Quảng Cáo

Những kẻ đốt đền

Quảng Cáo

Tân Phong – Việt Tân

Từ Herostratus đến những bạo chúa Đỏ

Herostratus – kẻ đã đốt ngôi đền Artemis, ngôi đền thiêng ở Ephesus, nơi lưu giữ những kiệt tác nghệ thuật lớn nhất của Hy Lạp cổ đại vào năm 356 trước CN – đã đạt được mục đích của mình khi lưu danh sử sách là kẻ đã hủy hoại những giá trị văn hóa, tinh thần vô giá của loài người và của dân tộc Hy Lạp. Có lẽ, Herostratus vui sướng và thỏa nguyện vì mình đã được “muôn năm” như khao khát của hắn. Hắn đã buộc người ta phải nhớ đến để nguyền rủa và căm ghét muôn đời.

Thế giới thật kỳ lạ, vì không chỉ có một Herostratus mà có rất nhiều kẻ như vậy. Suốt tiến trình lịch sử loài người và của các dân tộc, luôn luôn có những Herostratus.

Thường thì những “kẻ đốt đền” là những kẻ có quyền lực tối thượng hoặc những kẻ nổi dậy đầy mạnh mẽ, những bạo chúa luôn muốn xóa hết mọi thành tựu văn minh của những thế hệ, triều đại trước đó và xây dựng dấu ấn của riêng mình để lưu danh muôn thủa. Người ta có thể thấy rõ điều đó ở các triều đại phong kiến Châu Á. Ngay cả hôm nay, giữa thế kỷ văn minh và thông tin toàn cầu, vẫn luôn có những Herostratus. Nhưng chắc chắn một điều là những “kẻ đốt đền” thì luôn nhân danh những điều vĩ đại và tin rằng chúng đang làm nên lịch sử.

Trong cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa, một sự kiện chính trị, văn hóa xã hội kinh hoàng để lại những hậu quả khủng khiếp, cùng với chiến dịch “Đại nhẩy vọt”, Mao Trạch Đông đã giết chết hơn 200 triệu người dân Trung Quốc và tàn phá tới tận gốc rễ những giá trị văn hóa lâu đời một nền văn hóa rực rỡ và phong phú nhất thế giới với 5000 năm lịch sử.

Mục tiêu của “cách mạng văn hóa” là triệt bỏ những phần tử trí thức cấp tiến đã bị sập bẫy “dụ rắn ra khỏi hang” trong chiến dịch “trăm hoa đua nở” do Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai phát động nhằm khuyến khích giới trí thức đưa ra góp ý đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bên cạnh những “thành tích” xóa bỏ các giá trị văn hóa truyền thống, đốt phá thư tịch cổ, đàn áp Tam giáo (Phật Giáo, Đạo giáo và Cơ Đốc Giáo), đập phá công trình tôn giáo, lịch sử lâu đời, thay đổi chữ viết… Mao Trạch Đông khi nói về cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa của mình đã rất tự hào rằng:

Tần Thủy Hoàng đáng kể gì? Ông ta chỉ chôn sống 460 nho sĩ, còn chúng ta đã giết cả 46.000 ngàn tên trí thức hủ nho ấy chứ. Trong cuộc trấn áp phản cách mạng, chẳng phải chúng ta đã giết cả những tên trí thức phản cách mạng hay sao? Tôi đã tranh luận với những người theo phái dân chủ buộc tội chúng ta là hành động như Tần Thủy Hoàng. Tôi nói rằng họ đã nhầm. Chúng ta còn vượt xa ông ta đến cả trăm lần ấy chứ.

Ở Việt Nam, thời kỳ Cải cách ruộng đất và bài trừ phong kiến, phong trào “trí, phú, cường hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” của những người Cộng sản cũng không kém phần tàn bạo so với cái nôi sản sinh ra nó là Trung Quốc. Những trí thức ưu tú, những doanh nhân, điền chủ yêu nước… là những mục tiêu đầu tiên trong các chiến dịch thanh trừng.

Cảnh đấu tố trong thời cải cách ruộng đất. Ảnh: Internet

Những đứa trẻ bị tẩy não, những đảng viên, đoàn viên CS phải “gương mẫu” trong chiến dịch đấu tố, đã đem chính cha mẹ, người thân, ân nhân của mình ra, biến họ thành những kẻ tội phạm, sỉ nhục và đem đi xử bắn công khai như trường hợp Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu – một ủy viên Trung ương Đảng CSVN, đã đưa cha mẹ ruột ra đấu tố trong chiến dịch Cải cách ruộng đất).

Nạn nhân tiêu biểu nhất không ai khác là bà chủ Cát Hanh Long, Nguyễn Thị Năm, người đã hỗ trợ cho ông Hồ và thể chế chính trị Cộng sản từ thời kỳ trứng nước hàng trăm cân vàng đã bị xử bắn và người ký quyết định giết bà lại chính là vị “cha già dân tộc”.

Cả một xã hội Việt Nam chìm trong một không khí khủng bố, nghi kỵ, thù hận khi ngay cả cấu trúc cơ bản nhất và bền vững nhất của một xã hội là gia đình đã tan rã bởi chủ thuyết và đường lối “đấu tranh giai cấp” của người Cộng sản. Văn hóa của cả một dân tộc từ đó đã bị đốt tới tận nền móng thành đống tro tàn.

Việt Nam đầu thế kỷ 20, đã có một lớp tri thức ưu tú của dân tộc, tiếp nhận những tư tưởng cấp tiến của Kỷ nguyên Ánh sáng, bởi những triết gia vĩ đại như Voltaire, Gustave Le Bon, J.J Rousseau, Montessori,… và cảm hứng từ công cuộc cải cách từ đất nước Mặt trời bởi Minh Trị Duy Tân.

Những Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Hải Thần,… đã vận động cuộc cải cách văn hóa sâu rộng trong xã hội bấy giờ, đả phá thói hủ nho, tầm chương trích cú, học hành thi cử cốt để làm quan, lối sống bại hoại “Đông Á bệnh phu”.

Những trí thức tiền phong đã chủ trương phát triển văn hóa, hội nhập, học hỏi Phương Tây, ưu tiên phát triển khoa học kỹ thuật, thực nghiệp với khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Nhưng đáng tiếc thay, dòng chảy mới được khơi dòng đã bị bẻ cong sang một lối rẽ oan nghiệt bởi những thế lực chính trị quốc tế. Những di sản còn lại cũng đã bị phá sạch bởi những cuộc cải cách ruộng đất và đàn áp văn hóa, tôn giáo của người Cộng sản sau đó. Việt Nam ngập chìm trong màu máu đỏ, bởi một chủ thuyết rồ dại, cuồng điên, dối trá và hận thù chia rẽ lòng người suốt hơn 80 năm qua.

Chữ quốc ngữ – di sản văn hóa lớn nhất lịch sử cận đại Việt Nam

Nếu để đánh giá và ghi nhận một trong những giá trị và thành tựu văn hóa lớn nhất trong 300 năm trở lại đây của Việt Nam thì tôi tin rằng hệ chữ Việt hiện đại chúng ta sử dụng là một trong những di sản quí báu đó.

Hệ chữ latinh này được nhà truyền đạo Bồ Đào Nha Francisco de Pina (1585 – 1625) và nhà truyền đạo người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660) phát minh và hoàn thiện vào thế kỷ 17, để thay thế cho chữ Hán Nôm và chữ Hán, vốn được sử dụng trước đó.

Ông Alexandre de Rhodes (trái) và ông Francisco de Pina.

Phát kiến vĩ đại này được xiển dương bởi các nhà văn hóa cấp tiến sau này. Họ sử dụng để biên soạn, dịch thuật các tác phẩm văn hóa, chính trị, khoa học kinh điển của thế giới, truyền bá tri thức trong phong trào Đông Du. Đến thời Việt Nam Dân Chủ cộng hòa, ông Hồ cũng đã nỗ lực phát động các chiến dịch “xóa mù chữ”, “diệt giặc dốt” bằng chữ quốc ngữ rất hiệu quả.

Với tính khoa học, sư phạm, hệ chữ viết của Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina, cho phép chuyển đổi thành công một hệ chữ viết tượng hình phức tạp, thiếu tính khoa học và khó hội nhập là chữ Hán Nôm, thành hệ chữ viết đơn giản hơn nhiều, song đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu biểu đạt ngôn ngữ của người Việt.

Đây cũng là hệ chữ Latinh hiếm hoi trong khu vực Châu Á nơi mà ảnh hưởng văn hóa và chữ viết của Trung Quốc rất sâu đậm.

Với lịch sử hơn 300 năm của mình, hệ chữ viết hiện nay của người Việt Nam được Alexandre de Rhodes chỉnh lý, hệ thống, sáng tạo bổ sung hoàn bị trên cơ sở những phát minh của Francisco de Pina, đã hoàn chỉnh, là một bộ chữ khoa học, đẹp và đầy đủ.

Gần đây, sự kiện ông Bùi Hiền, đưa ra một “công trình ngôn ngữ” mà ông ta nghiên cứu suốt 40 năm, với đề nghị Nhà nước thay đổi chữ viết hiện tại theo bảng chữ cái và cách viết của ông “phát minh”. Với bảng chữ cái và cách viết mới của ông Hiền, tiếng Việt “cải cách” rất giống với cách viết phiên âm pīnyīn của người Trung Quốc.

Cách thức cải cách chữ viết và tiếng Việt của ông giống hệt một chương trình tái giáo dục cho hơn 90 triệu dân Việt trước khi trở về với “mẫu quốc” Trung Hoa. Đề xuất của Bùi Hiền làm náo loạn xã hội và nhận được sự phẫn nộ nhiều hơn là ủng hộ.

PGS-TS Bùi Hiền, người đề xuất cải tiến chữ cái tiếng Việt. Ảnh: vietnamnet.vn.

Vì là dân ngoại đạo trong lĩnh vực ngôn ngữ mà theo “ní nuận” là anh phải biết về ngôn ngữ, ngữ âm, âm vị học gì đó thì hẵng bàn, hẵng phản biện… còn không thì chỉ là “bọn quần chúng” – không đáng quan tâm đến – theo cách “ní nuận” của những tiến sỹ kiểu Đoàn Hương, nên tôi cũng không muốn thêm “gạch đá” cho ông Bùi Hiền, cho dù, không thể không chửi thề.

Thật may, cuối cùng cũng có một nhà ngôn ngữ học thực sự lên tiếng, GS-TS Nguyễn Văn Lợi – nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học – đã có bài phản biện như đặt dấu chấm hết cho thứ “phát minh” quái gở của ông Hiền bằng phân tích, nhận xét mang tính khoa học xác đáng: Đề xuất không dựa trên cơ sở khoa học, thiếu thực tế, vi phạm nguyên tắc sư phạm, làm đứt gãy văn hóa và tốn kém cho xã hội….

Điều đáng nói ở đây, những đề xuất phá hoại này nằm trong khuôn khổ của một cuộc hội thảo khoa học đơn thuần. Ông Hiền rất có thể sẽ nhận một giải Ig-Nobel cho nỗ lực “40 năm nghiên cứu” của mình và tất cả chỉ dừng lại ở đó.

Tuy vậy, lời nhận xét của ông Dương Trung Quốc rất chính xác khi cho rằng có một thế lực nào đó đã thổi phồng sự việc này đi quá xa so với phạm vi giới hạn của nó. Một thuyết âm mưu giả-thật – thật-giả đã được thực hiện như một phép thử cho xã hội Việt Nam. Không phải đó chỉ là một đề xuất hay nghiên cứu khoa học đơn thuần. Đó là việc làm của những Herostratus chính trị đốn mạt nhất – những kẻ đang rắp tâm, không ngừng nghỉ, tìm mọi cách xóa bỏ những di sản văn hóa của dân tộc này – những kẻ nắm trong tay hệ thống truyền thông, báo chí Việt nam.

Văn hóa: gốc tồn vong của một dân tộc

Một thời gian, người ta ồn ào với những tranh luận của giới nghệ sĩ Việt. Một số người đưa ra lời đả kích dòng nhạc Bolero và coi trào lưu hát nhạc bolero là “bước thụt lùi về văn hóa”.

Những người đưa ra lời đánh giá này đều là những nghệ sĩ từ phía Bắc. Lời bình phẩm đó, bị giới nghệ sĩ trong Nam phản bác lại không kém phần kịch liệt. Thực tế là, dù từng bị cấm đoán, người Việt càng ngày có khuynh hướng quay trở lại những bài hát xưa cũ của VNCH, với dòng nhạc tiền chiến, nhạc bolero, nhạc Trịnh…

Những giá trị văn hóa đích thực luôn có sức sống bền bỉ và lấp lánh mãi với thời gian. Dù chính thể VNCH không còn, nhưng những giá trị văn hóa đẹp đẽ của một giai đoạn lịch sử, một thể chế vẫn sống mãi trong tâm hồn người dân. Họ tìm đến cái Đẹp để cứu rỗi tâm hồn đang bị tổn thương, mệt mỏi, để xa lánh những thực tại đầy rẫy cái xấu xa.

Thơ ca, văn học, nghệ thuật… là những luồng sáng văn minh, thứ nuôi dưỡng các giá trị nhân bản trong mỗi con người, hun đúc và tạo hình cho sự phát triển của những cá thể và cộng đồng. Văn hóa là gốc tồn vong, hưng thịnh của một quốc gia mà khi đánh giá tầm quan trọng của văn hóa, Tưởng Giới Thạch – cha đẻ của Đài Loan hiện đại, đã luôn luôn nhắc nhở thế hệ sau: Nước bị diệt vong còn có thể phục hưng nhưng văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả bị hủy hoại.

Bạo lực học đường, nỗi trăn trở của xã hội. Ảnh: zing.vn

Ngày hôm nay, nhìn lại một Việt Nam với những thế hệ trẻ rách nát trong tâm hồn, tê liệt trong sức sống, vong nô ngay trên chính mảnh đất quê hương mình, những thế hệ đánh mất thân phận, niềm tự tôn của một nguồn gốc dân tộc kiêu dũng, để cố gắng trở thành những “công dân hạng hai” cho những kẻ đang tàn phá, hủy hoại đất nước này.

Thảm kịch đó do đâu? Đó chẳng phải là kết quả một quá trình bào mòn, tiêu hủy, xuyên tạc các giá trị văn hóa, lịch sử…, một hệ thống giáo dục lệch lạc, què quặt, tuyên truyền, bóp nghẹt tư duy Tự do và Khai phóng… theo những định hướng chính trị đốn mạt hay sao?.

Hãy nhớ rằng, những “kẻ đốt đền” luôn được hậu thế nhớ đến “muôn năm” trong sự căm ghét và nguyền rủa. Những kẻ như Bùi Hiền và cả hệ thống chính trị đứng đằng sau thuyết âm mưu này chính là những Herostratus ngày hôm nay. Chúng sẽ được lịch sử và dân tộc ghi danh trong tấm bia ô nhục mãi mãi./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux