Quảng Cáo

Bi hài quy trình ‘trách nhiệm’: khi cựu tư lệnh ngành ra tòa và ‘tư lệnh đường phố’ từ chức

Ông Đinh La Thăng và ông Đoàn Ngọc Hải

Quảng Cáo

Thiên Điểu (VNTB)

Vụ án xét xử ông Đinh La Thăng cùng các cựu quan chức đứng đầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam bước vào ngày thứ 2 với một tình tiết bùng nổ các bình luận xung quanh việc ông Thăng trả lời chủ tọa phiên tòa về sai phạm của ông khi còn tại vị rằng “được sự đồng ý của Thủ tướng; theo sự chỉ đạo của Bộ chính trị..”.

Sân chơi dư luận cũng chợt xôn xao với thông tin ông Đoàn Ngọc Hải, người từng được cho là “tư lệnh đường phố” trong chiến dịch dọn dẹp lòng lề đường ờ thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ đệ đơn từ chức “vì không thực hiện được cam kết trước dân”.

Hai sự kiện không hề liên quan, nhưng có chung một yếu tố then chốt: Vấn đề trách nhiệm trong bộ máy nhà nước và luật pháp của chế độ hiện nay.

Về vụ xét xử ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Hai quan chức cao cấp trong bộ máy của chế độ được cho là vụ án đình đám nhất từ xưa tới nay liên quan cán bộ nhà nước. Ông Thăng là Ủy viên Bộ chính trị – cơ quan quyền lực cao nhất ở Việt Nam hiện nay – cho tới khi bị bắt và khởi tố trong cùng một ngày. Một sự thật được phơi bày ngay trong ngày xét xử thứ 2 là các bị cáo liên quan đồng loạt khailàm theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng”, còn ông Thăng thì khai “việc chỉ định PVC xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển Tập đoàn dầu khí Việt Nam đến năm 2015, đến 2025 đưa dầu khí thành tập đoàn kinh tế mạnh. Trong đó có nội dung quan trọng là tăng doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu, cũng như ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Triển khai thực hiện chủ trương chỉ đạo của Chính phủ phát huy nguồn lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…”.

Qua câu trả lời của ông Thăng có thể thấy: Việc thực hiện có sự đồng ý của Chính phủ, tuân theo chỉ đạo của Bộ chính trị..

Trên thực tế, không cần đến lời khai của ông Thăng thì ai cũng biết mọi hoạt động của các Tập đoàn lớn đều thông qua chỉ đạo của Chính phủ và Bộ chính trị vì đây là hai cơ quan chủ quản tối cao. Nhưng trên khía cạnh lời khai tại một phiên tòa thì nó chỉ ra phần lỗi có liên quan phạm tội là có cả Chính phủ và Bộ chính trị. Người ngoài cuộc lẫn trong cuộc, có thể không khỏi không nghĩ “chính phủ” ở đây là nhắm nói tới cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người bị qui trách nhiệm chính về vấn nạn tham nhũng mà Đảng CSVN đang mở cuộc tấn công quyết liệt, dẫn đến việc bắt giữ và xét xử ông Đinh La Thăng. Vậy còn “bộ chính trị” ?

Suy luận đương nhiên trên thực tế: Mọi quyết sách và quyết định lớn của Chính phủ đều phải thông qua Bộ chính trị. Bản thân ông Dũng khi còn tại chức từng có câu nói đê đời là “trung ương phân công thì tôi làm”, mà “trung ương” ở đây chính là Bộ chính trị. Trong “bộ chính trị” khi đó có cả đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Câu trả lời của ông Thăng vừa rất thật, vừa rất khôn ngoan. Tất nhiên chẳng ông Tòa nào lôi được “bộ chính trị” ra xét xử trong mô hình chế độ cộng sản ở Việt Nam cả. Còn với cá nhân ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lời khai của ông Thăng hay ai khác tương tự cũng không thể dễ dàng đưa ông ra tòa. Đơn giản vì ông cũng “làm theo chỉ đạo của Bộ chính trị” và công việc cụ thể là phê chuẩn theo đề xuất của cấp dưới.

Hãy đặt một giả thuyết liên quan dư luận nói rằng lời khai của ông Thăng dọn đường tới ông Dũng: Ông Trọng sẽ tiếp tục thể hiện quyết tâm “bắt bằng được” đối với ông Dũng như với trường hợp Trịnh Xuân Thanh thì sẽ ra sao ? Với bản tính của ông Dũng, đương nhiên sẽ không thể có một bản cung “nhận trách nhiệm” tương tự như của Đinh La Thăng để làm hồ sơ truy tố. Ông Dũng sẽ không dừng lại – trong trường hợp phải ra tòa – là chỉ nói có “sự chỉ đạo của Bộ chính trị” mà sẽ chỉ đích danh từng cá nhân trong Bộ chính trị liên quan là ai. Giả thuyết này đặt ra để có thể qua đó thấy rằng: Không có chuyện ông Dũng phải trả lời trước tòa trên vai trò nghi phạm của đối tượng “chính phủ” bị khai ra dù là từ bất cứ ai như một vài đồn đoán sau lời khai của ông Đinh La Thăng ngày 9/1/2018. Tất nhiên, đối tượng nghi phạm “Bộ chính trị” cũng sẽ không bao giờ xuất hiện dù có bất cứ chứng cứ hay cáo buộc nào (!) Ông Thăng, là thành viên từng có mặt trong Bộ chính trị là quan chức cao cấp nhất bị đem ra xét xử trong khoảng 30-40 năm trở lại đây chứ không phải là trường hợp đầu tiên của chế độ.

Như vậy, có thể kết luận: ông Thăng hay Trịnh Xuân Thanh trong cùng vụ án dù bị cho là có tội hay không có tội thì cũng đều dẫn đến cùng một kết cục: Làm đúng sẽ không làm được nhiệm vụ do Bộ chính trị giao, đương nhiên phải làm sai nếu tách riêng tội “tham nhũng” của ông Trịnh Xuân Thanh (!) Mặc dù dư luận cho rằng “xử Thanh tội tham nhũng mà không xử Thăng tội tham nhũng thì không phải là chống tham nhũng”.

Chuyển qua việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Quận 1 bất ngờ từ chức. Ông Hải có lẽ là quan chức đầu tiên đầu tiên trong bộ máy chính quyền hiện nay từ chức được công luận biết tới một cách rộng rãi. Cách đây vài ba chục năm, từng có không ít cán bộ tự nguyện từ chức trong những đợt “phê và tự phê” khi không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng khi đó thông tin chưa được rộng rãi như bây giờ nên ít người biết tới. Phải chăng ông Đoàn Ngọc Hải đã “thấm nhuần” chân lý là nếu không từ chức thì chính việc ông “chưa hoàn thành lời hứa trước nhân dân”. Biết đâu sẽ là cái cớ sau này buộc tội ông không hoàn thành nhiệm vụ vì một lý do nào đó mà trường hợp ông Đinh La Thăng thực hiện theo “sự chỉ đạo của Bộ chính trị” nhưng vẫn phải trả giá là ví dụ nhãn tiền ?

Có thể nói: Hành động của ông Hải cũng rất khôn ngoan, ông đã nhận được không ít lời khen ngợi của ngay chính những người thuộc phe “lề trái” vốn bất mãn với hệ thống quan chức trong đó có ông. Cũng chính từ thái độ của phe “lề trái” trước việc ông Hải từ chức cho thấy thêm một sự thật: Sự thể hiện bất mãn, các phản ứng của lực lượng đấu tranh dân chủ chỉ nhằm thể hiện mong muốn một đất nước, một xã hội có một chế độ lãnh đạo tốt hơn. Có trách nhiệm và đạo đức trước hành động của từng quan chức chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác.

Có thể ông Đoàn Ngọc Hải sẽ không được chấp thuận cho nghỉ. Có thể ông Thăng còn khai ra thêm nhiều chuyện.. Nhưng tựu trung chỉ riêng hai vụ việc này đã chỉ ra chân lý sống còn của chế độ: Bộ máy lãnh đạo của thể chế phải thay đổi được nguyên tắc xác định trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể và minh bạch trước nhân dân chứ không thể vẫn giữ nguyên cách thức đem tập thể ra để hô biến những nghi phạm kiểu “bộ chính trị, chính phủ..” tương tự như trng vụ án đang xét xử. Tham nhũng sẽ vẫn tồn tại, thậm chí còn mạnh hơn khi quyền lực tập trung vào cá nhân không còn đối thủ.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả về vấn đề được nêu

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux