành phố”. Họ bị cắt đứt với ruộng đồng một cách đột ngột, gây ra tình trạng dở khóc dở cười, tệ nạn, đạo đức suy đồi, chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ của thị dân vv….Điều oái ăm là họ coi đó như sự “đổi đời” và thậm chí còn biết ơn chế độ. Tất nhiên điều này sẽ không kéo dài, nhưng nếu quá lâu thì sự bùng nổ của nó khó mà có chừng mực.
Một lần trao đổi với tôi về những bài viết về Hồ Chí Minh, người cán bộ an ninh nói : “Em không tranh luận những điều anh viết về Bác Hồ là đúng hay sai sự thật. Nhưng em nghĩ đất nước nào cũng cần phải có một lãnh tụ tinh thần chứ ?”. Thú thực là tôi rất vui khi nghe thấy câu hỏi như vậy./.
Leave a Comment