Quảng Cáo

Sự nhân đạo của một hệ thống tội ác

PGS.TS ngành triết học Vi Thái Lang

Quảng Cáo

Lê Anh Hùng (VNTB)

Chế độ cộng sản Việt Nam vẫn thường tự cho mình là “đạo đức”, là “văn minh”, là thuộc về “nhân loại tiến bộ”, và đặc biệt là rất “nhân đạo”.

Nắm trong tay ngót một nghìn cơ quan báo và tạp chí cùng hệ thống truyền thanh và truyền hình quốc gia, bộ máy tuyên truyền của đảng luôn dành một tỷ lệ trang, bài, hay thời lượng lớn hầu tô điểm cho bộ mặt nhân đạo của chế độ. Bản tin “Cậu bé mồ côi thành tiến sỹ” trong chương trình thời sự VTV 19h ngày 27/12/2017 là một trong muôn vàn ví dụ như thế.

Đó là một phóng sự dài hơn 3 phút, từ phút 38 đến phút 41, về chuyện một cậu bé học sinh dân tộc Tày 5 tuổi mồ côi bố, 7 tuổi mồ côi mẹ, được nuôi dạy trong một trường dân tộc nội trú của một tỉnh miền núi phía bắc trước khi trở thành một phó giáo sư – tiến sỹ triết học.

Trước ống kính truyền hình, vị PGS.TS không giấu nổi xúc động khi bày tỏ suy nghĩ của mình: “Nhờ có chính sách dân tộc mà mình được đi học, được chăm sóc, được trưởng thành, và cũng vì lẽ đó mà công ơn với cha mẹ là mình gửi gắm ở Đảng và Nhà nước. Và đúng là cha mẹ mình gửi lại mình cho Đảng và Nhà nước, cho thầy cô.”

Không quên những tháng ngày đau thương, khó khăn thiếu thốn khi xưa, cậu bé mồ côi nay đã trở thành thầy giáo vẫn trích một phần lương hàng tháng để giúp đỡ những học trò nghèo quê mình.

Chứng kiến cảnh tượng vị PGS.TS dâng trào cảm xúc cùng những giọt nước mắt, có lẽ nhiều người không khỏi xúc động, bởi những gì mà clip thể hiện là tình cảm đích thực của nhân vật. (Một diễn viên lão luyện cũng khó mà đóng được như thế chứ đừng nói là một người Tày chân chất như ông). Và hình ảnh một trí thức hoa niên khóc ngon lành trước ống kính truyền hình trong chương trình thời sự của đài truyền hình quốc gia chính là “điểm nhấn” của bản tin. Những người làm chương trình rõ ràng là muốn qua đó để phát đi thông điệp: Chế độ cộng sản ở Việt Nam nhân đạo như thế đấy, ưu việt như thế đấy!

Vị PGS.TS ấy là thượng tá Vi Thái Lang, Trưởng khoa Triết học và chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Công an Nhân dân. Điều đó có nghĩa là, công việc hàng ngày của nhà giáo Vi Thái Lang bao năm qua – một công việc mà ông coi như là cách để báo hiếu cha mẹ hay đúng hơn là để đền đáp công ơn của Đảng và Nhà nước – là gieo vào đầu óc còn như trang giấy trắng của nhiều thế hệ học viên công an niềm tin về một chủ thuyết ngoại lai đã bị vứt vào sọt rác ngay trên chính quê hương của nó, thứ mà thậm chí người đứng đầu Đảng CSVN hiện nay cũng không biết là liệu đến hết thế kỷ này đã xuất hiện ở Việt Nam chưa, trong khi một vị bộ trưởng thì huỵch toẹt luôn là “làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.

Và rồi từ những kiến thức bị nhồi sọ về thứ chủ nghĩa không tưởng và phi nhân đó, những học viên công an kia – mà nhiều trong số họ là đối tượng của những chính sách “nhân đạo” như “con em trong ngành” – sẽ trở thành công cụ bạo lực của chế độ, thẳng tay trấn áp bất kỳ tiếng nói nào của lương tri, của lí trí trái với chủ thuyết ấy.

Buồn thay, người thầy với tấm lòng nhân hậu đó chưa ngộ ra được một sự thật là ông đã bị biến thành công cụ tội ác của chính cái hệ thống mà ông vẫn đang hết lời ca ngợi về tính “nhân đạo” của nó.

Người Việt vốn có truyền thống “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”… Thế nên cứ mỗi khi một vùng nào đó bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn… là người Việt trong và ngoài nước lại kẻ ít người nhiều chung tay cứu giúp những đồng bào ruột thịt đang trong cơn hoạn nạn.

Vậy nhưng, trớ trêu thay, tình trạng ăn chặn hàng cứu trợ lại đang trở thành một thứ bệnh dịch lây lan khắp xã hội Việt Nam.

Nguyên do của thực trạng trên tưởng không có gì khó hiểu. Để thể hiện bản chất “nhân đạo” của chế độ, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 quy định về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp hỗ trợ nhân đạo.

Theo đó, hoạt động cứu trợ nhân đạo, từ việc kêu gọi, vận động đến việc tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ gần như hoàn toàn bị chính quyền kiểm soát thông qua hai hệ thống từ trung ương xuống đến xã phường là Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ. Ngoài các cơ quan truyền thông đại chúng ra, các quỹ xã hội hay quỹ từ thiện muốn tham gia đều buộc phải có giấy phép thành lập quỹ, như Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 (trước đó là Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007) đã quy định. Khoản 3 Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP còn nêu rõ là “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.”

Nghĩa là, hoạt động cứu trợ nhân đạo nếu không muốn bị gây khó dễ hay thậm chí là bị ngăn chặn thì phải thông qua hệ thống công quyền – một “cỗ máy tham nhũng” theo đúng nghĩa, bởi nó là tập hợp của những kẻ sẵn sàng “ăn của dân không từ một thứ gì”.

Học viên cai nghiện

Trong câu chuyện nhiều kỳ “Trường cai nghiện”, tác giả Bạch Cúc – nguyên là một quản giáo của trường – đã vẽ nên một bức tranh hiện thực sinh động và khá đầy đủ bên trong một trung tâm cai nghiện ở Lâm Đồng. Tại đây, hàng nghìn nam nữ nghiện ngập – những người vốn dĩ đã là nạn nhân của hệ thống pháp luật kiểu cộng sản, khi họ luôn dễ dàng tìm được nguồn cung ma tuý ngoài xã hội – đã bị bắt và tống vào trại mà không thông qua bất kỳ một thủ tục tư pháp đúng nghĩa nào, thậm chí phải sau một thời gian gia đình họ mới được báo tin.

Đột nhiên rơi vào cảnh bị giam cầm và đặc biệt là bị tước đoạt gần như tất cả các quyền cơ bản của một con người bình thường, học viên nào cũng tìm mọi cách trốn trại, dù không một ai thành công. “Khi bị bắt trở lại, họ cho hay là họ sẵn sàng bất chấp sinh mạng để hy vọng tìm được tự do. Họ không thể chịu đựng nổi một cuộc sống giam hãm, lay lắt, chết dần chết mòn trong kìm kẹp, thiếu thốn và tuyệt vọng!”

Ngoại lệ duy nhất là một học viên nữ xinh đẹp. Song cô gái tên là Dung ấy đã chấp nhận chết trong căn chòi lá của một người đàn ông dân tộc giữa núi rừng Tây Nguyên, mang theo xuống tuyền đài mối tình câm lặng, đơn phương và ngang trái, chứ dứt khoát không trở về trại để được hưởng sự “nhân đạo” của đảng và nhà nước.

***

Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của một gương mặt điển hình trong hệ thống – Thiếu tướng Lê Trung Kiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, con trai của nhân vật từng đứng đầu chế độ CSVN suốt 26 năm – khi ông ta thản nhiên bình luận: “…Và thay vì một cuộc tắm máu như báo chí nước ngoài đã dự đoán trước giải phóng, những người thuộc chính quyền cũ chỉ bị đưa đi cải tạo, giáo dục” (!!!).

Suy cho cùng, cây độc thì không thể cho ra trái ngọt. Và với một hệ thống tội ác, sự nhân đạo của nó cũng là tội ác./.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả về vấn đề được nêu

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux