Ánh Liên (VNTB)
Họ không ‘bảo vệ Vũ Nhôm’, họ bảo vệ tính ‘chấp hành luật định’ của Nhà nước.
Vũ Nhôm bị trục xuất về nước vào ngày 4/1. Lý do đơn giản, hộ chiếu không trùng với hộ chiếu đã đăng ký xuất cảnh.
Với hai hộ chiếu, ông Vũ tin rằng, mình xuất cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam, và sau khi vào Singapore, sẽ xuất cảnh sang nước Nam Mỹ như trên hộ chiếu thứ hai.
Vấn đề là, Singapore đã từ chối điều đó, bởi họ vận dụng theo đúng luật định là: xuất cảnh bằng hộ chiếu đăng ký nào, thì phải nhập cảnh bằng hộ chiếu đăng ký đó.
“Đúng luật” – đó là điều cần thiết mà nhiều người Việt Nam mong mỏi.
Sự kiện Vũ ‘Nhôm’ thu hút nhiều người chỉ vì nó nóng hổi với những tin đồn liên quan đến tài liệu, an ninh mật, đại gia, bất động sản, nhóm lợi ích quan chức. Và đi xa hơn là ai đã hỗ trợ, theo sát, thúc đẩy Vũ ‘Nhôm’ trốn ra khỏi nước ngoài, và liệu Vũ ‘Nhôm’ có kết cục giống như ông Trịnh Xuân Thanh hay không?
Kết thúc đã cho thấy, kết cục như nhau nhưng phương thức đã có sự thay đổi, thay vì bắt cóc, nhà nước Việt Nam tận dụng khe hở 2 quốc tịch của chính Vũ ‘Nhôm’ để thực thi việc chấp pháp của mình.
Đó có thể là một bài học được rút ra từ Trịnh Xuân Thanh, hoặc tôi đa hóa vận dụng luật của an ninh Việt Nam. Và dù thế nào đi chăng nữa, thì không thể phủ nhận, phương thức này là tốt và có kiểm soát được.
Câu chuyện tiếp theo là có một luồng ý kiến cho rằng, những người ‘chống Cộng’ hoặc ‘hoạt động dân chủ’ đang tìm cách bảo vệ Vũ ‘Nhôm’, vì anh ta đang đối chọi với Nhà nước Việt Nam qua hành vi,… tháo vốn khỏi các công ty và chạy trốn ra nước ngoài.
Nếu nhìn thẳng vào sự thật, thì hiện tượng phong ‘anh hùng’ cho Vũ ‘Nhôm’ không phải là không tồn tại, nhưng nó không phải là đại diện cho tiếng nói đấu tranh nhân quyền từ những nhóm đấu tranh nhân quyền thực tế. Xuyên suốt từ sự kiện ông Trịnh Xuân Thanh đến ông Vũ ‘Nhôm’ chính là xuyên suốt đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, pháp quyền mà chính Nhà nước Việt Nam đặt ra. Những giả định về hậu quả xảy ra do sự ‘chà đạp lên luật pháp’ như cách mà an ninh Việt Nam hành xử đối với sự vụ Trịnh Xuân Thanh là những nỗi lo có thực liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế – chính trị của Việt Nam. Bởi một sự cố đẩy mạnh tính chính trị (hay đảm bảo thu hút sự quan tâm trở lại đối với chính đảng, hoặc nhằm tạo uy tín trở lại) thông qua quá trình đốt lò luôn gây ra những tác động không nhỏ đối cả đời sống kinh tế.
Lấy ví dụ, sự trục trặc trong quan hệ với Đức qua sự kiện Trịnh Xuân Thanh cho thấy những hệ lụy không nhỏ liên quan đến tiến trình EVFTA, ảnh hưởng không chỉ đối với tác động vĩ mô là hệ thống chính trị – kinh tế nhà nước, mà cả đối các doanh nghiệp Việt hoạt động trong những ngành nghề liên quan đến đối tác là thị trường Đức hoặc rộng ra là EU.
Trở về với những suy diễn hay nhận định vô cớ về việc, những nhà đấu tranh đang ủng hộ cho những tội phạm tham nhũng mà có dày đặc ở những trang ‘dư luận viên’ trên mạng xã hội.
Thực tế, cần phải khẳng định rõ ràng rằng, không ai bảo vệ cho một kẻ tham nhũng, nhưng không ai ủng hộ cho một hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn. Một kẻ tham nhũng cần phải bị xét xử bởi một tòa án công minh, đúng người, đúng tội – chứ không phải là một tòa án xử thiên về chính trị; một kẻ tham nhũng trốn chạy ra khỏi quốc gia cần phải tiến hành truy nã và dẫn độ về theo đúng luật định chứ không phải tiến hành một phương thức ‘bắt cóc chỉ có thời chiến tranh lạnh’.
Và thực tế, những người hoạt động hay đấu tranh dân chủ tại Việt Nam cũng đang thúc đẩy đó – ý thức rõ ràng về mặt pháp quyền, và vận dụng cũng như đặt pháp quyền bao trùm lên phong trào đấu tranh. Những công kích cho rằng, ‘nhà dân chủ’ bảo vệ cho kẻ tham nhũng và phong tặng ‘người hùng’ do đó là quan điểm sai trái, áp đặt và phiến diện; nó không những không lột tả đúng những quan điểm đúng đắn về mặt luật pháp mà những nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền đang theo đuổi; mà còn sa lầy vào một quan điểm chỉ trích sai đối tượng và quan điểm đối tượng.
Việc ông Trịnh Xuân Thanh hay ông Vũ ‘Nhôm’ với những sai phạm gây ra trong nước, về mặt luật pháp, vẫn chưa là những người bị coi là có tội khi chưa có bản án quyết của tòa án. Tuy nhiên, hành vi vi phạm đó vẫn là một điều đáng lên án – khi đặt trong cơ sở là sự sử dụng sai nguồn ngân sách nhà nước; lợi dụng và chi phối chỉ đạo/ chủ trương nhà nước;…
Ngoài ra, dẫn độ vì mục đích gì đi chăng nữa thì cũng tuân thủ luật pháp – nhất là luật pháp quốc tế. Nó là biểu hiện rõ nét của một hành xử quốc gia văn minh và tôn trọng các giá trị phổ quát của con người. Cũng như bảo vệ các giá trị lợi ích của quốc gia về mặt kinh tế như đã đề cập ở trên.
Sẽ không dừng việc phân tích, bình luận hoặc chỉ trích nếu như ông Xuân Thanh cho đến Vũ ‘Nhôm’, vẫn bị yếu tố ‘chỉ đạo’ trong điều tra và xét xử; bởi ‘chỉ đạo’ là thiên lệnh có phần mang tính áp đặt; đặt trong hệ đảng phái với nhiều phe cánh thì có lúc nó trở thành một ‘chỉ đạo’xử lý phe cánh dưới lớp bọc chấp pháp.
Điều đó hàm ý, sự lên tiếng của những nhà đấu tranh nhân quyền không nhằm ‘bảo vệ kẻ tham nhũng’, mà bảo vệ tính ‘luật pháp, pháp quyền’ trên tinh thần ‘án tại hồ sơ’ của một nhà nước vận hành theo pháp luật mà chính Hiến pháp Nhà nước Việt Nam đã nêu ra.
Hay đòi hỏi người đứng đầu ĐCSVN phải tôn trọng./.
Leave a Comment