Quảng Cáo

Không phải chính phủ, mà đảng ‘ôm’ Petro Vietnam!

Ông Trần Sỹ Thanh được điều từ bí thư Lạng Sơn về làm phó trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương kiêm chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Petro Vietnam. (Hình: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Quảng Cáo

Phạm Chí Dũng – Người Việt

Chiến dịch “thay máu PVN” ngày càng lộ liễu, lạnh lùng và rút ngắn thời gian – chỉ chín tháng sau “bản thông điệp 800 tỷ đồng.”

“Kiêm”

Tháng Ba, 2017, việc Hội Đồng Xét Xử tạm ngưng xử vụ “Hà Văn Thắm và đồng bọn” để trả hồ sơ và yêu cầu điều tra làm rõ hơn một số vụ việc, trong đó có số tiền 800 tỷ đồng bị biến mất mà trước đó Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) đã góp vào ngân hàng Đại Dương, đã phát tín hiệu chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng không hề muốn “khoanh” vụ án chỉ nằm trong phạm vi ngân hàng này như một số đồn đoán trước. Mà còn “phát triển” đến PVN – mảnh đất từ đó đi lên của ông Đinh La Thăng…

Đến Tháng Mười Hai, 2017, PVN cũ, nay là Petro Vietnam, sở hữu khối tài sản lên đến hơn $7 tỷ và là một trong những huyết mạch của hệ thống tài chính và ngân sách của chế độ một đảng ở Việt Nam, đã có chủ tịch Hội Đồng Thành Viên mới: ông Trần Sỹ Thanh, ủy viên Trung Ương Đảng, cựu bí thư Tỉnh Ủy Lạng Sơn – nhân vật được cho là cháu của ông Nguyễn Sinh Hùng – cựu chủ tịch Quốc Hội.

Nhưng ấn tượng nổi bật hơn cả là vào ngày 22 Tháng Mười Hai, 2017, Bộ Chính Trị đảng CSVN đã ra quyết định phân công ông Trần Sỹ Thanh giữ chức phó trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương kiêm chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Petro Vietnam.

Một lần nữa, phía đảng tung ra thủ pháp “kiêm.” “Kiêm” và kèm theo “luân chuyển cán bộ lãnh đạo” cùng đặc quyền điều động cán bộ của Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư luôn là một biện pháp đắc dụng để các quan chức “không hợp lòng đảng” chẳng còn kêu ca được gì.

Từ năm 2015 trở về trước, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Petro Vietnam luôn là đặc quyền bố trí của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng sau khi “Dũng nghỉ,” Đinh La Thăng – cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Petro Vietnam – đã bị Tổng Bí Thư Trọng chỉ đạo Bộ Công An khởi tố và tống giam vào ngày 8 Tháng Mười Hai, 2017.

Giờ đây đã quá rõ là trong con mắt của đảng, nếu vụ Hà Văn Thắm – ngân hàng Đại Dương được xem là “đại án” thì có lẽ vụ PVN khi lôi ra tòa sẽ trở thành “đại đại án.”

Bây giờ không phải chính phủ, mà đảng mới là tổ chức lãnh trách nhiệm “ôm” hũ mật PVN, cùng lúc thực hiện rốt ráo động tác “nhất thể hóa.”

Bản nhạc “nhất thể hóa” đã có khúc dạo đầu từ trước đại hội 12.

“Nhất thể hóa”

Nửa năm sau đại hội 12, bên đảng bắt đầu phát ra dấu hiệu cùng hành động “tập quyền.” Vào Tháng Bảy, 2016, với một động tác chưa có tiền lệ, ông Trương Minh Tuấn, người đã trở thành bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, được Bộ Chính Trị điều động kiêm chức vụ phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Như vậy, ông Tuấn cùng một lúc vừa làm việc bên chính quyền, lại vừa là “người của đảng.”

Sang Tháng Tám, 2016, ông Cao Đức Phát, người vừa thôi chức bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn nhưng vẫn được bầu vào Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 12, được bổ nhiệm là phó trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương.

Tháng Chín, 2017, đích thân Tổng Bí Thư Trọng “tự tham gia” vào Đảng Ủy Công An Trung Ương mà khiến có dư luận cho rằng ông Trọng “thống lĩnh các lực lượng vũ trang,” sau khi đã chắc chắn vị trí bí thư Quân Ủy Trung Ương.

Mô hình “nhất thể hóa” rõ là nhằm tăng cường xu hướng tập quyền cho đảng là có cơ sở. Người ta đang và sẽ chứng kiến quyền lực của các cơ quan đảng không những không bị co hẹp vì “khó khăn ngân sách” mà còn mạnh hơn trong thời gian tới. Nhưng sẽ có một khác biệt rất cơ bản là nếu trước đây đảng chỉ “lãnh đạo đường lối” thì trong thời gian tới, hàng loạt nhân sự của đảng sẽ được cho kiêm chức bên chính quyền trung ương và cả chính quyền địa phương, lấy đó làm cơ sở để “người của đảng” kiêm việc điều hành chính quyền, và từ đó sẽ xuất hiện một cơ chế “chính ủy trong chính quyền.”

Tại Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, 2017, “Nhất thể hóa bộ máy và chức danh giữa đảng và nhà nước” – một chủ trương của đảng cầm quyền bắt đầu được thi hành – ngày càng trở thành thời cơ bất ngờ sáng rỡ dành cho những quan chức nào đó, nhưng cũng biến thành nỗi nguy hiểm “kề dao vào cổ” đối với nhiều quan chức khác, nhất là số đầu tỉnh thành.

Tương lai “nhất thể hóa” theo cách “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân” – một dạng “chính ủy chuyên quyền 3 thành 1” – hầu như chắc chắn sẽ được “đánh lên” trong năm 2018 , tức từ cấp xã, huyện lên thẳng cấp tỉnh thành.

Nếu trước đây ở một số tỉnh thành còn thí điểm cơ chế bí thư tỉnh kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân, nhưng cơ cấu quyền lực vẫn còn phân nhánh theo phương thức “nhị quyền phân lập” – tức bí thư tỉnh và chủ tịch tỉnh là hai nhân sự khác nhau và cách nào đó kiểm soát quyền lực lẫn nhau, thì khi thực hiện cơ chế “3 thành 1,” các “chính ủy” sẽ “quyết” hết, từ vấn đề nhân sự đến điều hành kinh tế-xã hội, và cả những dự án màu mỡ có nguồn vốn từ ngân sách và viện trợ ODA. Sẽ không có chuyện “chính ủy” phải hỏi hoặc xin ý kiến của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh thành về quyết sách này quyết sách kia…

Một trong những thủ pháp để tiến hành có hiệu quả và nhanh chóng mô hình “nhất thể hóa” của Tổng Bí Thư Trọng là cơ chế “kiêm.”

Sau Hội Nghị Trung Ương 6, đã có những từ ngữ ẩn dụ được tung ra về những khái niệm rất chung chung như hợp nhất “tổ chức,” nội vụ,” “thanh tra,” “kiểm tra” mà không nêu rõ có phải là hợp nhất giữa Ban Tổ Chức Trung Ương bên đảng với Bộ Nội Vụ bên chính phủ hay không; tương tự với Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng với Thanh Tra Chính Phủ…

Nhưng với hành động “chủ trì” phiên họp chính phủ cũng vào Tháng Mười Hai, 2017, của Tổng Bí Thư Trọng, cơ chế hợp nhất trên dường như đang được khởi động.

Vì sao đảng “ôm” PVN?

Ngay trước mắt, chính phủ có vẻ đã mất quyền kiểm soát truyền thống đối với tập đoàn PVN.

Bàn cờ nhân sự và “cơ cấu thị phần” của PVN đang và sẽ được “tái cấu trúc.” Đang và sẽ xuất hiện những gương mặt mới cùng “tư duy” mới, đại diện cho những nhóm quyền lực và lợi ích mới theo đúng triết lý những kẻ nào không còn phù hợp với trào lưu lịch sử thì đương nhiên sẽ bị lịch sử đào thải.

Dù chỉ là một trong số hàng chục ngàn doanh nghiệp nhà nước, nhưng PVN lại là tập đoàn nhà nước thuộc loại sung túc nhất Việt Nam. Chỉ riêng tài sản lưu động của tập đoàn này đã lên đến 166,000 tỷ đồng (trên $7 tỷ) tiền mặt gửi ngân hàng để lấy lãi – theo báo cáo tài chính năm 2016 của PVN.

Huyết mạch tài chính quốc gia này giờ được chuyển sang tay đảng, thông qua phó trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương kiêm chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Petro Vietnam Trần Sỹ Thanh. Từ nay trở đi, những báo cáo từ nhỏ đến lớn của PVN sẽ đồng thời gửi cho cả chính phủ và Ban Bí Thư. Để nếu có một vấn đề quan trọng nào đó của PVN thì tập đoàn này sẽ nghiễm nhiên được trình bày trước cả… Bộ Chính Trị.

Nhưng quan yếu và thiết thực hơn cả là từ nay trở đi, Tổng Bí Thư Trọng sẽ nắm được một khối tài sản chiếm ít nhất 7% GDP và cống hiến ít nhất 8% cho phần thu ngân sách nhà nước, để ông Trọng và các cơ quan đảng trung ương – thường tiêu xài đến 2,000 tỷ đồng mỗi năm – khỏi quá phụ thuộc vào quyền hành phân bổ ngân sách của phía chính phủ cho khối đảng mà do đó có thể tránh được những rắc rối hoặc áp lực về chính trị, trong một chính giới chẳng ai trung thành với ai và tương lai chẳng biết thế nào mà lần./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux