Thiền Lâm – Cali Today News
Tiếp sau kỷ lục hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng trong một thời gian kỷ lục là 12 ngày (kể từ ngày ông Thăng bị bắt là 8/12) của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, đến lượt Viện kiểm sát nhân dân tối cao tạo ra một kỷ lục khác còn chấn động hơn: cơ quan này đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự) vào ngày 26/12, tức chỉ 5 ngày sau khi nhận được kết luận điều tra vụ Đinh La Thăng từ Cơ quan cảnh sát điều tra.
Và kịch bản “chủ động thông tin cho báo chí” ngay trước đó cũng được lặp lại: bản cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng ngay lập tức được báo chí nhà nước đưa tin vào ngày 26/12.
Một ngày trước đó, báo Cali Today đã có bài “Thêm dấu hiệu Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng sẽ bị án nặng”
Đến lúc này, cơ hội để Đinh La Thăng được một “thái thượng hoàng” (nếu có) hay một thế lực chính trị nào đó ra tay cứu vớt đã gần như trở thành con số 0. Chỉ đạo hoàn thành quá gấp gáp kết luận điều tra đối với Đinh La Thăng cùng việc các cơ quan điều tra và tư pháp tung thông tin tố tụng hình sự vụ án Thanh – Thăng từng giai đoạn cho báo chí nhà nước đăng tải càng cho thấy Tổng bí thư Trọng muốn “đặt sự đã rồi” và lập tức trấn áp các phản ứng và can thiệp chạy tội cho Đinh La Thăng.
Tuy nhiên cũng đang lộ ra một mâu thuẫn lớn giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Trong cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, ông Thăng được Viện kiểm sát đánh giá “thành khẩn khai báo” nên đề nghị tòa án giảm nhẹ hình phạt.
Chỉ 4 ngày trước, một số trang báo nhà nước mà tiêu biểu là báo Người Lao Động đã “vô tình” đăng tin “Theo cơ quan an ninh điều tra, đáng chú ý, bị can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú nhưng thái độ khai báo không thành khẩn”, và “Trong quá trình điều tra, ông Đinh La Thăng có thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp thức hóa tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra”.
Điều đáng ngạc nhiên là không hiểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao lấy đâu ra thời gian để hỏi cung Đinh La Thăng đánh giá “thành khẩn khai báo”, trong lúc hoàn tất cáo trạng chỉ trong 4 – 5 ngày?
Cần nhắc lại, hồ sơ truy tố Đinh La Thăng đã được “ghép” cùng vụ Trịnh Xuân Thanh tại tòa trong phiên xử vào tháng 1/2018 chứ không đợi đến tháng 2/2018 tại phiên tòa xử Hà Văn Thắm. Theo kịch bản này, chính Trịnh Xuân Thanh có thể vừa là bị cáo vừa là nhân chứng: bị cáo trong vụ án của mình, và là nhân chứng chống lại Đinh La Thăng.
Nếu không có gì thay đổi, Đinh La Thăng (trái) có thể thoát chết, nhưng Trịnh Xuân Thanh thì không.
Còn Đinh La Thăng sẽ phải ra tòa không phải một mà ít nhất 2 vụ án: vụ PVC và vụ Ngân hàng Đại Dương. Khi đó, tội của ông Thăng càng nguy ngập hơn.
Nếu chỉ riêng vụ PVC với tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Đinh La Thăng có thể phải nhận mức án hàng chục năm tù giam. Còn nếu cộng cả hình phạt từ 2 vụ án mà ông Đinh La Thăng phải hầu tòa, mức án chung dành cho ông có lẽ sẽ ngất ngưởng.
Nhưng rõ ràng ông Đinh La Thăng đã được một ngôi sao trên trời chiếu mệnh, để chỉ trong thời gian 4 -5 ngày trên cung đường từ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đến trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, mệnh tù của ông đã có thể được giảm nhẹ đáng kể, từ “không thành khẩn khai báo” sang “thành khẩn khai báo”.
Theo “truyền thống” của ngành tư pháp (công an, viện kiểm sát và tòa án) ở Việt Nam, thái độ khai báo có “thành khẩn” hay không được xem là tiêu chí quan trọng đầu tiên để xem xét lượng án đối với bị can, bị cáo (nếu có án). Sau tiêu chí này mới là tiêu chí “nhận tội”.
Còn theo kinh nghiệm của giới luật sư chuyên bào chữa cho bị cáo, “thái độ khai báo thành khẩn” sẽ giúp cho bị cáo được tòa án giảm khoảng 20% mức án.
Như vậy, bước đầu Đinh La Thăng đã có được “lợi thế so sánh” 20% đó.
Nhưng Trịnh Xuân Thanh thì lại không được sao chiếu mệnh đó. Nhân vật này, dù được toàn bộ hệ thống tuyên giáo đảng cho là “tự nguyện đầu thú”, vẫn bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá rằng ông Thanh trong quá trình điều tra đã không thành khẩn, khai báo quanh co, chối tội. Sau khi phạm tội, ông bỏ trốn gây khó khăn, cản trở quá trình điều tra, do đó đề nghị áp dụng hình phạt nghiêm khắc với ông Thanh.
Nếu không có gì thay đổi, Đinh La Thăng có thể thoát chết, nhưng Trịnh Xuân Thanh thì không.
Trong phiên xử vụ Ngân hàng Đại Dương gần đây, Hà Văn Thắm đã phải nhận án chung thân, còn Nguyễn Xuân Sơn – tử hình./.
Leave a Comment