Bỏ vành móng ngựa, vẫn còn lạc hậu

Ông Đinh La Thăng trong vai bị cáo.
Ông Đinh La Thăng trong vai bị cáo.
- Quảng Cáo -

Diem Huong Pham FB

Đọc bản tin “Xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm” của báo Dân Trí thấy vài điều, muốn chia xẻ với các bạn.

Đây là phiên tòa đầu tiên không có “Vành Móng Ngựa” ngăn cách giữa bị cáo và quan tòa (nhưng có cái bục gỗ thay thế!).

Theo Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc phiên toà xử ông Đinh La Thăng không có vành móng ngựa là áp dụng theo quy định mới bắt đầu từ đầu năm 2018. Theo đó, thực hiện Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, quy định về phòng xử án có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, do Chánh án TAND Tối cao vừa ký ban hành, các phiên tòa xử án đều không có vành móng ngựa.

- Quảng Cáo -

Luật sư Lê Văn Thiệp phân tích, việc bỏ vành móng ngựa khi xét xử các vụ án hình sự thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người của các bị cáo.

Từ những hình ảnh về phiên tòa của báo Dân Trí, người viết cảm nhận:

Bên ngoài tòa án:
Phiên xử đầu tiên “không có vành móng ngựa” tại tòa án Nhân Dân thành phố Hà Nội mang đầy vẻ “nhân văn” của thế giới tư bản.

Thật vậy, thứ Hai ngày 8 tháng Giêng, 2018, Hà Nội sáng chậm, nhưng người đến xem phiên tòa khá đông từ sớm. Đa số là những người trẻ, trang phục gọn ghẽ. Một số tụm năm tụm ba bàn tán râm ran. Một số đang được công an xem xét giấy tờ để vào tham dự phiên tòa.

Giới truyền thông baó chí trong và ngoài nước dựng những dàn máy chụp hình quay phim hiện đại ngay trước cổng tòa án.

Tuyệt nhiên không có cảnh công an ngăn chặn, rượt đuổi người đến tham dự phiên tòa, và hốt mọi người lên xe về đồn tra khảo đánh đập như các phiên tòa (có vành móng ngựa) xử những người yêu nước như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn văn Oai hay phiên tòa xử chị Trần Thị Nga mới đây.

Tám giờ sáng, đoàn xe đặc chủng chở các bị cáo bật đèn sáng choang, hú còi inh ỏi chạy đến cổng chính của toà. Đoàn người đi xem đứng rẽ ra hai bên, tuyệt nhiên không nghe tiếng gọi, tiếng nhắn tha thiết từ những người đi xem, hay đi dự phiên tòa nhưng không được vào (vì bị công an chận lại từ xa) trong các phiên tòa xử người yêu nước.

Bên trong tòa án:
Giới báo chí được dành một khu vực riêng để thực hiện chức năng chuyên môn, không bị ngồi trong phòng cách ly, xem phiên xử qua màn hình (như trong các phiên tòa xử người yêu nước.)
Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và những đồng phạm lần lượt đứng trước một khung gỗ hình chữ U (chẳng khác vành móng ngựa là bao!). Không bị cáo nào bị còng tay cả. Các bị cáo đều mặc trang phục chỉnh tề. Sắc diện tỉnh táo, bình thản, có một bức hình chụp TXT trò truyện với một đồng chí công an ngay trong phiên tòa, TXT xem có phần thoải mái dễ chịu.

Nếu bà Luật sư Petra Schlagenhauf của TXT (người bị chận tại phi trường Nội Bài, không được dự phiên tòa) xem bức ảnh, chắc bà sẽ hài lòng về sức khoẻ của thân chủ và thán phục tính nhân văn của phiên tòa CSVN, kẻ đã bắt cóc con tin TXT ngay trên đất nước của bà.

Quang cảnh trong và ngoài tòa án nhân dân Hà Nội trong phiên xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh nhắc người viết về phiên tòa phúc thẩm xử y án tử hình cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng hồi tháng Tư năm 2014, lúc đó tòa còn “vành móng ngựa”. Tường thuật phiên toà này của báo Dân Trí:

“…Dương Chí Dũng vừa được dẫn giải ra khỏi phòng, đi ngay sau bị án Bùi Thị Bích Loan, tiếng gọi “anh Dũng ơi” vang râm ran ngoài tường rào. Vợ con bị cáo bước ra từ phòng xử trước đó cũng đứng né về một bên lối vào, cố gắng đi theo chồng, cha vài bước đến xe thùng. “Bố giữ gìn sức khỏe nhé!”, “Cố gắng nhé!”, “Cả nhà sẽ cố lo!” – những tiếng phụ nữ gọi với theo.


Dương Chí Dũng cười tươi, vẻ mặt hồ hởi quay qua gật đầu chào mọi người. Bước lên xe thùng, bị cáo còn quay người lại, chắp 2 tay chào như thể cảm tạ cùng lời động viên người thân “cứ yên tâm nhé”.

Phiên tòa (xử đảng viên) có vành móng ngựa cũng nhân văn không kém!

Lại nghĩ đến những phiên tòa (có vành móng ngựa) xử người yêu nước, người ta đều thấy sự đối xử thô bạo, man rợ, của nhà cầm quyền đối với gia đình thân nhân của người bị buộc tội. Phiên tòa luôn được cho là xử công khai, nhưng người thân ruột thịt không được dự phiên tòa, bạn bè thân hữu đến hỗ trợ tinh thần, đều bị đánh đuổi bằng dùi cui, bị bắt về đồn, nhân phẩm bị xúc phạm trầm trọng.

Tóm lại, có hay không có vành móng ngựa, các phiên tòa xử người của đảng đều nhiều ít có tính nhân văn, khác hẳn thái độ thảo khấu ở các phiên toà đảng dàn dựng để xử người yêu nước.

Nay có Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, ấn định các phiên tòa hình sự sẽ không có vành móng ngựa, để “thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người của các bị cáo”, thông tư này chắc chắn phải được áp dụng đồng đều cho tất cả mọi người (đảng viên hay người dân thường).

Ngày 15 tháng Giêng sắp tới sẽ là phiên xử phúc thẩm TNLT Nguyễn văn Oai. Phiên xử này chắc chắn áp dụng Thông tư 01/2017/TT-TANDTC: “không có vành móng ngựa, thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người của các bị cáo”. Gia đình thân nhân của TNLT Nguyễn văn Oai (ít nhất là Mẹ, vợ và con của Oai) sẽ được mời tham dự phiên tòa. Bạn hữu gần xa sẽ tự do thoải mái tụ tập trước toà án để hỗ trợ tinh thần Oai. Báo chí sẽ được dành cho khu vực đặc biệt để tác nghiệp, đưa tin và hình ảnh trung thực.

TNLT Nguyễn Văn Oai

Xe chở TNLT Nguyễn văn Oai sẽ vào toà án bằng cổng chính, người đến xem phiên xử sẽ đồng thanh hô vang: “Nguyễn văn Oai vô tội” trước sự chứng kiến “bất động” của công an.

Nói chuyện VN, thì phải nói theo luật lệ VN, chứ ở các nước Tây phương dân chủ tự do, cái “vành móng ngựa” được đặt ở các phiên tòa, không làm giảm tính nhân văn, không hề xúc phạm nhân phẩm “người bị buộc tội”.

Điều làm tổn thương “người bị buộc tội” là việc nhà cầm quyền lập cáo trạng sai sự thật, tạo chứng cớ gian, để kết án người vô tội. Hội đồng xét xử kém cỏi về nghiệp vụ chuyên môn, lấn át luật sư bào chữa, để thực hiện bản án bỏ túi có sẵn, và tàn tệ hơn, là những bạo lực công khai đàn áp người dân ở bên ngoài toà án.

Thiết nghĩ, điều cần làm là thực thi công lý và công bằng tại các phiên tòa. Tôn trọng quyền tự do ngôn luận, không lập phiên tòa vô lý xét xử người yêu nước, đó là tôn trọng quyền con người, đó là nhân văn, chứ không phải màu mè hình thức loại bỏ cái vành móng ngựa./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here