Ánh Liên (VNTB)
Nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ trao giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, trong đó người đứng đầu nhà nước khẳng định việc tổ chức nhằm là nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ sự tham gia của người dân và toàn xã hội, trong đó có vai trò hết sức quan trọng và tiên phong của các cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Nhưng nếu coi Vũ ‘Nhôm’ là một đối tượng tham nhũng – thì tính tiên phong của báo chí Việt Nam đã thực sự không được phát huy.
Với trình độ nghiệp vụ và cơ sở thiết bị của mình, báo chí Việt Nam có thể làm tốt hơn cả tờ báo Singapore The Straits Times khi phản ánh vấn đề Vũ ‘Nhôm’ bị tạm giữ tại sân bay.
Một nhân vật được cho là đối tượng điều tra tại Việt Nam được đăng tải trên báo straitstimes.com
Nhưng cũng như nhiều lần khác trước đó, dù phản ánh một người Việt Nam, là đối tượng tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài, nhưng báo chí Việt Nam luôn đi sau một bước.
Khi The Straits Times đưa tin về “một ông trùm bất động sản Việt Nam đã bị bắt giữ tại đảo quốc Singapore vào ngày 1/1/2018, thì mãi 2 ngày sau – 3/1/2018, báo chí Việt Nam mới đồng loạt đưa tin về sự kiện này, với cùng một khuôn mẫu: trích dẫn thông báo của ICA về việc bắt giữ một người Việt có tên Phan Van Anh Vu.
Tính cẩn thận của báo chí? Nếu có, thì nó đã quá dư thừa trước một nguồn tin nóng này, thể hiện sự đuối hơi, thiếu nhạy bén trước “thời cuộc”.
Thậm chí càng “cần thận” hơn khi một trang báo như Báo Đất Việt đưa tiêu đề “Sự thật Vũ nhôm bị giữ ở Singapore”, trong đó trcish dẫn lời ông Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, cơ quan này chưa nhận được thông tin Vũ “nhôm” đang bị giữ ở Singapore.
Cơ quan chưa nhận thì báo chí cũng chưa nhận, hoặc cũng có thể cơ quan Công an đang muốn kéo dài thời gian để xử lý kín đáo sự kiện Vũ ‘Nhôm’, khi mà những tin đồn thổi về những tài liệu có liên quan đến Trịnh Xuân Thanh là một cơ sở khiến Vũ ‘Nhôm’ tìm kiếm cơ hội tỵ nạn chính trị.
Và dù như thế nào đi chăng nữa, thì ở một góc độ nào đó, cũng cho thấy, báo chí Việt Nam, bằng sự kiểm duyệt và tự kiểm duyệt, đã trở nên dị biệt trong một cuộc chiến thông tin. Cùng với sự bao vây quan điểm “báo chí phải đi sau tuyên bố cơ quan điều tra” lại càng làm cho tính dị biệt về mặt tiên phong của báo chí – vốn là yếu tố sống còn bị triệt tiêu.
Người dân từ đó thiếu tin tưởng vào sự nhạy bén của báo chính thống, tin hơn vào cơ sở phản ánh của báo chí nước ngoài. Và từ nay, luồng thông tin nóng bỏng, mang tính sự kiện thời sự của người Việt, diễn ra trong lãnh thổ Việt Nam lại trở thành nguồn tin săn lùng vô cùng thoải mái của các cơ quan báo chí nước ngoài.
Nếu như ngay cả việc phản ánh tin tức trong nước còn “tụt hậu” thì báo chí Việt Nam sẽ tiên phong như thế nào để phòng chống được tham nhũng?
Ông Trần Đại Quang, vốn từng là Bộ trưởng Bộ Công an phải hiểu hơn hết cơ chế trói buộc báo chí Việt Nam, bởi không chỉ bị ràng buộc bởi tuyên giáo, mà báo chí Việt Nam cũng phải chịu sự chỉ đạo từ chính cơ quan công an.
Nhà báo Mai Quốc Ấn trong một chia sẻ vào ngày 19/12 đã bức xúc khi, những người làm báo trong một sự kiện cháy xưởng đã buộc phải viết theo chỉ đạo của Công an địa phương là xưởng bị cháy chứ không phải bị đốt, phải làm thế để trả nợ máy bị đốt.
“Viết theo chỉ đạo” mà những nhà báo đau như cắt, không chỉ khiến tin nóng không được đăng, mà phải đảo trắng thành đen. Khi nghiệp vụ và đạo đức chân chính không được khuyến khích, thì cũng từ vòng kim cô này, nảy sinh ra nhiều nhà báo mà ông Trưởng ban tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng phải thừa nhận rằng: nhuận bút không đăng bài nhiều hơn nhuận bút đăng bài.
Đó là cái tệ nạn của xã hội, và góp công lớn của tệ nạn này là sự tha hóa làng báo chí của cơ quan công an cũng như ban tuyên giáo. Bởi chính hai cơ quan này tước đoạt đi tính tiên phong để thay vào đó là tính chỉ đạo, tước đạt tính chủ động để thay vào đó là tính quy trình; tước đoạt đi tính tư duy của báo chí để thay vào đó là tính luồn cúi,…
Tất cả tạo nên một nền báo chí dúm dó và đầy lỗ hổng; một nền báo chí thừa đội ngũ và lực lượng nhưng thiếu đạo đức và tính tiên phong.
Nhiều nhà báo vượt khung tiên phong thì bị cơ quan chủ quản tước giấy phép, giam cầm, cấm xuất cảnh. Đó liệu là một sự khích lệ báo chí? Hay đơn thuần là một thủ tục cho thấy tính đặc trưng báo chí của nhà nước là sự kiềm kẹp và quản chế?
Và qua vụ Vũ ‘Nhôm’, cũng phần nào cho thấy cái bi, cái hài của làng báo Việt khi một cổ hai tròng./.
Leave a Comment