Xử ông Đinh La Thăng bằng điều luật nào? (*)
Trần Thành (VNTB)
Ngày 8/12/2017, ông Đinh La Thăng đã bị Cơ quan điều tra Bộ công an bắt tạm giam. Đến ngày 20/12/2017, cơ quan điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Thăng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
***
Chỉ 1 ngày sau khi bị đề nghị truy tố trong vụ án nói trên, tối ngày 21/12/2017, báo chí trong nước lại một lần nữa rầm rộ đưa tin ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh và 20 bị can khác bị đề nghị truy tố trong vụ đại án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng lại thêm một lần nữa bị đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Lịch xét xử của Tòa án Hà Nội tháng 12/2017 không có vụ án nào đưa ra xét xử có liên quan trực tiếp đến ông Đinh La Thăng. Vấn đề chính là ở chỗ này: từ ngày 1/1/2018, khi Bộ Luật Hình sự mới có hiệu lực thi hành thì tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” không còn nữa.
Trong Bộ luật hình sự mới (2015) cũng không có tội danh tương ứng với tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” – theo điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999. Thuộc nhóm “các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”.
Trong khi đó, tại Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự mới (năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) về “hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian” quy định như sau:
“3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng quy định trên là một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật hình sự nói chung. Đó là nguyên tắc áp dụng tình tiết CÓ LỢI cho bị can, bị cáo – khi có sự thay đổi về pháp luật.
Vẫn theo góc nhìn của luật sư Trần Hồng Phong, cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 20/6/2017, Quốc Hội ban hành Nghị quyết số: 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết, về việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định như sau:
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau:
a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.
“Hiểu một cách đơn giản, là nếu một người có hành vi có dấu hiệu phạm tội theo luật cũ, nhưng nay theo luật mới thì hành vi đó không còn bị xem là hành vi phạm tội nữa, thì điều luật mới sẽ được áp dụng cho người đó. Tức là ông Đinh La Thăng sẽ được áp dụng theo Bộ luật hình sự mới. Tức sẽ không bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nữa – vì trong luật hình sự mới không còn tội danh này”.
Luật sư Trần Hồng Phong, đặt câu hỏi: Do vậy, liệu có khả năng đây là một trường hợp “giơ cao đánh khẽ” chăng?
(*) Tựa nguyên thủy của tác giả
Leave a Comment