Thiền Lâm – Cali Today news
Chiến dịch “Diệt thái tử đảng” của Tổng bí thư Trọng chỉ thuần túy là một động tác hãm bớt “tham vọng cá nhân” như tinh thần nghị quyết của ông, hay còn mang một ẩn ý và nhắm đến một mục tiêu nào khác?
Sau ngày 8 tháng Mười Hai năm 2017 – thời điểm có thể được xem là mốc mở màn cho “chống tham nhũng giai đoạn 2” của ông Trọng mà khởi đầu bằng vụ bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, không chỉ hàng loạt quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và quan chức ngân hàng bị bắt, một số quan chức lãnh đạo các địa phương Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Nam bị kỷ luật, mà những “thái tử đảng” cũng bị “lên thớt”: Nguyễn Phước Hoài Bảo – con trai cựu bí thư Quảng Nam Nguyễn Phước Thanh, Huỳnh Minh Phong – cậu ấm của cựu bí thư Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc.
Chẳng có gì oan uổng cho giới “thái tử đảng”, hay còn được dân gian ví như giới “hót hay nhảy giỏi” – một thành ngữ quá thích hợp đối với giới quan chức ưa chạy chức thời nay. Chính Trưởng ban tổ chức trung ương Tô Huy Rứa đã phải “ngậm ngùi’’ thừa nhận vấn nạn này, tuy trong nhiều năm đã không một ai làm được gì để ngăn chặn cảnh nạn ô uế đó.
Trước đây, đã có lúc ái nữ sinh năm 1988 của ông Tô Huy Rứa là Tô Linh Hương được đặc cách bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Vinaconex. Vụ việc này ngay lập tức gây ra quá nhiều tai tiếng cho ông bố ủy viên bộ chính trị, khiến chỉ sau đó mấy tháng, ông Rứa phải chủ động “rút’’ con gái mình ra khỏi vị trí đặc cách này.
Nhưng sau Tô Linh Hương, lại xảy ra hàng loạt “cậu ấm’’ khác được “nhảy rào’’ khiến dư luận và cả giới cách mạng lão thành không ngớt lời chỉ trích: Nguyễn Minh Triết – con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Bá Cảnh – con trai của Trưởng ban nội chính đã quá cố Nguyễn Bá Thanh, hay gần đây là Lê Trương Hải Hiếu – con trai của ông Lê Thanh Hải, Bí thư thành ủy Sài Gòn…
Hẳn là đã diễn ra hội chứng “hốt cú chót’’, vào thời buổi hỗn quân hỗn quan cuối cùng, và giới chính khách Việt Nam chẳng thể biết số phận mình sẽ xoay vần hay bị định đoạt ra sao trong vài năm tới.
“Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ’’ cũng là một thành ngữ dân gian truyền thống nhưng lại chưa hề mất tính thời sự ở Việt Nam. Những cán bộ kiểu “tuổi trẻ tài cao’’ đang được phóng lên vị trí quá tầm hẳn chưa thể và chưa có điều kiện để trải nghiệm tính sắt son của thành ngữ này. Đặc biệt càng không thấm trải việc chính trường Việt Nam cay nghiệt và dã man đến thế nào, trong bối cảnh các lực lượng chính trị triệt hạ nhau không chút nương tay trước kỳ đại hội.
Cái cách chiến dịch “Diệt thái tử đảng” của Tổng bí thư Trọng đang được bản đồ hóa khi tiến dần từ miền Trung vào miền Nam, từ Quảng Nam đến Hậu Giang.
Rồi có thể tiến đến đâu nữa?
Vài blogger “thân đảng” vừa quy hoạch điểm đến của chiến dịch trên. Những lời khuyến cáo lẫn hàm ý đe dọa được tung ra nhắm tới Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết – hai con trai của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đòi hai người “tuổi trẻ tài cao” này phải trả lại chức, nếu không “sẽ có chuyện”.
Nhiều tờ báo nhà nước cũng đang ồn ào hỗ trợ cho chiến dịch “Diệt thái tử đảng” của Tổng bí thư Trọng. Không khí cũng khá giống với cảnh “đấu tố” vụ xe Lexus của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh vào giữa năm 2016: không đánh trực tiếp ngay tâm, mà “làm” dần từ vòng ngoài hướng vào tâm.
Có thể hình dung ngay rằng trong không bao lâu nữa, vòng vây sẽ khép kín Nguyễn Thanh Nghị – Bí thư Kiên Giang. Còn Nguyễn Minh Triết đang ở Trung ương đoàn, chỉ là vị trí có một chút tiếng nhưng chưa hề có miếng nên có thể sẽ được nhẹ tay đôi chút.
Từ giữa năm 2017, báo chí nhà nước đã bất ngờ lôi vụ khách sạn Hương Biển xây sai quy hoạch ở đảo ngọc Phú Quốc ra “mần”. Có tờ báo còn bạo gan đề cập đến trách nhiệm của Bí thư Nguyễn Thanh Nghị.
Nhiều khả năng ông Nghị sẽ bị “luân chuyển cán bộ” – một hình thức được xem là ưu đãi – trong thời gian tới. Còn nếu không chịu đi, Nguyễn Thanh Nghị sẽ có thể phải đối mặt với đủ thứ chuyện chẳng hay ho gì.
Nhưng con cái chỉ là một vế. Nếu chiến dịch “Diệt thái tử đảng” đánh từ ngoài vào nhằm hướng đến hai người con của Nguyễn Tấn Dũng, thì sau hai người con đó, Nguyễn Tấn Dũng sẽ là cái đích cuối cùng, mục tiêu lớn nhất.
Trong cuộc đời “vì đảng vì dân” của Nguyễn Tấn Dũng và ngay cả khi ông quyết định trở lại “người tử tế”, chưa bao giờ Nguyễn Tấn Dũng lại rơi vào tình thế “thập tử nhất sinh” như lúc này.
Vào đầu tháng 12/2017, sự kiện đám tang mẹ của ông Dũng mất đã làm lộ ra một sự thật quá đen đúa: quá hiếm quan chức đương nhiệm và cả hưu trí dám đến dự đám tang này. Dường như cả đám người từng một thời anh em xôi thịt như một đàn nhặng quanh Nguyễn Tấn Dũng đã ngửi thấy mùi tử khí phảng phất quanh ông ta nên dạt xa càng nhanh càng tốt./.
Leave a Comment