Thiền Lâm – Cali Today news
Tháng Mười Hai năm 2017 đã lập kỷ lục về những sự kiện chưa có tiền lệ: sự kiện bắt Đinh La Thăng mà đã phá vỡ tiền lệ “ủy viên bộ chính trị không thể bị bắt giam và truy tố”, cùng một bản Quy định số 105 mang tính tập quyền cao độ chưa từng có cho “Ban chấp hành trung ương”, nhưng trên hết là cho người ký văn bản này: Tổng bí thư Trọng.
Trong “Phụ lục 1, chức danh cán bộ do bộ chính trị, ban bí thư quyết định hoặc phân cấp; chức danh cán bộ cần có sự thẩm định nhân sự của các ban đảng trung ương (kèm theo Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị)”, thì các chức danh cán bộ ở các cơ quan Trung ương do Bộ Chính trị quyết định bao gồm:
Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng – An ninh; Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Trưởng các ban chỉ đạo do Bộ Chính trị thành lập; Thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; trưởng các ban của Trung ương Đảng; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;
Chủ tịch, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Một luật gia đánh giá rằng với danh sách các chức danh trên, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 sẽ bị vô hiệu từng phần, chỉ còn giá trị ở các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng. Nhưng ngay cả quyền hạn của 3 chức danh này cũng đã bị cắt giảm rất mạnh.
Bởi rất nhiều chức danh trong Quy định 105 thuộc thẩm quyền bầu và phê chuẩn của Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội.
Một lần nữa trong nhiều lần, Quốc hội được đặt cho biệt danh là “nghị gật” và bị nhiều dư luận xem là “vô dụng”, lại càng trở nên vô tích sự. Nếu trước đây vẫn còn rơi rớt một ít chức danh mà Quốc hội được đảng “nhả” cho để thực thi bầu bán cho có vẻ “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, thì tới đây Quốc hội rất có thể chỉ phải làm động tác “gật, gật nữa, gật mãi” dành cho tất cả các nhân sự cao cấp mà Bộ Chính trị, hay nói chính xác hơn là tổng bí thư, đã phê chuẩn.
Quy định 105 có thể được xem là một bằng chứng rất lộ diện cho quan điểm vào năm 2014 của ông Nguyễn Phú Trọng: “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”.
Quy định 105 cũng có thể được xem là một bước nhằm cụ thể hóa chủ trương “nhất thể hóa” của Tổng bí thư Trọng tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2017.
Liệu sắp tới có “nhất thể hóa” các chức danh đảng và chính quyền ở cấp cao hơn – trung ương đảng, nhà nước và chính phủ?
Đó là một khả năng hoàn toàn không viển vông.
Vậy trong tương lai, ông Quang, ông Phúc, bà Ngân sẽ “về” đâu?
Nếu kịch bản “chủ tịch nước kiêm tổng bí thư” đã được đảng đưa ra bàn trong vòng 15 năm qua và ngày càng bàn rôm rả lẫn quyết tâm theo “mô hình Tập Cận Bình” ở Trung Quốc, thì tương lai “gom” hai chức danh mà hiện thời đang thuộc ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trần Đại Quang làm một sẽ không phải quá xa xôi.
Chỉ còn là bài toán quá khó giải: nếu ông Trọng kiêm chủ tịch nước thì ông Quang đi đâu, hoặc ông Quang kiêm tổng bí thư thì ông Trọng đi đâu…
Vẫn chưa phải hết. Mô hình “nhất thể hóa” chức danh và cả nội dung giữa đảng và chính quyền tất yếu phải dẫn đến cơ chế “gom” hai vị trị tổng bí thư và thủ tướng chính phủ làm một, theo đúng tinh thần “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân” ở cấp tỉnh thành đã được “thí điểm.”
Khi đó, nếu ông Trọng kiêm thủ tướng thì ông Phúc sẽ làm gì, và ngược lại, nếu ông Phúc kiêm tổng bí thư thì ông Trọng sẽ đi đâu?
Vào tháng 12/2017, Tổng bí thư Trọng đã lần đầu tiên “dự và chỉ đạo” một cuộc họp của chính phủ, bàn về chi tiết những vấn đề điều hành kinh tế – xã hội và chống tham nhũng chứ không còn là nghị quyết chung chung.
Cuối cùng, không thể không nói đến Quốc hội và bà chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân.
Nếu chiếu theo tinh thần “bí thư kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân” mà đã được “thí điểm” ở các tỉnh thành, vai trò của Quốc hội, cho dù có được cho giữ lại mà không phải giải thể, cũng chẳng còn tác dụng gì nữa. Sẽ không còn chuyện Quốc hội được giám sát hoạt động của Chính phủ, càng không có chuyện Quốc hội nhòm ngó vào các đề án kinh tế và đặc biệt là tình hình tài chính, ngân sách của chính phủ lẫn của đảng. Còn giờ đây, cũng không còn chuyện Quốc hội được “quyết” về nhân sự cấp cao, sau Quy định 105.
Trong những năm tới, bà Kim Ngân sẽ biết làm gì cho hết ngày giờ?
Leave a Comment