Tân Phong – Việt Tân
Những bảng thành tích “màu hồng”
Những ngày cuối năm 2017, truyền thông “lề phải” tiếp tục “tô hồng” cho một bức tranh kinh tế với những lời có cánh về thành tựu năm qua. Những con số tăng trưởng 6,8% GDP “thần thánh”, kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 400 tỷ USD, lượng khách du lịch quốc tế với kỷ lục 1.3 triệu lượt, “tổ chức và điều phối” thành công hội nghị thượng đỉnh diễn đàn 21 nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương…..
Điệp khúc “chưa từng có”, “lớn nhất từ trước đến nay”, “đạt mọi tiêu chí phát triển”, “bền vững”, “vượt bậc”… là những cụm từ quen thuộc, dày đặc trong những trang báo cáo của nhà cầm quyền Hà Nội suốt hơn 15 năm qua – một truyền thống dối trá đã được phát triển ở “tầm cao mới” kể từ thời kỳ “người tử tế” làm Thủ Tướng.
Con số 400 tỷ USD kim ngạch xuất, nhập khẩu là một con số gộp cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu theo cơ quan thống kê. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 210 tỷ USD nhưng chỉ tính riêng công ty TNHH SamSung – Việt Nam đã đạt mức xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD, chiếm gần 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Năm 2016, con số này là 39.9 tỷ USD, chiếm khoảng 22,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngoài 135.000 lao động, một số ít công ty Việt Nam khó khăn lắm mới “chen chân” được vào chuỗi cung ứng dịch vụ và sản phẩm phụ cho Samsung, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong giá trị sản phẩm của đại gia Hàn Quốc này.
Mỗi năm, Việt Nam thu được khoảng 50 – 60 triệu USD thuế suất và “một mớ lông vịt” kiếm được từ bảo hiểm xã hội, y tế, thuế thu nhập cá nhân của đội ngũ lao động cho“bọn tư bản giãy chết” xứ Kimchi này. Tất cả chỉ có vậy.
Tuy có sự suy giảm đáng kể ở mảng khai khoáng, xuất khẩu dầu mỏ thô. Bù lại, một sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên ở khu vực Nông nghiệp đã đem về kim ngạch xuất khẩu gần 30 tỷ USD. Bên cạnh đó, lượng thép (từ Trung Quốc) được đóng mác “made in VietNam” để lấy nguồn gốc xuất xứ C/O, tránh thuế nhập khẩu cao để vào các thị trường như Mỹ và EU theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, cũng tăng vọt.
Báo cáo của ngành Du lịch lạc quan với lượng khách du lịch quốc tế khoảng 1,3 triệu lượt, được đánh giá là “cao nhất” từ trước tới nay. Một tỷ lệ lớn, chiếm hơn 30% trong con số “cao nhất” đó là khách du lịch Trung Quốc. Họ du lịch theo tour do các công ty Trung Quốc tự tổ chức, mức chi tiêu và thời lượng lưu trú hạn chế, thậm chí được chính phủ Trung Quốc “trợ giá du lịch”, đóng góp nguồn thu ngoại tệ rất khiêm tốn, chưa kể đến vấn nạn xã hội, chính trị phức tạp.
Năm 2017 cũng chứng kiến sự hồi sinh ở thị trường bất động sản, sau quyết định bơm 1,2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Hơn 500.000 tỷ đồng bơm ra vào 6 tháng đầu năm và hơn 700.000 tỷ đồng bơm ra vào 6 tháng cuối năm để đạt mức tăng trưởng tín dụng lên tới 22%. Một lượng tiền khổng lồ đã được đổ vào bất động sản, những dự án dang dở được chuyển giao cho những “tên tuổi” mới và những “nhóm thân hữu mới”… có tác dụng làm cho quả bóng bất động sản tiếp tục được bơm phồng dù những “lỗ thủng” của quả bóng này sẽ không có miếng vá nào vá đủ. Tuy vậy, trong ngắn hạn, người ta ghi nhận sự “hồi sinh” trở lại của những “bệnh nhân người Việt” trong thị trường bất động sản đầy rủi ro.
Mức “tăng trưởng” nhờ bơm tiền này, quả thực, chỉ là biện pháp “lợi bất cập hại” làm cho “con ngựa lạm phát” sẽ rứt đứt dây cương và kéo theo rất nhiều hậu quả tai hại cho kinh tế vĩ mô. Chưa kể, nguồn tiền này được bơm đi đâu, vào “sân nhà” của phe cánh nào trong việc thâu tóm những dự án bất động sản của những cá mập thời kỳ trước là dấu chấm hỏi to đùng.
Những yếu tố trên, góp phần đáng kể làm đẹp cho những con số trong báo cáo kinh tế cuối năm. Xong, với hơn 70% kim ngạch xuất khẩu quốc gia phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI và những “ông lớn” như SamSung, thật khôi hài khi đưa những con số tăng trưởng xuất nhập khẩu vào trong bảng báo cáo như là một thành tích của “chính phủ Liêm chính và Kiến tạo”.
Tử huyệt của nền kinh tế Việt Nam
Thâm hụt thương mại và Nợ công
Gần như tất cả nguồn ngoại tệ quí giá kiếm được từ thị trường Mỹ và EU, bị “nuốt trọn” bởi thâm hụt thương mại với Trung Quốc (khoảng 50 tỷ USD ở cả chính ngạch và tiểu ngạch). Chưa kể đến những thị trường như Hàn Quốc cũng làm thâm hụt mỗi năm gần 20 tỷ USD. Nên kim ngạch xuất nhập khẩu tuy hơn 400 tỷ USD, nhưng chỉ mang về 3 tỷ USD xuất siêu ít ỏi. Số ngoại tệ này quá nhỏ bé so với 15 tỷ USD/năm là số nợ Việt Nam phải trả các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng thế giới thời gian tới.
Phương án vay thêm để đáo hạn “nợ chồng nợ” bây giờ cũng khó khăn hơn nhiều kể từ 7/2017. Nguồn thu ngoại tệ đáng kể là “kiều hối” từ “khúc ruột ngàn dặm” và “xuất khẩu nô lệ” – giảm gần ½ so với những năm “hoàng kim” trước năm 2013 không thể nào bù đắp sự thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng nếu không có những vụ “bán chó, đợ con” như vụ “áp phe” Sabeco và Vinamilk vừa qua.
Với số nợ công thực tế được các chuyên gia tài chính khách quan đánh giá, có thể lên tới 250% GDP từ lâu, trong khi sức khỏe nền kinh tế bị đục ruỗng tới tận “gan ruột”, khả năng có thể vừa trả nợ và tăng trưởng lành mạnh là điều bất khả thi với những tồn tại “thâm căn” mang tính hệ thống, nội hàm của thể chế.
Sự thao túng của Trung Quốc đối với nền nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Nền nông nghiệp Việt Nam trong nhiều thập kỷ, dù tồn tại nhiều vấn đề từ chính những hạn chế nội tại nhưng luôn là ngành mang về những đồng ngoại tệ quí giá, dù khiêm tốn bên cạnh vai trò ổn định nền kinh tế. Đây là ngành trụ cột quan trọng cũng là tương lai của kinh tế Việt Nam nếu gia tăng được hàm lượng công nghệ, xây dựng được thương hiệu cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Tuy vậy, đề tài muôn thủa của nghịch lý “được mùa, mất giá” kể từ “Khoán 10” và “Mở cửa” năm 1986 đến nay chưa bao giờ được giải quyết. Tỷ lệ cơ giới hóa thấp, ứng dụng công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi mới… hạn chế.
Người nông dân phải tự giải quyết mọi vấn đề trong một vòng luẩn quẩn với muôn ngàn khó khăn về vốn, sở hữu đất đai, vật tư thiết bị, hạ tầng nông nghiệp đến thị trường tiêu thụ. Một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, phụ thuộc hơn 80% “đầu vào” vật tư nông nghiệp và hơn 60% tỷ trọng xuất khẩu nông thổ sản “đầu ra” vào Trung Quốc.
Mỗi ngày, VN đã nhập khoảng 20 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc và việc kiểm soát chất lượng, mức độ an toàn của những sản phẩm này với đa số cơ quan hữu trách ở VN không khác gì “bịt mắt bắt dê”. Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất trong nước chỉ giải quyết được phần nào nguồn phân bón cơ bản. Thị trường vật tư nông nghiệp còn lại, hầu như không có nhà sản xuất nội địa đáng kể.
Sau hơn 30 năm “đổi mới”, Việt Nam không có một thương hiệu gạo trên trường quốc tế, dù xuất khẩu trước Cambodia hai thập kỷ và là một trong 5 nước luôn có sản lượng gạo xuất khẩu lớn nhất thế giới. Giá gạo Việt Nam thấp hơn nhiều so với gạo Thái hoặc Cambodia.
Tiêu chuẩn chất lượng gạo Việt chủ yếu để làm thức ăn gia súc và thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc. Nhiều năm qua, vấn nạn độc quyền xuất khẩu gạo với kiểu “mua như cướp, bán như cho” của những doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực chiến lược này đã thực sự trở thành “cường hào, ác bá” kiểu mới, bóc lột gián tiếp người nông dân đến tận xương tủy, hạn chế đa dạng hóa thị trường và kiềm hãm sự phát triển ngành nông nghiệp nước nhà.
Nông nghiệp Việt Nam bị chi phối nặng nề bởi các thương lái “16 vàng, 4 Tốt” và bởi chính cơ chế quản lý cực kỳ ẩu trĩ, tham nhũng, lợi ích nhóm của Bộ NNPTNT từ thời Phạm Xuân Đương, Cao Đức Phát và bây giờ là Nguyễn Xuân Cường. Tư duy ngây ngô của ông bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khi nói về định hướng phát triển ngành nuôi tôm ở VN thành số 1 thế giới, đáp ứng toàn bộ nhu cầu ăn tôm còn thiếu của thế giới quả thực khiến cho những người có chút hiểu biết kinh tế thị trường đều kinh hoàng với “đỉnh cao trí tuệ” của ông “tư lệnh” này.
Những “vấn đề” của nông nghiệp Việt Nam là một thực trạng chung cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, với qui mô và sức mạnh tài chính, công nghệ, thương mại vượt trội quá nhiều so với Việt Nam nên nếu đem so sánh lợi thế hai nền kinh tế này thì quá lệch pha.
Sự phụ thuộc, cùng với thói quen “ăn xổi ở thì”, “tham bát, bỏ mâm” của doanh nhân Việt trong những vụ “treo đầu dê bán thịt chó” như Khải silk hay bây giờ là Thép Hoa Sen, Cà Ná… làm cho doanh nghiệp Việt “mãi không chịu lớn”. Vấn nạn này thậm chí là trào lưu phổ biến trong giới doanh nhân Việt trong một nền kinh tế méo mó “định hướng xã hội chủ nghĩa” đang cố gắng trở thành một cái đuôi của con gà trống Trung Hoa.
Người Trung Quốc dễ dàng thao túng mọi biến động thị trường Việt Nam từ sắt thép, thiết bị công nghiệp, lương thực, thực phẩm, nông sản… đến từng quả trứng, mớ rau ngoài chợ trời. Đó là một thảm họa thực sự cho nền kinh tế vẫn không dứt bỏ thói quen bầy đàn và tư duy “tiểu nông” khôn vặt, thấy lợi trước mắt mà sẵn sàng chặt chân trâu đem giá cao cho thương lái Trung Quốc.
Thảm họa môi trường và gánh nặng xã hội
Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam là trầm trọng. Nguồn ô nhiễm lớn nhất từ phương tiện giao thông, ô nhiễm nước và không khí đô thị, khu công nghiệp trở thành một vấn nạn nhức nhối, tác động lâu dài và nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh kế của cộng đồng.
Chi phí về y tế tăng cao đặt áp lực ngược trở lại cho nền kinh tế với bài toán an sinh xã hội. Với hơn 300 người chết vì ung thư mỗi ngày ở Việt Nam, trong đó những chứng bệnh ung thư phổi, dạ dày, trực tràng… chủ yếu có nguyên nhân lớn từ ô nhiễm không khí, nguồn nước và thói quen ăn uống, sinh hoạt. Tỷ lệ người bị mắc bệnh đa phần ở độ tuổi trung niên trở lên, đang là lực lượng lao động chính của xã hội. Bệnh tật là một gánh nặng không chỉ cho cá nhân mà còn cả gia đình, xã hội.
Thảm họa môi trường ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh tại khu công nghiệp hủy diệt sinh thái môi trường biển để lại thiệt hại to lớn, lâu dài, phá hủy cơ cấu kinh tế 4 tỉnh ven biển miền Trung năm 2016 đến nay chưa có giải pháp. Ảnh hưởng về môi trường và sức khỏe cộng đồng sẽ còn to lớn hơn nhiều và những thành phố ung thư sẽ xuất hiện. Hậu quả này ai sẽ chịu trách nhiệm?
Gánh nặng xã hội và thiệt hại kinh tế của thảm họa này sẽ là hàng trăm tỷ USD với di họa lâu dài về sức khỏe.Việt Nam có bao nhiêu Formosa? Có bao nhiêu Lee&Man, Suphe photphat Lâm Thao, Bãi Bằng, Tân Rai Nhân Cơ, Thép Thái Nguyên… mẫu số chung của tất cả những khu công nghiệp này đều có bàn tay và công nghệ Trung Quốc.
Thảm họa môi sinh của những tổ hợp này gây ra không chỉ dừng lại ở thiệt hại to lớn về kinh tế mà sẽ tạo ra những khủng hoảng lâu dài về an sinh xã hội, nhân đạo. Tất cả những dự án này đều là những quả bom có thể nổ bất cứ lúc nào và phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế cũng như xã hội Việt Nam.
Sự trừng phạt của Mỹ và liên minh EU trong việc gian lận thương mại và vi phạm nhân quyền
Vừa qua, Mỹ đã chính thức áp dụng mức thuế chống phá giá với các sản phẩm thép từ Việt Nam với mức thuế lên tới 500% so với mức thuế hiện tại. Đây là sự trừng phạt của Mỹ và tiếp tới là EU trong việc các công ty có vốn Trung Quốc gian dối nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bằng việc thông qua một đối tác trung gian ở Việt Nam. Thực ra, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và ở nhiều ngành nhưng kể từ khi chính quyền Trump siết chặt các rào cản thương mại nhằm bảo vệ kinh tế Mỹ thì những cáo buộc và trừng phạt thương mại này mới thực sự được áp dụng.
Hậu quả của chính sách này sẽ ảnh hưởng lớn đến xu hướng dịch chuyển các ngành công nghiệp nặng, gây ô nhiễm, các công xưởng sang các nước kém phát triển của Bắc Kinh nhằm trốn thuế và xả thải. Những doanh nghiệp nội địa Việt liên doanh với những doanh nghiệp Trung quốc trong ngành dệt may, sắt thép… sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.
Những đại dự án như Formosa Hà Tĩnh, Hoa Sen Cà Ná,… sẽ là nạn nhân trực tiếp của chính sách trừng phạt của Mỹ và EU. Khi cơ hội chạm cánh cửa TPP và EVFTA đã là “thời xa vắng”, chính sách anti-China này của Trump thực sự là cơn ác mộng với những nền kinh tế bị phụ thuộc vào Trung Quốc như Việt Nam.
Không những thế, “thành tích” vi phạm về Nhân quyền gia tăng của Hà Nội trong thời gian qua, cùng việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Đức – “người gác đền” của Liên minh Châu Âu – đồng nghĩa với việc CSVN tự “lấy đá ghè chân mình” ngay trước thời điểm đàm phán về EVFTA: hiệp định thương mại rất quan trọng đối với Việt Nam, nơi thị trường EU mỗi năm mang về con số 28 tỷ USD xuất siêu cho CSVN.
Ngay cả hiệp định vớt vát TPP không có Mỹ gọi là CPTPP (Comprehensive and Progress Agreement for Trans-Pacific Partnership) cũng khó mà có thể đạt được nếu VN không tuân thủ các điều kiện về chế độ lao động, công đoàn, nhân quyền trong thời gian tới.
Không rõ, định hướng XHCN sẽ như thế nào khi mà Hà Nội đang tự mình loại bỏ vai trò của mình ở các sân chơi và diễn đàn kinh tế, thương mại quan trọng nhất? Có lẽ “người đốt lò” có niềm tin kiên định rằng, chỉ cần là “anh em tốt”, “láng giềng tốt” với người bạn “16 vàng 4 tốt” là có thể yên tâm xây dựng Thiên Đàng CNXH?
…và viễn cảnh 2018
Cuối cùng, đằng sau tất cả những con số báo cáo thành tích hoành tráng về tăng trưởng kinh tế là một nền kinh tế èo uột, què quặt. Những con số “tăng trưởng” kim ngạch xuất khẩu, thực chất là một trò gian manh, “trí tuệ kiểu Trạng Quỳnh” mượn áo khoác cho sang. Mặc dù, năm 2017, ghi nhận sự tăng trưởng ở lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp… nhưng đằng sau những thành tựu đó, vô số những tử huyệt của một nền kinh tế với những tồn tại liên quan đến bản chất thể chế và một hệ thống “gông cùm” thuế phí và các “cường hào, ác bá” đang ngày đêm “ăn không chừa thứ gì” là nguyên nhân kiềm hãm sự phát triển của đất nước và doanh nghiệp.
Con số tăng trưởng GDP 6,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng lên tới 22% và lạm phát không ít hơn 2 con số với sự “minh bạch và khách quan” được “định hướng” của cơ quan thống kê Việt Nam là một trò hề vụng về.
Thâm hụt thương mại với Trung Quốc, di họa từ thời Nguyễn Tấn Dũng đã đẩy nền kinh tế Việt Nam vào “bước đường cùng” khi để cho Trung Quốc tha hồ thao túng thị trường, vô phương kiểm soát là căn bệnh thế kỷ mang tên “Chết bởi Trung Quốc”.
Căn bệnh này đang ở “giai đoạn cuối”, và cặp bài trùng Nguyễn Phú Trọng – Hoàng Trung Hải đang hủy hoại tất cả khả năng “miễn dịch” của nền kinh tế Việt Nam bằng tất cả những văn bản bán nước công khai, dỡ bỏ mọi hàng rào thuế quan và kiểm soát về chất lượng, an toàn vstp, môi trường, bảo vệ thương hiệu….
Với thâm hụt gần 50 tỷ USD/năm với Trung Quốc (cả chính ngạch và tiểu ngạch) sẽ làm cho Việt Nam cạn kiệt dự trữ ngoại tệ. Trong khi đó, áp lực về trả nợ lên tới 15 tỷ USD/năm và lương kiều hối đang giảm mạnh… tất cả là một thực trạng đen tối, một tiền đồ u ám phía trước. Nếu như năm 2017, có Sabeco, Vinamilk để bán, thu về “một mớ” ngoại tệ, thì năm 2018 sẽ phải bán tiếp những tài sản quốc gia nào tiếp theo?
Nếu không còn doanh nghiệp nào đáng giá, thứ phải bán đến là hầm mỏ, cảng biển, biển đảo và cả chủ quyền quốc gia? Những Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được CSVN ngợi ca là đảo ngọc, đặc khu kinh tế đầy tương lai, sẽ lần lượt được chào bán với Trung cộng và giới tư bản “xứ giãy chết”. Những cảng chiến lược như Cam Ranh, Hải Phòng, mỏ khí Cá Voi Xanh, Tư Chính… sẽ lần lượt tiếp nối.
Trước khi chứng kiến sự sụp đổ của một thể chế, những Tư Bản Đỏ sẽ mang hết tất cả tài nguyên quốc gia, di sản của tiền nhân 4000 năm dựng nước, để bán cho sạch sẽ, chất đầy những tài khoản, valy trước khi tìm đường lưu vong.
Sự kiện Vũ nhôm, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng… tất cả chỉ là những con domino đầu tiên. Khi cả “lề trái” và “lề phải” đang cùng đi chung một đường, dư luận quần chúng bị “dắt mũi” dễ dàng bởi ban Tuyên giáo Trung ương thì có thể thấy rõ viễn cảnh những thảm họa đang xầm xập kéo đến ngay sau lưng, nghiền nát “đám đông quần chúng” vẫn ngồi “hóng hớt” những “tấn trò đời” hay “trò hề Công lý”. Đáng thương thay mà cũng đáng trách lắm thay!
Leave a Comment